Góc nhìn Đại Đoàn Kết

Tái định cư và câu chuyện an dân

Thế Tuấn 21/12/2023 07:21

Tại kỳ họp thứ 15 HĐND thành phố Đà Nẵng, trình bày tổng hợp ý kiến cử tri và công tác xây dựng chính quyền, ông Ngô Xuân Thắng - Chủ tịch Ủy ban MTTQ thành phố Đà Nẵng đề nghị thành phố tập trung giải quyết, xử lý dứt điểm các dự án kéo dài, nhất là dự án đã triển khai trên dưới 20 năm đến nay vẫn chưa xong.

Đáng chú ý, cử tri huyện Hòa Vang phản ánh về tình trạng nợ đất tái định cư kéo dài nhiều năm chưa được giải quyết. Nhiều hộ dân đã bàn giao mặt bằng hơn 5 năm nhưng đến nay vẫn còn 647 lô chưa có đất tái định cư để làm nhà, ổn định cuộc sống.

Công tác tái định cư cho người dân là cấp thiết nhưng thời gian qua nhiều địa phương chưa làm tốt. Tại Phan Thiết (tỉnh Bình Thuận), các hộ dân nằm trong diện giải tỏa cảng vận tải đã có quyết định giao đất tái định cư từ năm 2013, nhưng lại được thông báo trả tiền theo giá đất hiện nay, nên người dân chưa thông.

Thông báo kết luận của Thường trực tỉnh ủy Bình Thuận cũng cho biết, trước đây trong quá trình triển khai các dự án, công trình đầu tư phát triển kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội trên địa bàn tỉnh, nhiều người dân đã được nhà nước thu hồi đất, bố trí đất ở, có thông báo vị trí đất hoặc có biên bản cắm mốc, giao đất tại thực địa. Thường trực Tỉnh ủy yêu cầu đối với những trường hợp đã đủ điều kiện thì sớm cấp giấy chứng nhận cho người dân, hoàn thành trong quý 1/2024.

Còn tại tỉnh Tây Ninh, lại có tình trạng một số hộ dân hiến đất mở rộng đường giao thông nông thôn, nhưng chính quyền sau khi nhận đất lại không sớm làm thủ tục khiến người hiến đất rơi vào tình trạng giấy tờ đất bị “treo lơ lửng” kéo dài hơn 7 năm qua.

Việc chậm trễ trong khâu hoàn thiện thủ tục giấy tờ đất, cũng như bồi thường, tái định cư cho người dân, bất kể vì lý do gì thì cũng rất khó chấp nhận. Không vướng mắc về quy định pháp luật mà ùn tắc là ở cơ quan tài nguyên - môi trường và chính quyền địa phương. Nếu ùn tắc kéo dài, lan rộng thì rất có thể những người dân đang có ý định hiến đất sẽ chùn bước. Điều này sẽ khiến việc vận động trong các dự án mở rộng đường giao thông nông thôn gặp khó khăn.

An cư lạc nghiệp, đó là điều ai cũng hiểu. Vì thế, khi chuyển đi khỏi nơi ở cũ thì việc hoàn thiện thủ tục cấp đất nơi định cư mới là rất quan trọng với người dân. Với những hộ dân hiến đất thì cũng rất mong sớm có giấy chứng nhận đất mới, để họ có thể tiến hành xây dựng, chuyển nhượng... một cách hợp pháp.

Chậm trễ trong việc hợp thức hóa quyền sử dụng đất cho người dân di dời dẫn tới nhiều hệ lụy. Thật đáng ngại là việc đó còn dẫn tới việc người dân vướng vào tín dụng đen vì nợ tiền đất tái định cư. Một số người dân ở phường Nại Hiên Đông (quận Sơn Trà, thành phố Đà Nẵng) cho biết, trước đây có khu vực giải tỏa trắng, các hộ dân phải đi nơi khác tái định cư hoặc chuyển tới ở chung cư. Sau khi giải tỏa, một bộ phận người dân mất việc làm, không có thu nhập, rất nhiều hộ nợ tiền đất kéo dài. Trong đó có hộ nợ tiền đất từ 10 đến 20 năm vẫn chưa trả được bao nhiêu. Một lãnh đạo UBND phường Nại Hiên Đông cho biết, sau khi thành phố điều chỉnh giá đất mới, số tiền nợ đất tái định cư của người dân tăng lên nhiều lần, khiến nhiều người bất ngờ. Người dân lo lắng vì không nộp tiền đất sẽ bị thu hồi nên đã vay tín dụng đen. Khó khăn lại chồng chất khó khăn.

Quá trình phát triển, di dời và tái định cư vẫn sẽ tiếp tục. Chính vì thế, trách nhiệm của chính quyền địa phương càng nặng nề hơn, đòi hỏi tinh thần phục vụ người dân cao hơn. Chia sẻ với khó khăn của dân không chỉ là trách nhiệm mà còn là đạo đức công vụ, để giúp người dân sớm ổn định cuộc sống. Không thể để người dân thấp thỏm chờ đợi đến cả chục năm. Bất an thì làm sao an cư, lạc nghiệp.

Như vậy, việc di dời - tái định cư cũng chính là câu chuyện an dân.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Tái định cư và câu chuyện an dân

    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO