Đây là đề xuất của các đại biểu tại Hội nghị tổng kết 5 năm thực hiện Luật BHYT và lấy ý kiến đóng góp Dự thảo Luật BHYT sửa đổi do BHXH Việt Nam và Bộ Y tế tổ chức mới đây.
Báo cáo của Bộ Y tế cho biết, sau 5 năm thực hiện Luật Sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật BHYT, trong đó nổi bật là tỷ lệ bao phủ BHYT tăng lên nhanh chóng, hiện đạt gần 90% dân số cả nước; quyền lợi BHYT của người dân được đảm bảo thể hiện rõ qua số lượt khám, chữa bệnh liên tục tăng qua các năm… Theo đó, tỷ lệ bao phủ BHYT từ 71,3% năm 2014 tăng lên qua các năm và hiện đạt 89,8%. Năm 2015, có khoảng 130 triệu lượt khám, chữa bệnh BHYT; con số của năm 2018 là trên 176 triệu lượt. Công tác giám định BHYT từng bước được ứng dụng công nghệ thông tin, hiện đại hóa. Năm 2018, hệ thống thông tin giám định BHYT đã tiếp nhận và giám định trên 176 triệu hồ sơ điện tử; kết nối với 12.132 cơ sở khám, chữa bệnh BHYT; tỷ lệ liên thông dữ liệu toàn quốc đạt 95,12%; phần mềm giám định đảm bảo thực hiện trên 10 nghiệp vụ, tích hợp trên 200 quy tắc phát hiện trùng lặp, sai mức hưởng, sai danh mục, sai về giá… Dù vậy, quá trình thực hiện Luật BHYT trong giai đoạn vừa qua cũng còn tồn tại một số hạn chế nhất định trong công tác ban hành văn bản quy phạm pháp luật; còn khoảng 10% dân số chưa tham gia BHYT dù theo quy định của Luật là bắt buộc; chất lượng khám, chữa bệnh chưa đáp ứng nhu cầu của người dân, nhất là ở các tuyến cơ sở, tình trạng quá tải ở một số bệnh viện còn xảy ra; tình trạng trục lợi BHYT ngày càng phức tạp, xuất phát từ cả phía người dân (cố tình đi khám bệnh nhiều lần) và các cơ sở y tế (chỉ định dịch vụ kỹ thuật quá mức cần thiết…). Một số quy định của Luật cũng đòi hỏi phải có sự điều chỉnh do quá khó thực hiện trong thực tiễn, như quy định về gói dịch vụ y tế cơ bản, phương thức thanh toán, thực hiện BHYT hộ gia đình…Chính vì vậy việc sửa đổi Luật là yêu cầu cấp thiết nhằm khắc phục những hạn chế nói trên, hướng tới mục tiêu bảo đảm quyền lợi khám, chữa bệnh BHYT cho người dân, sửa đổi quy định về phạm vi hưởng quyền lợi, kiểm soát chi phí qua việc sử dụng dịch vụ y tế hợp lý, điều chỉnh mối quan hệ giữa cơ sở cung ứng dịch vụ và cơ quan BHXH…
Phát biểu tại Hội nghị, Phó Tổng Giám đốc BHXH Việt Nam Phạm Lương Sơn cho rằng, việc thực hiện BHYT đã và đang đặt ra một số vấn đề cần điều chỉnh Luật nhằm hướng tới mục tiêu phát triển BHYT bền vững hơn, tiếp tục mở rộng diện bao phủ BHYT tới các nhóm chưa tham gia, điều chỉnh mức đóng để phù hợp hơn với nhu cầu khám, chữa bệnh của người dân, giảm mức chi từ tiền túi của người bệnh; sửa đổi các quy định để đảm bảo thực hiện nhịp nhàng giữa cơ quan tổ chức thực hiện BHYT và các cơ sở khám, chữa bệnh…Chính vì vậy sửa đổi là cần thiết nhằm khắc phục những hạn chế còn tồn tại, hướng tới mục tiêu phát triển BHYT bền vững. Với tính chất quan trọng, tác động đến nhiều nhóm đối tượng, Phó Tổng Giám đốc BHXH Việt Nam đề nghị các bên liên quan tiếp tục nghiên cứu kỹ lưỡng hơn, đóng góp cho ban soạn thảo theo các hình thức khác nhau, qua đó hoàn thiện Dự thảo Luật đạt hiệu quả cao nhất, bảo đảm tính khả thi khi áp dụng trong thực tiễn.