Nhìn lại năm 2021 với những chuyển hướng chiến lược trong phòng chống dịch bệnh, đặc biệt là dấu mốc chuyển từ “Zero Covid” sang thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch Covid-19 từ tháng 10/2021 đã giúp kinh tế Việt Nam phục hồi trong quý IV/2021, cụ thể là đã đạt mức tăng trưởng dương trong cả năm. Theo giới chuyên gia, điều này cho thấy sức bật của nền kinh tế Việt Nam rất khả quan. Và cơ hội phục hồi kinh tế của Việt Nam trong năm 2022 là rất lớn.
Một năm sóng gió
Năm 2021 thiệt hại của nền kinh tế do đại dịch Covid-19 là những con số không hề nhỏ. Theo Ban Kinh tế Trung ương, dịch bệnh trong 2 năm (2020 - 2021) đã trực tiếp tác động tới mọi mặt của nền kinh tế Việt Nam. Thiệt hại do dịch bệnh gây ra ước tính lên tới 847 nghìn tỷ đồng, tương đương 37 tỷ USD.
Thống kê của Chính phủ cho thấy, có tới 60% người dân đã chịu ảnh hưởng của đại dịch, mất việc làm hoặc giảm thu nhập trong quý III/2021. Đây có thể nói là một cú sốc lớn. Nguồn cơn là do làn sóng thứ 4 của đại dịch Covid-19 bắt đầu từ cuối tháng 4 buộc Chính phủ phải đóng cửa nền kinh tế, người dân và các doanh nghiệp không thể hoạt động, từ đó dẫn tới những tác động tiêu cực lên kinh tế.
Cụ thể, quý III/2021 cũng là lần đầu tiên có tới 18/19 tỷnh thành phía Nam (đóng góp hơn 44% GDP cả nước) cùng tăng trưởng âm. Riêng đầu tàu kinh tế TPHCM dẫn đầu với mức giảm GDP tới 24,39%. Tính chung 9 tháng đầu năm, GDP chỉ tăng 1,42%. Đó là hệ quả của hoạt động sản xuất bị đình trệ, chuỗi cung ứng đứt gãy, sức mua giảm mạnh vì giãn cách xã hội ở nhiều địa phương.
Dù Chính phủ đặt kỳ vọng năm 2021 GDP cả nước tăng trưởng từ 3 đến 3,5%, nhưng đây cũng là mục tiêu khá thách thức và con số đạt được trên thực tế là tăng 2,58%. Cùng với đó, chưa khi nào lịch sử ghi nhận số doanh nghiệp bị khai tử nhiều hơn thành lập mới như vậy.
Ông Jacques Morisset - chuyên gia kinh tế trưởng và quản lý Chương trình kinh tế vĩ mô, thương mại và đầu tư, Ngân hàng Thế giới (WB) tại Việt Nam:
Tôi cho rằng, mục tiêu tăng trưởng 6-6,5% năm 2022 là hoàn toàn khả thi. Có thể dự báo, Việt Nam sẽ quay lại quỹ đạo tăng trưởng của thời kỳ trước đại dịch, nhưng với điều kiện Việt Nam và cả thế giới sẽ không phải trải qua một cuộc khủng hoảng nào nữa vì đại dịch Covid-19.
Và ở phía Nam, dòng người ùn ùn trở về quê là một trong những hình ảnh rất khó quên trong năm 2021. Đa số họ là lao động nghèo, công nhân thất nghiệp nhiều tháng sau giãn cách xã hội. Và hành trình về quê của họ cũng đầy gian nan, vất vả.
Rồi cũng không thể không nhắc đến danh mục hàng thiết yếu gây tranh cãi bởi các quy định thiếu sự đồng bộ. Tiếp đó, chuỗi cung ứng hàng hóa tiêu dùng bị đứt gãy ảnh hưởng trực tiếp đến đời sống người dân, còn đứt gãy chuỗi cung ứng nguyên vật liệu đã đặt không ít doanh nghiệp bên bờ vực sống còn.
Tới thời điểm này, ngay cả khi dịch bệnh được kiểm soát, chuỗi cung ứng vẫn chưa thể cải thiện hoàn toàn khi còn hàng ngàn container hàng hóa vẫn đang ùn ứ chờ thông quan tại các cửa khẩu phía Bắc…
Nhìn nhận về kết quả hoạt động kinh tế năm 2021, phía Ngân hàng Thế giới tại Việt Nam nhận định: Rõ ràng 2021 là một năm sóng gió đối với Việt Nam. Tuy nhiên, giới chuyên gia trong nước cho rằng, dù kinh tế Việt Nam đã trải qua một năm “đau đớn” vì đại dịch.
Toàn bộ hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp và đời sống của người dân đều cực kỳ khó khăn. Thế nhưng kinh tế vĩ mô vẫn duy trì ổn định, lạm phát được kiểm soát ở mức thấp trong bối cảnh giá hàng hóa nguyên liệu đầu vào tăng cao. Hay như hệ thống ngân hàng, dù nợ xấu tăng nhưng vẫn lành mạnh và hỗ trợ cho các doanh nghiệp nói riêng cũng như nền kinh tế phục hồi và phát triển.
Chuyển hướng đúng thời điểm
Mới đây, tại tọa đàm “Nhìn lại 2021- Những chuyển hướng chiến lược”, Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Trần Quốc Phương khẳng định: Nền kinh tế đang phục hồi đúng theo đồ thị hình chữ V sau khi tiến hành rà soát các chỉ số tăng trưởng. Cụ thể, từ mức giảm 6,02% trong quý III, chỉ số GDP đã tăng 5,22% trong quý IV. Điều đó cho thấy sức bật của nền kinh tế Việt Nam rất khả quan, chỉ cần có điều kiện cụ thể để các hoạt động kinh tế quay trở lại là lập tức sẽ có đóng góp vào sự tăng trưởng của nền kinh tế.
Theo đó, nông nghiệp vẫn được coi là trụ đỡ, bởi trong thời điểm dịch bùng phát, nông nghiệp vẫn có mức tăng trưởng hợp lý, tạo sức chống đỡ cho nền kinh tế. Đây là lĩnh vực chủ chốt, động lực cho tăng trưởng của nền kinh tế.
Bên cạnh nông nghiệp, tăng trưởng dịch vụ luôn luôn ở mức thấp, có quý âm trong giai đoạn cuối năm 2020 và các tháng đầu năm 2021. Tuy nhiên sau khi áp dụng Nghị quyết 128 của Chính phủ quy định tạm thời “Thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch Covid-19” , khu vực dịch vụ đã có sự khởi sắc với mức tăng trưởng 5,42% trong quý III.
Đánh giá về thành quả trên, theo ông Trần Quốc Phương, Nghị quyết 128 là chính sách có ý nghĩa lớn, xoay chuyển cả cục diện về chống dịch và phát triển kinh tế xã hội.
Ông Bùi Nhật Quang, Chủ tịch Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam:
Kinh tế số phải là một trong những trọng tâm để phục hồi bền vững. Thời điểm này là cơ hội để xem xét lại cả quy trình chuyển đổi số, tiếp tục mục tiêu đặt xuyên suốt là phục hồi tăng trưởng, đồng thời thực hiện các khâu đột phá chiến lược như Nghị quyết của Đảng đã nêu, trong đó tính toán tiếp tục việc tái cấu trúc mô hình tăng trưởng thì kinh tế số là một trong những giải pháp quan trọng.
Kinh tế số trong giai đoạn hiện nay bình quân trên thế giới chiếm khoảng 15% GDP, còn ở Việt Nam khiêm tốn hơn, chiếm khoảng 10% GDP. Điều này cho thấy chúng ta còn dư địa rất lớn cho phát triển kinh tế số. Việt Nam có thể chọn được một số khâu đột phá để bứt phá lên so với các quốc gia khác có mức độ cạnh tranh tương đương với Việt Nam.
Đồng quan điểm, theo TS Nguyễn Sĩ Dũng, nguyên Phó Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội, chúng ta chuyển là đúng lúc.
“Về kinh tế, chúng ta thấy sức bật trở lại theo hình chữ “V” rất nhanh. Dự đoán năm tới chúng ta cũng có bước phát triển nhanh nếu như chúng ta khống chế được dịch bệnh.
Năm vừa qua, trọng tâm là phòng chống dịch nhưng thực chất Đảng, Nhà nước, Chính phủ cũng quan tâm đến rất nhiều các lĩnh vực khác.
Chúng ta thấy, các dự án cơ sở hạ tầng được thúc đẩy rất nhanh, trật tự an toàn xã hội, ngoại giao, quốc phòng, an ninh được bảo đảm rất tốt. Nhìn về tổng thể ta có thể thấy không có một lĩnh vực nào bị bỏ rơi”, ông Dũng nói.
Những gam màu sáng
Về những gam màu sáng phục hồi kinh tế năm 2021, có thể đề cập tới lĩnh vực xuất khẩu với thặng dư thương mại ở mức khá, góp phần phục hồi kinh tế: Kim ngạch xuất nhập khẩu vượt 668 tỷ USD tăng 22,6%; thuộc nhóm 20 nước có quy mô thương mại lớn nhất thế giới, trong đó, xuất khẩu ước đạt 336,3 tỷ USD, tăng 19% so với năm trước; nhập khẩu đạt 332,3 tỷ USD, tăng 26,5% so với năm trước.
Xuất siêu khoảng 4 tỷ USD, là năm thứ 6 liên tiếp thặng dư, cho thấy nỗ lực của các doanh nghiệp đẩy mạnh khôi phục sản xuất, thương mại, và vị thế trong chuỗi cung ứng toàn cầu của Việt Nam ngày càng tăng.
Đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) hồi phục trong bối cảnh dịch bệnh vẫn diễn biến phức tạp, kinh tế thế giới có nhiều biến động: Vốn FDI đăng ký ước đạt 31,15 tỷ USD, tăng 9,2% so với năm trước, cho thấy nhà đầu tư nước ngoài vẫn tin tưởng vào môi trường đầu tư Việt Nam.
Giải ngân vốn FDI cả năm 2021 đạt 19,74 tỷ USD, giảm nhẹ 1,2% so với năm trước; đặc biệt, tình hình đã cải thiện trong quý IV khi Việt Nam thay đổi chiến lược phòng, chống dịch và đẩy nhanh tiến trình tiêm vaccine.
Có ý kiến cho rằng, những tháng cuối năm 2021 đã thể hiện được rõ nét nỗ lực không mệt mỏi của Chính phủ, đó là tin vui từ đầu tư của khu vực nước ngoài FDI. Đơn cử, việc tập đoàn sản xuất đồ chơi Lego đầu tư một nhà máy tại Bình Dương với số vốn hơn 1 tỷ USD. Việc tập đoàn Lego vào đầu tư lúc này khi diễn biến dịch còn phức tạp như thêm luồng gió mát lành giúp cộng hưởng sự tự tin cho các nhà đầu tư nước ngoài khác đến với nước ta.
Đáng chú ý chuyển đổi số, đổi mới sáng tạo đạt nhiều bước tiến vượt bậc: Theo báo cáo của một số tổ chức nghiên cứu quốc tế, Việt Nam đứng thứ 3 ASEAN (sau Indonesia và Thái Lan) và xếp hạng 14/50 khu vực Châu Á về quy mô kinh tế Internet. Kinh tế Internet Việt Nam ước đạt 21 tỷ USD năm 2021 (khoảng 5,8% GDP năm 2021), tăng 31% so với năm 2020….
Nói như chuyên gia kinh tế Võ Trí Thành thì vẫn còn nhiều việc phải thực hiện như chính sách kích cầu thế nào khi hiện nay tiêu dùng đang khá yếu, làm sao đẩy nhanh đầu tư công hiệu quả...
Nhưng nhìn chung, với các điểm tích cực như trên thì Việt Nam đã vượt qua những khó khăn nhất của đại dịch Covid-19 và có điều kiện để đẩy mạnh chính sách hỗ trợ cho doanh nghiệp trong năm 2022. Từ đó có bệ phóng để thúc đẩy kinh tế hồi phục và phát triển mạnh hơn.
Bức tranh kinh tế 2022 sẽ ra sao?
Những kịch bản tăng trưởng kinh tế Việt Nam trong năm 2022 sẽ như thế nào? Chuyên gia kinh tế Cấn Văn Lực cho rằng: Nền kinh tế Việt Nam đang phục hồi tốt từ khi thay đổi Chiến lược phòng chống dịch từ “Zero Covid” sang thích ứng linh hoạt, an toàn với Covid.
Các chỉ số kinh tế vĩ mô quý IV/2021 đều tốt lên, giúp GDP quý IV tăng trưởng 5,22% so với cùng kỳ năm trước, từ mức âm 6,02% của quý III và cao hơn mức tăng 4,48% của quý IV/2020; giúp GDP cả năm tăng trưởng 2,58%.
Theo ông Lực: Với đà này, chúng tôi đã đưa ra hai kịch bản tăng trưởng kinh tế cho năm 2022, gồm: Kịch bản thứ nhất, nếu thực hiện tốt cả hai chương trình trọng điểm mà Chính phủ đang hoàn thiện, trình các cấp có thẩm quyền thông qua, là phòng chống dịch Covid-19 và phục hồi, phát triển kinh tế - xã hội giai đoạn 2022-2023 thì kinh tế Việt Nam có thể đạt mức tăng trưởng 6,5-7% trong năm 2022.
Kịch bản thứ hai, nếu không làm tốt hai chương trình trọng điểm nêu trên thì khả năng tăng trưởng kinh tế Việt Nam sẽ chỉ đạt khoảng 4,5-5%. Đây là mức tăng trưởng rất thấp và có thể nói là khó có thể hoàn thành kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 5 năm mà Đại hội Đảng lần thứ 13 cũng như Quốc hội đã thông qua. Vì vậy, phải quyết tâm xây dựng và thực hiện hiệu quả hai chương trình trọng điểm này, cùng với các chiến lược, chương trình khác đã nằm trong kế hoạch.
Về những rào cản cần tháo gỡ để đảm bảo kịch bản tăng trưởng cơ bản, giới chuyên gia cho rằng, vẫn là thể chế, thủ tục hành chính. Đây không phải là vấn đề mới nhưng vẫn còn rất nhiều dư địa cải cách, nhất là về tính nhất quán, tính đồng bộ và sức sống (độ bền, ít thay đổi nhất có thể và sát thực tiễn) của cơ chế, chính sách.
Đồng thời, thủ tục hành chính đã có nhiều cải tiến, nhưng vẫn còn rất phức tạp ở một số lĩnh vực mà VCCI qua khảo sát đã chỉ ra, đó là: đất đai, giải phóng mặt bằng, xây dựng, qui hoạch đô thị, thủ tục liên quan đến xuất nhập khẩu, rồi còn thanh kiểm tra nhiều...
Cũng có kiến nghị, khâu thực thi chính sách, làm sao phải nhanh hơn, gọn hơn, cơ chế một cửa nhiều hơn và đặc biệt là khâu phối kết hợp tốt hơn nữa, hạn chế tối đa tình trạng đùn đẩy trách nhiệm. Ví dụ, trong lĩnh vực bất động sản, có đến hàng trăm dự án đang bị treo, vướng mắc, nếu tháo gỡ được, sẽ giải tỏa, được triển khai, gia tăng thu nhập cho doanh nghiệp, việc làm cho người lao động và nguồn thu cho ngân sách. Đây chính là một trong những nguồn lực lớn cho phục hồi và tăng trưởng.
Đồng thời, tôi hy vọng, Chính phủ sẽ triển khai kích cầu nền kinh tế thông qua những chính sách về chi ngân sách và chính sách thuế. Nếu thực hiện được các nội dung này, Việt Nam sẽ tăng trưởng mạnh mẽ trở lại như trước đây, thậm chí còn có thể mạnh mẽ hơn nữa, bởi vì Việt Nam có thể bắt kịp thời điểm để quay lại tốc độ tăng trưởng như thời kỳ trước đại dịch. Do đó, tôi rất lạc quan về triển vọng kinh tế Việt Nam. Đó là điều kiện đầu tiên.