Tài chính tiêu dùng: Cần bảo vệ người đi vay và bên cho vay

T.Hằng - M.Sang 25/04/2023 05:44

Là kênh hỗ trợ vốn quan trọng cho tầng lớp yếu thế trong xã hội, nhưng thời gian gần đây các công ty tài chính tiêu dùng cũng đang bị nhầm lẫn với các loại hình cho vay đến từ mạng xã hội, từ các hiệu cầm đồ.

Ảnh minh họa.

Công ty tài chính tiêu dùng cũng bị mắc kẹt

Trong 5 năm gần đây, tín dụng tiêu dùng phát triển mạnh mẽ, tốc độ tăng trưởng bình quân khoảng 20%/năm. Vậy nhưng mô hình cho vay này đang bị mắc kẹt bởi các loại vay tiêu dùng trá hình như kiểu cho vay online, vay từ hiệu cầm đồ.

Cụ thể, theo thống kê hiện nay chỉ có 16 công ty tài chính được Ngân hàng Nhà nước cấp phép hoạt động với 17 chi nhánh, 41 văn phòng đại diện và 74.337 điểm giới thiệu dịch vụ trên toàn quốc vậy nhưng việc xâm lấn của hàng trăm tổ chức tín dụng phi chính thức, cửa hàng cầm đồ hoạt động, khiến cho các công ty tài chính bị hiểu lầm.

Ông Nguyễn Đình Khang - Chủ tịch Tổng liên đoàn Lao động Việt Nam thừa nhận, người lao động rất khó phân biệt đâu là công ty tài chính trá hình, trong khi một số công đoàn cơ sở ngại việc nhiều thủ tục cho vay nên một số công ty tài chính chưa tiếp cận được công nhân.

Trong khi đó, theo ông Lê Quốc Ninh - Chủ nhiệm Câu lạc bộ Tài chính tiêu dùng, hoạt động đòi nợ trái pháp luật gây ra nhiều hệ lụy cho xã hội. Bên cạnh đó, việc các đơn vị cầm đồ hoạt động núp bóng công ty tài chính cũng khiến dư luận nhầm lẫn, đánh đồng với công ty tài chính tiêu dùng hợp pháp (được Ngân hàng Nhà nước cấp phép).

Điều này không chỉ gây ảnh hưởng tới hình ảnh các công ty tài chính tiêu dùng mà sẽ nảy sinh một số nguy cơ tiềm ẩn đến hành vi trả nợ của khách hàng, gây khó khăn cho công tác thu hồi nợ.

Đại diện Công ty Tài chính TNHH MTV Bưu điện (PTF) cũng từng nêu thực trạng thời gian gần đây xảy ra tình trạng nhiều khách hàng không chấp hành nghĩa vụ trả nợ, chây ì trả nợ ngày một nhiều. Chính vì thế, 3 tháng qua, doanh nghiệp này đã phải tạm thời ngừng cho vay mới mà tập trung vào nhóm khách hàng có điểm tín nhiệm tốt.

Ông Nguyễn Hoàng Minh - trưởng đại diện Hiệp hội Ngân hàng Việt Nam tại TPHCM cho rằng cần tăng cường giải pháp tuyên truyền tránh để khách hàng nhầm lẫn công ty tài chính tiêu dùng hợp pháp với công ty trái pháp luật. Theo đó, Ngân hàng Nhà nước cần công bố danh sách các doanh nghiệp tín dụng tiêu dùng được cấp phép, có quản lý để người dân nhận diện tốt hơn. Cần truyền thông thêm nghĩa vụ người đi vay, rủi ro trả nợ không đúng hạn.

Về phía các công ty tài chính, cần tiếp tục quảng bá hình ảnh là công ty chính thống hợp pháp. Đồng thời, cần đưa ra nhiều sản phẩm phong phú, hữu ích cho khách hàng. Cho công nhân khu chế xuất - khu công nghiệp vay trả góp, mở rộng mạng lưới về vùng sâu, vùng xa.

Cần lãi vay hợp lý cho người yếu thế

Tuy nhiên khi nói đến vay tiêu dùng, nhiều người dân phản ánh là lãi vay quá cao. Lãi suất dao động từ 15% đến 80%/năm tùy mức độ tín nhiệm của khách hàng.

Chẳng hạn tại Easy Credit, số tiền cho vay từ 10 - 80 triệu đồng, lãi suất đối với lãi chậm trả: 0%/năm. Lãi suất đối với nợ gốc quá hạn: 150% lãi suất cho lãi vay trong hạn được thỏa thuận.

Hay EVN Finance có sản phẩm Fast Money được triển khai trên ví điện tử momo có quảng cáo, với lãi suất cho vay có thể lên đến 72%/năm. Cụ thể, đối với gói vay 2 triệu đồng, lãi trong hạn là 72%/năm, lãi quá hạn là 108%/năm trên dư nợ gốc còn lại. Đối với gói vay từ 3 đến 10 triệu đồng, lãi trong hạn là 40%/năm được tính trên dư nợ gốc còn lại. Trường hợp thanh toán trễ, lãi quá hạn là 60%/năm trên dư nợ gốc còn lại.

Chuyên gia kinh tế Nguyễn Trí Hiếu cho rằng, lãi suất tín dụng tiêu dùng dù thuộc tổ chức tín dụng chính thức hay kênh không chính thức đều rất cao. Việt Nam có quy định, lãi suất trên 20% được xem là lãi suất không hợp pháp. Tuy nhiên, thực tế không ai bị truy tố vì cho vay lãi suất cao hơn 20%. Luật thì có nhưng việc áp dụng luật chưa chặt chẽ, vì vậy lãi suất tín dụng có thể lên tới 20%-30%; các tiệm cầm đồ, tín dụng đen còn tính lãi cao hơn rất nhiều, có thể lên đến vài trăm %.

Chưa kể, nhiều tổ chức tín dụng, tổ chức tài chính áp dụng lãi và phí cộng lại rất cao. Có loại lãi suất niêm yết trên giấy tờ, có loại lãi suất cộng thêm tất cả các loại phí là lãi suất thật, có thể lên đến vài trăm %. “Đâu đó vẫn còn hiện tượng đi vay còn kèm theo hợp đồng bảo hiểm. Có những ngân hàng yêu cầu khách hàng mua bảo hiểm không gắn liền với tín dụng. Thậm chí, tiệm cầm đồ cũng yêu cầu khách hàng mua bảo hiểm” - ông Hiếu nêu vấn đề.

Luật sư Trương Thị Hòa (đoàn Luật sư TP HCM) cho rằng, vấn đề lãi suất hiện nay được quy định tại Điều 468 của Bộ Luật Hình sự là 20%/năm, nhưng phương thức tính lãi suất mới quan trọng. Lãi suất 20% nhưng tính phí theo thực tế thì phải tính theo dư nợ giảm dần chứ không phải dư nợ ban đầu.

Về lãi suất vay, bà Nguyễn Hoàng Bảo Trân - Phó Chủ tịch Liên đoàn lao động tỉnh Bình Dương đề xuất: Các tổ chức tín dụng nên có khảo sát các đối tượng công nhân và thiết kế lãi suất phù hợp hơn. Hiện nay công nhân lao động thu nhập thấp đang phải trả lãi suất cao, dẫn đến nhiều người chưa thật sự tiếp cận được nguồn vốn vay từ các tổ chức tín dụng.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Tài chính tiêu dùng: Cần bảo vệ người đi vay và bên cho vay

    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO