Hội nhập kinh tế đồng nghĩa gia tăng trao đổi thương mại với thế giới. Điều này buộc các DN phải nâng sức cạnh tranh bằng cách hạ giá thành sản phẩm, và dịch vụ logistic đóng vai trò quan trọng trong mục tiêu này của DN. Tuy nhiên, cơ sở hạ tầng nghèo nàn, DN logistic quy mô nhỏ… là những lý do khiến ngành logistic nước nhà chưa thể bứt phá.
Chi phí logistic của Việt Nam là 18%.
Cơ hội
Theo Bộ trưởng Bộ Công thương Trần Tuấn Anh, logistics phải được coi là một trong những ngành dịch vụ cơ sở hạ tầng, đóng vai trò quan trọng trong mô hình đổi mới mô hình tăng trưởng và cơ cấu lại nền kinh tế Việt Nam.
Tuy nhiên, điểm nghẽn của ngành logistic Việt Nam nằm ở cơ sở hạ tầng yếu kém, sự liên kết giữ các ngành chưa chặt chẽ cũng như quy mô DN nhỏ khiến cho ngành này đang kéo giảm sức cạnh tranh của DN.
Giới chuyên gia nhận định, cơ hội cho ngành logistics Việt Nam đã xuất hiện rất rõ ràng từ hơn 10 năm trước, đặc biệt sau khi Việt Nam gia nhập Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO).
Tiềm năng này ngày càng nhìn thấy rõ hơn trong bối cảnh hội nhập,sự giao thương, trao đổi hàng hóa của Việt với thị trường thế giới ngày càng gia tăng.
Khi thúc đẩy thương mại gia tăng, vấn đề đặt ra là làm sao để hàng hóa đi từ Việt Nam ra nước ngoài và ngược lại với chi phí và thời gian được tiết giảm đến mức thấp nhất. Điều này đòi hỏi vai trò rất lớn của ngành logistic.
Thế nhưng, điểm yếu của các DN Việt Nam lại nằm chính ở các DN ngành logistic khi mà cộng đồng DN đang phải sử dụng dịch vụ này với những chi phí cao.
Theo ông Ousmane Dione, Giám đốc Quốc gia Ngân hàng Thế giới (WB), tính theo tỉ trọng GDP, chi phí logistics của Việt Nam là 18%, cao gần gấp đôi so với các nền kinh tế phát triển và cao hơn mức bình quân toàn cầu 14%.
Chính điều này đang kéo giảm sức cạnh tranh của DN, cũng như hạn chế sự tăng trưởng của nền kinh tế.
Với sự chuyển động của môi trường kinh doanh theo xu hướng hội nhập kinh tế, các chuyên gia đánh giá, tiềm năng để ngành logistic phát triển vẫn rất lớn.
Vấn đề là các DN trong nước có nắm bắt được cơ hội hay không. Nhận định về những cơ hội đối với ngành logistic, nhiều chuyên gia kinh tế cho rằng, Việt Nam có lợi thế là sở hữu phần lớn kho bãi phục vụ dịch vụ logistics và nắm bắt được thị trường, tâm lý khách hàng, địa lý, thời tiết, văn hóa của người bản địa hơn DN nước ngoài.
Lao động Việt Nam thông minh, nhanh nhạy nên dễ dàng nắm bắt các quy trình, công nghệ tiên tiến của nước ngoài. Bên cạnh đó, các cảng biển Việt Nam đã đầu tư, xây dựng quy mô lớn, có khả năng tiếp nhận tàu có tải trọng trên 100.000 tấn; có 70 đường bay quốc tế... rất có lợi thế để phát triển dịch vụ logistics.
Bên cạnh đó, Việt Nam luôn nhập siêu nguyên vật liệu và máy móc thiết bị, đây chính là thị trường khá tốt cho các công ty logistics.
Tăng đầu tư cơ sở hạ tầng, tăng kết nối
Bởi vậy, nhiều ý kiến cho rằng, các DN ngành logistic cần phải thẳng thắn nhìn ra những yếu kém nội tại để có thể chớp cơ hội nâng sức cạnh tranh.
Bởi vậy, điều cần làm đối với các DN là phải tìm cách nâng chất lượng, hạ giá thành mới có thể gia tăng sức cạnh tranh.
Và theo quan điểm của chuyên gia kinh tế Lê Đăng Doanh, muốn kéo giảm chi phí cho các DN, cần tăng cường thêm vận tải đường thủy, đường sắt, đường sông, đường biển và kết nối giữa các phương tiện vận tải với nhau một cách tốt hơn.
Đặc biệt, Việt Nam phải tận dụng các công nghệ thông tin nhằm giảm bớt thời gian chờ đợi. Đối với Nhà nước, cần kiên quyết cắt giảm các loại phí và thủ tục.
Hiện nay, Thủ tướng Chính phủ đã có chỉ đạo, do đó ngành logistics cần có những bước cải thiện, cải tiến nhằm giảm chi phí cả về thời gian lẫn tiền bạc
Còn theo ông Ousmane Dione, Giám đốc Quốc gia Ngân hàng Thế giới (WB), Chính phủ Việt Nam cũng như khối kinh tế tư nhân cần có lộ trình rõ ràng về cải cách nếu muốn nâng cao chất lượng dịch vụ logistics.
Và một trong những bước đi đầu tiên đó là việc tăng đầu tư vào hạ tầng cơ sở, tăng cường kết nối.
Theo vị này, những lợi thế về công nghệ, vốn, kỹ năng, kinh nghiệm quản lý của các DN FDI cần phải được lan tỏa sang khối DN trong nước, do đó đòi hỏi thời gian tới phải đẩy mạnh sự kết nối giữa hai khu vực DN trong và ngoài nước.
Bên cạnh đó, mặc dù Việt Nam có những nỗ lực lớn trong đầu tư công vào hệ thống giao thông, song hạ tầng có liên quan đến thương mại chưa bắt kịp được với mức độ tăng trưởng xuất khẩu và sự gia tăng nhanh chóng về lưu lượng hàng hóa.
“Đầu tư của Việt Nam vẫn chưa đồng bộ, tập trung chủ yếu vào đường bộ hơn là các loại hình vận tải đa phương thức khác. Việt Nam nên thay đổi việc phụ thuộc quá nhiều vào đầu tư công. Chuyển dịch sang khu vực tư nhân và thiết lập ưu tiên rõ ràng cho đầu tư thiết yếu là chìa khóa để có kết nối tốt hơn”, ông Ousmane Dione nhận định.