Bộ phim tài liệu “Lửa Thiện Nhân” mấy ngày qua đã có sức hút đặc biệt với khán giả. Điều này đã thêm một lần nữa chứng minh: phim tài liệu hoàn toàn có thể ra rạp, nếu những đề tài của phim chạm vào trái tim, hoặc tạo ra sự đồng điệu với người xem.
Đạo diến Đặng Hồng Giang và bé Thiện Nhân.
Hội đồng tuyển phim của Liên hoan phim độc lập New York 2014 cho biết “Lửa Thiện Nhân” là câu chuyện mang tính quốc tế. Đây cũng là lý do tác phẩm của đạo diễn Đặng Hồng Giang được lựa chọn chiếu mở màn tại liên hoan phim này. Ngoài ra, “Lửa Thiện Nhân” được chọn làm đại diện của Việt Nam trong sự kiện “Panorama - Điện ảnh thế giới chọn lọc” tại LHP quốc tế Hà Nội năm 2014. Phim hiện được chiếu tại cụm rạp Ngọc Khánh (Hà Nội) và cụm rạp Tân Sơn Nhất (TP.HCM) cho đến ngày 15-11 |
Phim như không phải là phim. Chỉ là những câu chuyện có thật được xâu chuỗi lại bằng tình người. Bởi ở đó có một đứa trẻ được sinh ra từ nơi trái tim của một người mẹ đặc biệt.
Khán giả không chỉ đến xem phim như để gặp lại một người quen cũ là “Chú lính chì dũng cảm” Thiện Nhân, mà họ còn muốn đến để tận mắt thấy những câu chuyện tử tế trong một xã hội mà nhiều giá trị sống ít nhiều bị đảo lộn.
Đạo diễn Đặng Hồng Giang chia sẻ: “Năm 2006, tôi đang là một nhà báo, khi đọc bản tin về một đứa bé sơ sinh bị bỏ rơi và bị thú hoang ăn mất chân phải và bộ phận sinh dục. Xin lỗi, chẳng làm gì được, tôi đã bỏ dở cái tin. Trong đầu tôi lúc đó cứ lảng vảng mãi vì sao trên cuộc đời này lại có những thứ vô tâm hay vô tình khiến cho ngay cả đến người dưng cũng đau đớn tận trong sâu thẳm tâm can làm vậy!? Và cô ấy xuất hiện. Đó là Mai Anh, người đã đem đến cho tôi một sự tò mò và nguồn cảm hứng mãnh liệt trong công việc mình đeo đuổi”.
Như một sự mách bảo dẫu mơ hồ, nhưng ngay lúc đó vị đạo diễn này đã tự hứa với lòng mình, sẽ làm bộ phim về câu chuyện Thiện Nhân – Mai Anh và những người “đồng đội”.
Đạo diễn cho biết: “Để làm phim hiện thực, người đạo diễn phải sống cùng, ăn cùng nhân vật. Có thể ban đầu nhân vật khó chịu nhưng phải có thời gian, có khi là cả ngày tôi mới bắt được một chi tiết, để nhân vật bật ra cái tôi của mình”.
Hơn 3 năm là khoảng thời gian đạo diễn đeo đuổi cùng các nhân vật, là hành trình theo Thiện Nhân và gia đình đến các bệnh viện khác nhau để khám, chữa bệnh.
Thậm chí, chị Mai Anh mẹ của Thiện Nhân cũng phải thừa nhận vì trong lúc vừa phải chăm 3 đứa con, vừa phải làm phim nên nhiều khi không tránh khỏi cáu gắt, cảm giác bực bội vì bị làm phiền.
Chị chia sẻ: “Càng đi với nhau để dựng phim trong những ngày đầu bấm máy chỉ nghĩ đến cậu bé Thiện Nhân, một mẹ Mai Anh thôi. Nhưng dòng chảy của cuộc sống của chính mấy mẹ con. Tôi nghĩ rằng đã kéo theo dòng chảy của bộ phim cho đến ngày hôm nay. Và sau 3 năm bấm máy, thì bộ phim đến nay vẫn hoàn toàn rất là mới. Như ngày hôm nay mới bắt đầu”.
Có lẽ đạo diễn khiêm tốn mà nói thế, còn thực sự việc bộ phim “Lửa Thiện Nhân” lên cơn sốt ở rạp, không có gì quá bất ngờ. Điều ấy cũng chứng tỏ lòng tốt và cái tốt vẫn là mục đích sống mà con người hướng tới. Nhưng đúng như lời nhạc sĩ Phú Quang chia sẻ: “Tôi tiếc, vì một bộ phim như thế mà trong buổi ra mắt không thấy có mấy người làm về điện ảnh có mặt, thấy vắng bóng các nhà lãnh đạo văn hóa. Có lẽ họ bận làm nhiều việc lớn. Nhưng tôi cho rằng, trên cuộc đời này, người làm văn hóa nghệ thuật có điều gì lớn hơn việc tạo ra những câu chuyện, những sự kiện có sự gắn kết lòng người”.