Quốc tế

Tài chính khí hậu có tạo gánh nặng?

Hà Anh 27/11/2024 09:07

Theo các nhà kinh tế, sự kết hợp giữa thuế với ngân hàng phát triển và nguồn tài trợ tư nhân có thể cung cấp khoản trợ cấp khí hậu cần thiết lên tới 1 nghìn tỷ đô la/năm vào năm 2030.

anhbaitren(1).jpg
Hàng loạt tấm pin mặt trời được lắp đặt trên mái của một nhà máy ở Singapore. Nguồn: Reuters.

Hướng đi mới cho nguồn tài trợ

Các nhà kinh tế hàng đầu cho biết, việc huy động khoản tiền cần thiết để giải quyết cuộc khủng hoảng khí hậu không nhất thiết phải là gánh nặng cho ngân sách của các chính phủ đang quá tải. Số tiền cần thiết khoảng 1 nghìn tỷ đô la/năm vào năm 2030 có thể đạt được mà không gây gián đoạn cho nền kinh tế toàn cầu và sẽ giúp tạo ra tăng trưởng kinh tế xanh hơn cho tương lai.

Theo ông Amar Bhattacharya - Thư ký điều hành của nhóm chuyên gia cấp cao độc lập của Liên hợp quốc (IHLEG) về tài chính khí hậu: “Dù có thách thức về mặt chính trị nhưng điều này có tính khả thi cao. Nếu không có khoản đầu tư như vậy, thế giới sẽ phải đối mặt với tương lai kinh tế bị thiệt hại, lạm phát tràn lan và đảo ngược những thành quả đạt được trong những thập kỷ gần đây để đưa các nước nghèo thoát khỏi cảnh khốn cùng”.

Chính phủ của gần 200 quốc gia có mặt tại Hội nghị thượng đỉnh Cop29 đã tranh cãi về cách phân bổ các khoản tiền cần thiết để giúp các quốc gia nghèo cắt giảm khí thải nhà kính và ứng phó với tác động của thời tiết khắc nghiệt. Trong khi đó, nghiên cứu có uy tín cho thấy rằng, cần nguồn tài trợ khí hậu khoảng 1 nghìn tỷ đô la/năm vào năm 2030 để đạt được mục tiêu cốt lõi của thỏa thuận Paris.

Tuy nhiên, tất cả số tiền này không nhất thiết phải đến từ chính phủ các nước giàu. Theo IHLEG, khoảng một nửa số tiền này sẽ đến từ khu vực tư nhân - nơi có thể tài trợ cho các dự án như xây dựng trang trại năng lượng mặt trời và điện gió ở các nước đang phát triển. Khoảng 1/4 trong số 1 nghìn tỷ đô la này sẽ đến từ các ngân hàng phát triển đa phương như Ngân hàng Thế giới, cuối cùng được tài trợ bởi thế giới giàu có. Khoảng 80 - 100 tỷ đô la sẽ đến trực tiếp từ các nước giàu dưới hình thức viện trợ. Phần còn lại có thể chủ yếu đến từ các nguồn tài chính mới như thuế nhiên liệu hóa thạch, khách hàng thường xuyên bay hoặc vận chuyển.

Ông Nicholas Stern - nhà kinh tế học và đồng chủ tịch của IHLEG thừa nhận, số tiền này nghe có vẻ lớn, nhưng khi đặt trong bối cảnh nền kinh tế toàn cầu, 1 nghìn tỷ đô la chỉ chiếm khoảng 1% mỗi năm. Theo Cơ quan Năng lượng quốc tế (IEA), thế giới đã chi hơn 3 nghìn tỷ đô la/năm cho năng lượng, trong đó 2/3 là cho năng lượng tái tạo và các dạng năng lượng sạch. Tổng tài sản lương hưu toàn cầu lên tới khoảng 56 nghìn tỷ đô la.

Ông Achim Steiner - người đứng đầu chương trình phát triển của LHQ xác nhận, các nước đang phát triển thực sự đã đầu tư hàng trăm tỷ đô la mỗi năm vào hành động ứng phó với khí hậu, cụ thể là cho cơ sở hạ tầng xanh của riêng họ.

Cần minh bạch tài trợ công - tư

Tuy nhiên, một số ý kiến lo ngại về việc đưa đầu tư của khu vực tư nhân vào Mục tiêu định lượng tập thể mới (NCQG). Các nước đang phát triển cũng lo ngại rằng, việc dựa vào tài chính của khu vực tư nhân sẽ khiến họ mắc nợ nhiều hơn.

Bà Lidy Nacpil - Điều phối viên của Phong trào nhân dân châu Á về nợ và phát triển cho biết: "Việc cung cấp tài chính khí hậu thông qua các khoản vay không chỉ mâu thuẫn với nguyên tắc thừa nhận trách nhiệm lịch sử mà còn vô cùng bất công khi buộc các quốc gia nghèo phải mắc nợ nhiều hơn để giải quyết tình trạng khẩn cấp về khí hậu. Khoản nợ 5 nghìn tỷ đô la/năm của các nước Nam bán cầu phải là khoản công khai, không tạo ra nợ và được giao mà không có điều kiện”.

Có vẻ như các nước phát triển sẽ không bỏ ra số tiền lớn như vậy. Các nhà kinh tế cho biết, việc kêu gọi khu vực tư nhân để xây dựng cơ sở hạ tầng xanh, như các trang trại điện gió và điện mặt trời, xe điện, phương tiện giao thông ít carbon và các tiện nghi khác là hợp lý, vì đây là những hoạt động mang lại lợi nhuận nên có thể thu hút đầu tư.

Nhiều quốc gia nghèo hơn gặp khó khăn trong việc thu hút đầu tư từ khu vực tư nhân hoặc buộc phải trả giá cao cho khoản đầu tư này vì họ cho rằng chúng có rủi ro cao. Việc thành lập một trang trại điện mặt trời ở châu Phi có thể tốn kém gấp 3 lần so với ở châu Âu, mặc dù châu Phi sẽ tạo ra nhiều năng lượng hơn.

Các nhà đầu tư tư nhân cũng có xu hướng tránh xa các dự án giúp các quốc gia thích ứng với tác động của cuộc khủng hoảng khí hậu, chẳng hạn như hạn hán, lũ lụt và nắng nóng. Vì lý do này, một số nhân vật có ảnh hưởng tin rằng, phần lớn của 1 nghìn tỷ đô la nên đến trực tiếp từ ngân sách của các nước phát triển và tốt nhất là dưới hình thức tài trợ thay vì cho vay. Số tiền này cũng nên dành phần chủ yếu hoặc hoàn toàn dành cho các dự án thích ứng, thay vì các nỗ lực giảm thiểu carbon.

Ông Patrick Verkooijen - Giám đốc điều hành của Trung tâm Thích ứng toàn cầu, cho biết: "Thích ứng đang thiếu vốn và việc chuyển hướng các nguồn lực công từ thế giới phát triển sang lĩnh vực này sẽ tạo ra sự khác biệt lớn và có ý nghĩa cải thiện sự ổn định của các quốc gia liên quan".

Ngày 24/11, Liên minh châu Âu, Mỹ và các quốc gia giàu khác tại Hội nghị thượng đỉnh Cop29 đã nhất trí tăng đề xuất lên 300 tỷ đô la mỗi năm vào năm 2035 để giúp các nước đang phát triển ứng phó với biến đổi khí hậu, sau khi một đề xuất trước đó bị bác bỏ vì quá thấp.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Tài chính khí hậu có tạo gánh nặng?