Kể từ khi nhà văn Tô Hoài chấp bút viết truyện “Con Dế Mèn” đến nay đã gần 80 năm, nhưng tác phẩm của ông vẫn đồng hành với thiếu nhi, và được các thế hệ họa sĩ chắp thêm đôi cánh hội họa để ngày một gần gũi hơn với bạn đọc nhỏ tuổi. Nếu có cuộc bình chọn 10 tác phẩm văn học Việt Nam dành cho thiếu nhi hay nhất từ trước đến nay, tôi tin, “Dế Mèn phiêu lưu ký” của nhà văn Tô Hoài sẽ đứng đầu bảng.
1. Nếu tính tuổi, năm này chú Dế Mèn do nhà văn Tô Hoài sáng tạo đã ở tuổi 79. Năm 1941, nhà văn Tô Hoài đã thai nghén và cho Dế Mèn chào đời ở làng Nghĩa Đô, ven bờ sông Tô Lịch của Hà Nội. Khi đó, tính ra Tô Hoài mới 18 tuổi. Vào cái thời khó khăn và nghéo đói ấy, sinh thời, chính nhà văn Tô Hoài kể, “phải làm phu đi đắp đê ngoài sông Cái. Ngày ngày lên Sù, Gạ làm việc, canh đê, đắp đê”. Từ những ngày tháng lam lũ đó mà ông “lại viết được một cái truyện ngắn như phóng sự tên là Nước lên, ký là Tô Hoài. Tôi đem cái truyện ngắn ấy gửi tuần báo Hà Nội tân văn ở phố Hàng Buồm”.
Truyện gửi tới báo, rồi được nhà văn Nguyễn Công Hoan nhận xét “anh viết cũng hóm đấy”, khiến Tô Hoài tự tin hơn. Qua Nguyễn Công Hoan giới thiệu, Tô Hoài biết đến ông Vũ Đình Long- chủ NXB Tân Dân, nơi hồi đó đang ra tuần báo Truyền bá- dành cho tuổi trẻ, dày 36 trang. Bấy giờ, ở Hà Nội đã có những loại sách viết cho thiếu nhi như Hoa Xuân, Hoa Mai của nhà in Cộng Lực...
Trong một hồi ức, nhà văn Tô Hoài từng kể: “Tôi hay ngồi tha thẩn đầu làng bên cửa sông Tô Lịch, trông ra dòng nước quanh co. Trên bãi cỏ, có mấy đám trẻ đang múc nước đúc dế. Trước đó, hằng ngày những lúc thong thả tôi vẫn ra bãi sông chơi đúc dế. Những con dế mèn được đúc bỏ vào rọ, đem ra chơi cho dế vật nhau. Tôi đã đúc dế, chơi dế từ năm lên mười bên cây gạo từ bao năm nay. Tôi chợt nghĩ: Hay là ta viết truyện con dế mèn. Con dế mèn ta đúc, ta chơi, cho chọi dế từ bao năm nay. Nghĩ thế, rồi mấy hôm liền tôi viết truyện Con Dế Mèn”.
Ít lâu sau, NXB Tân Dân đã in “Con Dế Mèn” trong tuần báo Truyền bá, tác giả nhận được 10 đồng nhuận bút (hồi đó 3 đồng mua được 1 tạ gạo). Thấy sách bán được, ông Vũ Đình Long liền “đặt hàng” Tô Hoài viết tiếp một tác phẩm gì đó, cũng cho thiếu nhi. Được đà, Tô Hoài viết tiếp 2 tập “Dế Mèn phiêu lưu ký”, in liền trong hai số Truyền bá 16, 17 (1/1942). Lần ấy tác phẩm vẫn bán chạy, Tô Hoài được trả 100 đồng nhuận bút. Tuy nhiên, vì xuất bản trong thời thuộc Pháp bị kiểm duyệt chặt nên bản thảo đã bị cắt nhiều đoạn, chủ yếu liên quan đến thực dân Pháp.
Sau này, cả 3 cuốn được tập hợp dưới tên gọi “Dế Mèn phiêu lưu ký”, tác giả đã cố phục hồi theo trí nhớ để đưa vào, như chúng ta biết ngày nay.
2. Có một chi tiết thú vị, từ những bản in đầu tiên của “Dế Mèn phiêu lưu ký” đến nay, phần lớn các bản in chính thức đều có minh họa. Thậm chí khi dịch và in ra những ngôn ngữ khác trên thế giới, “Dế Mèn phiêu lưu ký” vẫn có tranh minh họa in kèm. Chính nhà văn Tô Hoài từng xác nhận điều này. Cụ thể, bản in đầu tiên trong tủ sách Truyền bá của Tân Dân “Con Dế Mèn” và về sau là “Dế Mèn phiêu lưu ký” do họa sĩ Nguyệt Hồ vẽ, sau này còn có nhiều bản vẽ khác của Ngô Mạnh Lân, Trương Qua, Thành Chương, Ngô Xuân Khôi, Tạ Huy Long…
Năm nay, nhân kỷ niệm 100 năm Ngày sinh của nhà văn Tô Hoài, bộ sách “Dế Mèn phiêu lưu ký” độc đáo nhất từ trước tới nay được NXB Kim Đồng ra mắt công chúng. Độc giả gặp lại họa sĩ Ngô Mạnh Lân với bộ minh họa đầu tiên ông vẽ năm 1959 khi đang học họa sĩ - đạo diễn phim hoạt hình tại Trường Đại học Điện ảnh quốc gia Liên Xô. Sau đó, vào các năm 1972 và 1989, họa sĩ Ngô Mạnh Lân tiếp tục minh họa “Dế Mèn phiêu lưu ký” hai lần nữa.
Tiếp đó gặp họa sĩ Thành Chương với bộ minh họa rất ấn tượng mà cách đây 13 năm ông đã vẽ cho một nhà xuất bản ở Nhật Bản khi họ in “Dế Mèn phiêu lưu ký” bằng tiếng Nhật. Bên cạnh đó, họa sĩ Thành Chương cũng minh họa cho bản tiếng Anh “Dế Mèn phiêu lưu ký” do dịch giả Đặng Thế Bính chuyển ngữ.
Họa sĩ Ngô Xuân Khôi cũng góp mặt với bộ minh họa từng vẽ cho bản “Dế Mèn phiêu lưu ký” in ở Thụy Điển năm 2006. Trong loạt sách này, không thể không nhắc tới họa sĩ Tạ Huy Long- họa sĩ thế hệ 7x vô cùng tâm huyết với chú Dế Mèn của nhà văn Tô Hoài. Anh đã vẽ 4 bộ minh họa “Dế Mèn phiêu lưu ký” với những cách tiếp cận khác nhau.
Sức hấp dẫn của tác phẩm “Dế Mèn phiêu lưu ký” còn cuốn hút cả những thế hệ họa sĩ trẻ hơn. Đó chính là họa sĩ Đậu Đũa- thuộc thế hệ 9x. Đậu Đũa trở thành nữ họa sĩ đầu tiên minh họa tác phẩm thiếu nhi nổi tiếng “Dế Mèn phiêu lưu ký” của nhà văn Tô Hoài.
Cầm bộ sách này trên tay, người ta không khỏi ngạc nhiên về sự đồng hành đầy sáng tạo của các thế hệ họa sĩ. Mỗi người một cách “đọc”, cách khai thác tính cách của chú Dế Mèn. Người thì chỉ mất một đêm (từ 10h tối hôm trước đến 8h sáng hôm sau) để vẽ bộ minh họa như họa sĩ Thành Chương, người mất tới 7 năm để hoàn thiện hơn 100 bức tranh màu nước như họa sĩ Đậu Đũa. Song ai nấy đều để lại cá tính của mình qua mỗi hình minh họa. Nói cách khác, dấu vân tay của họ in đậm trong từng nét vẽ, để thậm chí bìa sách không ghi tên, công chúng vẫn có thể nhận ra phong cách minh họa của từng người. Điều đó không chỉ cho thấy tài năng của từng họa sĩ, mà còn gián tiếp khẳng định chú Dế Mèn, Dế Choắt, Dế Trũi… của nhà văn Tô Hoài có sự khơi gợi, truyền cảm hứng sáng tạo cho giới họa sĩ và nhiều lĩnh vực khác như phim hoạt hình, điện ảnh, điêu khắc… cùng đồng hành sáng tạo, chắp thêm đôi cánh cho tác phẩm “Dế Mèn phiêu lưu ký”.
Chú Dế Mèn ấy không chỉ “sống độc lập từ thuở bé” mà còn khát khao về cuộc sống tự do, về một thế giới đại đồng, công bằng “đi khắp thế giới kết anh em”… Gần 80 năm, nhưng Dế Mèn của nhà văn Tô Hoài vẫn mãi là chàng thiếu niên có nhiều khát khao, hoài bão. Cùng với một số tác phẩm viết cho thiếu nhi khác, nó cho thấy tài năng của nhà văn Tô Hoài trong việc mở lối và xác lập một vị thế vững chắc cho nền văn học thiếu nhi Việt Nam.
Tất nhiên, sự nghiệp của Tô Hoài không chỉ có “Dế Mèn phiêu lưu ký”, cũng không chỉ là nhà văn viết cho thiếu nhi. Ông là một tên tuổi lớn của văn học hiện đại Việt Nam, là “nhà văn của mọi lứa tuổi”.
3. Nhà văn Tô Hoài tên thật là Nguyễn Sen, sinh ngày 27/9/1920 tại quê ngoại là làng Nghĩa Đô, phủ Hoài Đức, tỉnh Hà Đông cũ (nay là phường Nghĩa Đô, quận Cầu Giấy, Hà Nội).
Khi đến với nghề văn ở tuổi đôi mươi, chàng thanh niên Nguyễn Sen quyết định lấy bút danh Tô Hoài (tức sông Tô ở phủ Hoài Đức). Tô Hoài sớm khẳng định được vị trí của mình bằng một loạt tác phẩm độc đáo, đặc sắc như: “Dế Mèn phiêu lưu ký”, “Quê người”, “O chuột”… Từ các tác phẩm này, người đọc nhận thấy sức sáng tạo dồi dào của cây bút trẻ với hai chủ đề chính là truyện về loài vật và truyện về làng ven đô trong cảnh đói nghèo. Sau 1945, Tô Hoài có sự chuyển biến về tư duy sáng tác. Ông nhanh chóng thâm nhập hiện thực cuộc sống và sáng tạo thành công nhiều tác phẩm có giá trị ở các thể loại loại khác nhau. Bước chuyển trong sáng tác của Tô Hoài được thể hiện rõ ở cả chủ đề và đề tài. Tô Hoài không bó hẹp nội dung và đối tượng phản ánh trong phạm vi của một vùng quê nghèo ngoại thành Hà Nội như trước mà hướng đến không gian rộng lớn, đến với cuộc sống của nhiều lớp người, nhiều vùng đất khác nhau. Ông viết về miền núi, với các tập “Núi Cứu quốc”, “Truyện Tây Bắc”, “Miền Tây”... Ông viết về những người anh hùng dân tộc thiểu số dũng cảm, thủy chung sắt son, hiến dâng cuộc đời mình cho đất nước, quê hương: “Tuổi trẻ Hoàng Văn Thụ”, “Kim Đồng”, “Vừ A Dính”...
Độc giả còn nhận ra ngòi bút của Tô Hoài hướng về xã hội trước 1945 với cách nhìn, sự suy ngẫm sâu sắc hơn theo thời gian cùng những trải nghiệm đời người. Ông viết “Mười năm”, với tầm nhận thức từ chỗ đứng của cuộc sống hiện tại nhiều đổi thay mang ý nghĩa lớn trong đời sống dân tộc. Rồi tiếp đó, “Những ngõ phố, người đường phố”, “Chuyện cũ Hà Nội”... cho thấy vốn sống, nguồn tư liệu, cũng như nguồn cảm hứng sáng tác của Tô Hoài về Hà Nội vô cùng phong phú.
Tô Hoài còn đạt được thành tựu đặc sắc ở thể ký. Đặc biệt, các tập hồi ký của Tô Hoài luôn gắn liền với bao nỗi vui buồn và mơ ước của tuổi thơ, bao kỉ niệm về những bạn văn, đời văn của ông như “Cỏ dại”, “Cát bụi chân ai”, “Chiều chiều”...
Bên cạnh sáng tác, Tô Hoài còn là một trí thức tham gia nhiều hoạt động chính trị, xã hội và từng đảm đương trọng trách tại Hội Nhà văn Việt Nam cũng như Hội Văn học Nghệ thuật Hà Nội…
Ở tuổi 94, nhà văn Tô Hoài thanh thản rời cõi trần ai, để lại một di sản văn chương đồ sộ với gần 200 đầu sách ở nhiều thể loại, trong đó có hơn 60 đầu sách viết cho thiếu nhi. Với những đóng góp đặc sắc trên bốn mảng đề tài lớn, sẽ không quá khi nói rằng, Tô Hoài là nhà văn của nhiều thời, của nhiều tầng lớp, độ tuổi khác nhau...