Dự thảo Bộ luật Hình sự (sửa đổi) đã giảm việc áp dụng hình phạt tù, mở rộng phạm vi áp dụng các hình phạt không mang tính giam giữ như phạt tiền, án treo. Đây được đánh giá là quy định mang tính nhân văn và hợp lý. Luật sư Nguyễn Duy Hữu - Phó Giám đốc Công ty luật Vinh Đức chia sẻ với PV Đại Đoàn Kết.
Dẫn chứng lợi ích từ việc tăng hình phạt tiền để giảm nhẹ hình phạt hình sự, luật sư Duy Hữu kể: Cuối năm 2014, TAND TP. Hà Nội xét xử “siêu lừa” Lê Hồng Bàng - Giám đốc Cty CP Sàn Bất động sản Việt Nam lừa đảo chiếm đoạt số tiền lên tới gần 350 tỷ đồng trong vụ việc làm dự án bất động sản giả rồi lừa bán cho gần 400 bị hại. Khi nghe Bàng bị tòa tuyên án chung thân vì tội lừa đảo, hàng trăm bị hại mặt vẫn buồn rười rượi, có người còn bật khóc. Họ tâm sự, số tiền hàng tỷ đồng nộp cho Bàng giờ không có cách nào đòi lại được. Một bị hại tâm sự: “Tôi không cần anh ta bị tù chung thân, với tôi chẳng có lợi gì cả, tôi chỉ cần anh ta trả lại tiền thôi. Nếu anh ta trả được, dù chỉ 2/3 số tiền thôi, chúng tôi cũng sẵn sàng làm đơn xin giảm án cho anh ta”.
Thiệt hại chính của một số tội phạm về kinh tế chủ yếu là tiền. Vậy nếu đã đền bù tiền rồi, thì không còn thiệt hại nữa. Như thế là hậu quả đã được khắc phục, do đó không nhất thiết phải bắt tù đối tượng làm gì. Nếu cứ quy định như Bộ luật Hình sự hiện nay là dù có đền tiền rồi, đối tượng vẫn phải đi tù, việc khắc phục hậu quả chỉ được xem xét là tình tiết giảm nhẹ, thì sẽ dẫn đến việc kẻ phạm tội không bao giờ trả lại tiền.
Với các vụ án tham ô, tham nhũng, vấn đề thu hồi tài sản cũng rất khó khăn. Theo thống kê của Thanh tra Chính phủ, chỉ có khoảng 23% số tài sản tham nhũng được thu hồi.
Quan điểm của Bộ Tư pháp khi xây dựng Dự thảo Bộ luật Hình sự (sửa đổi) là “Tăng cường tính nhân đạo, bảo vệ con người, bảo vệ chế độ, góp phần quan trọng vào việc bảo đảm trật tự an toàn xã hội trong tình hình mới”. Với những tội phạm ít nghiêm trọng, ít nguy hiểm cho xã hội thì không cần phải áp dụng hình phạt tù. Hình phạt tù chỉ áp dụng với những tội phạm mà xét thấy, nếu để người phạm tội ngoài xã hội thì sẽ còn gây hại cho xã hội. Còn đối với những trường hợp khác thì xem xét áp dụng các hình phạt không tước tự do.
Việc áp dụng hình phạt bằng tiền nên quy định là hình phạt chính. Không chỉ bó hẹp ở các tội xâm phạm trật tự quản lý kinh tế, trật tự công cộng, trật tự quản lý hành chính, mà mở rộng ra các tội phạm về môi trường, một số tội xâm phạm quyền tự do của con người…
Áp dụng hình phạt tiền, ngoài việc giúp giảm hậu quả các vụ án, tăng thêm ngân sách Nhà nước, còn một cái lợi khác, đó là chúng ta không lo bị quá tải nhà tù, không phải xây thêm nhà tù, không mất thêm biên chế cho lực lượng quản giáo…
Không nên nghĩ phạt tiền có ít tác dụng giáo dục hơn là phạt tù. Cha ông ta đã có câu “của đau con xót”, người phạm tội bị phạt tiền một lần, thì lần sau sợ mà không dám phạm tội nữa, có khi còn sợ hơn là bị đi tù, bởi không khéo sẽ sạt nghiệp.
Tuy nhiên, việc mở rộng áp dụng hình phạt tiền cũng dẫn đến sự bất bình đẳng giữa người giàu và người nghèo. Người giàu cứ có tiền dù phạm tội cũng không sao, vì đã có tiền để chuộc? Do đó, chỉ nên áp dụng hình phạt tiền với các tội ít nghiêm trọng, mở rộng ra với các tội nghiêm trọng nhưng chỉ trong lĩnh vực kinh tế, môi trường.
Một câu hỏi đặt ra, nếu người nghèo, phạm một tội ít nghiêm trọng, có thể áp dụng hình phạt tiền mà họ không có tiền để nộp thì có bắt người ta đi tù không? Với trường hợp này, luật nên quy định có thể thay phạt tiền bằng phạt lao động công ích.
Một lo ngại nữa là áp dụng hình phạt tiền dễ dẫn đến việc tiêu cực của cơ quan xét xử. Hiện chúng ta đang quy định với những đối tượng bị kết án mức phạt tù từ 3 năm trở xuống có thể cho hưởng án treo, tức là cải tạo không giam giữ tại gia. Quy định này rất nhân văn, nhưng đã dẫn đến việc “chạy án”, nhiều kẻ biến chất trong cơ quan tư pháp “mặc cả” với người nhà bị cáo đòi hàng trăm triệu đồng để được tuyên án treo. Nếu mở rộng áp dụng phạt tiền thì có làm tăng tiêu cực trong cơ quan xét xử không? Tuy nhiên, nhiều quan điểm cho rằng, không nên quá lo xa như thế, quy định nào cũng có mặt lợi mặt hại, nhưng nếu xét thấy lợi nhiều hơn thì nên theo.