Nhạc cụ dân tộc được ví như những viên ngọc quý trong nền âm nhạc Việt Nam. Tuy nhiên làm cách nào để giữ gìn và phát huy những giá trị của nhạc cụ dân tộc trong thời đại hội nhập vẫn là vấn đề chưa bao giờ cũ.
Nhạc cụ dân tộc kể chuyện
Mới đây, tại Văn Miếu - Quốc Tử Giám, nhạc sĩ Đinh Khánh Ly đã ra mắt sản phẩm âm nhạc với chủ đề “Tinh hoa đạo học”. Toàn bộ album gồm 6 bản hòa tấu nhạc cụ dân tộc bám sát chủ đề phim 3D mapping. Ở sản phẩm âm nhạc này, nhạc sĩ Đinh Khánh Ly dành nhiều tâm huyết, thể hiện tinh thần của các nghệ sĩ trẻ muốn truyền tải giá trị âm nhạc, nghệ thuật truyền thống tới đông đảo công chúng. Theo nhạc sĩ, những giá trị cốt lõi của đạo học Việt Nam bắt nguồn từ giáo dục trong gia đình, từ tinh thần hiếu học, từ ý chí phấn đấu bền bỉ của mỗi nho sinh để trở thành người có ích với dân tộc được khắc họa qua từng khúc nhạc với chủ đề rõ rệt. Sản phẩm nói trên là bản phối lấy ý tưởng từ ca khúc “Phiêu bồng trần gian” với ý thơ trác tuyệt của đại thi hào Nguyễn Du: “Phong lưu phú quý ai bì/ Vườn xuân muôn cửa để bia muôn đời”, ca ngợi chí lớn của bậc nho sinh xưa trên con đường lập thân, lập nghiệp.
Giám đốc Trung tâm Hoạt động Văn hóa Khoa học Văn Miếu - Quốc Tử Giám Lê Xuân Kiêu chia sẻ, đây là lần đầu tiên có một nhạc sĩ sáng tác một album về Văn Miếu - Quốc Tử Giám. Những giá trị của di tích gắn liền với đạo học được thể hiện bằng một loại hình nghệ thuật rất hấp dẫn là âm nhạc sẽ mang đến cho công chúng cảm xúc đặc biệt, nuôi dưỡng tình yêu với di sản.
Sự kiện nói trên cũng là một minh chứng điển hình cho sức hấp dẫn của âm nhạc truyền thống nói chung và nhạc cụ truyền thống nói riêng trong đời sống hôm nay.
Nhà nghiên cứu âm nhạc Nguyễn Quang Long nhận định, nhạc cụ truyền thống là di sản quý của dân tộc, mỗi nhạc cụ được cha ông ta sáng tạo ra hay du nhập vào từ trong quá khứ và tồn tại đến ngày hôm nay đều có giá trị lớn góp phần bồi đắp cho đời sống tinh thần của người Việt. Nhạc cụ truyền thống ra đời và tồn tại đáp ứng nhu cầu sáng tạo, chắp cánh cho nguồn cảm hứng sáng tạo của người Việt được thăng hoa. Nhạc cụ truyền thống chính là phương tiện để các thế hệ người Việt thể hiện tình yêu với quê hương đất nước, nhạc cụ truyền thống còn là nơi lưu giữ hồn cốt dân tộc thông qua các tác phẩm âm nhạc.
Gìn giữ để phát triển
Ngày nay, khi xã hội phát triển, nhiều loại hình giải trí trong đó có âm nhạc du nhập vào nước ta. Theo xu hướng đó, giới trẻ đang chạy theo mà không mấy quan tâm đến âm nhạc dân tộc. Trong khi người nước ngoài tìm đến Việt Nam để tìm hiểu, chứng kiến các nghệ nhân nước ta chơi nhạc cụ dân tộc.
Cũng theo ông Long, hiện nay, ngày càng ít người theo học nhạc cụ truyền thống, các giá trị dân tộc trong lễ hội, đám hiếu đang có những dấu hiệu cho thấy có những thay đổi nhất định.
“Cần quan tâm đến những nghệ nhân sáng tạo chế tác nhạc cụ, sáng tạo, sáng tác âm nhạc truyền thống; quan tâm đến công tác đào tạo phát triển nghệ sĩ chơi nhạc cụ truyền thống dân tộc từ môi trường chuyên nghiệp cho đến môi trường dân gian. Khuyến khích những người có năng khiếu học tập và gắn bó với nhạc cụ truyền thống dân tộc” - ông Long cho biết.
Để thu hút được giới trẻ quan tâm, nhạc cụ dân tộc cần phải kết hợp với âm nhạc hiện đại, NSƯT Ngọc Anh (Học viện Âm nhạc quốc gia Việt Nam) cho rằng, ngoài việc lan tỏa các nhạc cụ dân tộc trong đời sống đương đại, thì những người nghệ sĩ cũng cần những cải tiến mới mẻ để phù hợp với xu thế hiện nay. “Trong thời gian gần đây, tôi thấy nhiều nghệ sĩ trẻ sáng tạo kết hợp nhạc cụ dân tộc với âm nhạc đương đại đã đem lại hiệu ứng rất tốt, thu hút sự quan tâm của các bạn trẻ và tôi rất ủng hộ cách tiếp nhận này. Tôi nghĩ các loại nhạc cụ dân tộc không nên chỉ biểu diễn trên các sân khấu mà hãy biểu diễn ở những địa điểm công cộng để thu hút được khán giả hơn”- NSƯT Ngọc Anh chia sẻ.
Đồng quan điểm, TS Đặng Hoài Thu - Quản lý Phòng trưng bày Viện Âm nhạc Việt Nam cho rằng: “Việc đưa nhạc cụ vào học đường trở thành một môn học là một phương pháp rất đúng đắn. Từ đó giúp các em phần nào hiểu biết và nắm bắt được Việt Nam mình có những loại nhạc cụ gì. Để từ đó các em biết được những giá trị về những loại nhạc cụ dân tộc Việt Nam và nói được văn hóa của những nhạc cụ đó”.
Đinh Khánh Ly là nhạc sĩ trẻ, thành công với nhiều ca khúc cho phim tài liệu như “Một đội ngũ cách mạng, một sứ mệnh vẻ vang”; “Đại thi hào Nguyễn Du” và gần đây nhất là tác phẩm “Bình minh phía trước”. Năm 2016, cô thực hiện dự án cá nhân phối mới dân ca ví, giặm xứ Nghệ nhằm mang âm nhạc truyền thống đến gần hơn với đại chúng.