Góc nhìn Đại Đoàn Kết

Nỗi lo ô nhiễm không khí

Minh Thủy 18/12/2023 07:15

Ô nhiễm không khí được coi là “bệnh kinh niên” của Hà Nội. Pam Air (kênh thông tin tham khảo về diễn biến chất lượng không khí tại nhiều địa điểm khác nhau tại Việt Nam) còn cho rằng, tại thời điểm lúc 9 giờ 30 phút sáng ngày 8/12/2023, Hà Nội là thành phố ô nhiễm không khí hàng đầu thế giới. Nguyên nhân từ đâu và hướng giải quyết thế nào?

Nếu số liệu của Pam Air là đúng thì quả thật ô nhiễm không khí (ONKK) ở Hà Nội rất cần phải báo động, nhất là khi nhiều ngày liên tục người dân có cảm giác như đi trong sương mù. Trước đó, ngày 3/12, ứng dụng AirVisual ghi nhận chỉ số chất lượng không khí ở Hà Nội cao thứ 3 trong nhóm 10 thành phố ONKK nhất thế giới, khi mà bầu trời bị bao phủ bởi sương mù và bụi mịn.

Trước tình trạng ONKK kéo dài, Cục Kiểm soát ô nhiễm (Bộ Tài nguyên và Môi trường) đã có văn bản đề nghị Sở Tài nguyên và Môi trường các địa phương khẩn trương chỉ đạo, tập trung quyết liệt nhằm kiểm soát các hoạt động có phát sinh khí thải, bụi trên địa bàn trong thời điểm thời tiết giao mùa. Trong đó, đặc biệt lưu ý tới khu vực Hà Nội và các tỉnh lân cận với nhiều diễn biến xấu, nguy cơ ảnh hưởng đến sức khỏe cộng đồng và các hoạt động phát triển kinh tế - xã hội.

Cùng với ONKK thì sương mù cũng xuất hiện. Từ 5 giờ 30 đến 7 giờ ngày 7/12, do sương mù dày đặc, tầm nhìn hạn chế, đã có 25 chuyến bay không thể cất cánh, hạ cánh tại sân bay Nội Bài. 7 chuyến bay phải chuyển hướng, hạ cánh ở sân bay dự phòng. Trong khi đó tại khu đô thị Ecopark, các tòa nhà cao tầng bị mờ nhòe do sương mù.

Đáng chú ý, sương mù có khả năng lưu lại khói, bụi, các chất độc hại trong không khí; hít phải nó khiến cơ thể dễ mắc các bệnh nguy hiểm đến đường hô hấp, xương khớp.

Từ lâu, dư luận đã đặt vấn đề ONKK ở Hà Nội do đâu? Cơ quan quản lý nhà nước, giới chuyên môn cũng đã đưa ra nhiều lý giải. Các cấp chính quyền cũng đã có những biện pháp xử lý cụ thể. Nhưng đáng tiếc là ONKK vẫn tiếp diễn. Hàng năm, vào tiết giao mùa từ cuối tháng 11 đến tháng 12, tình trạng không khí ở Hà Nội lại rơi vào trạng thái “SOS”. Cuối thu và mùa đông, lặng gió, ít mưa kèm theo sương mù làm giảm độ khuếch tán của không khí khiến các chất ô nhiễm quẩn quanh ở tầm thấp hoặc không được rửa trôi.

Trước đây, ONKK ở Hà Nội được cho là do quá nhiều hộ dân, hàng quán sử dụng bếp than tổ ong; và còn do nông dân ngoại thành đốt rơm rạ, cùng với quá nhiều lò gạch thủ công. Tuy nhiên, tới nay, cả 3 yếu tố gây ONKK kể trên đều đã gần như hết, nhưng ONKK vẫn tiếp tục. Do đó, rất cần tìm hiểu ở những nguyên nhân khác mới có cách xử lý hiệu quả.

Còn nhớ, tại Hội thảo “Quản lý chất lượng không khí cho thành phố Hà Nội - Từ cam kết đến hành động” của UBND TP Hà Nội tổ chức, bà Carolyn Turk - Giám đốc quốc gia Ngân hàng Thế giới tại Việt Nam cho rằng, để giải quyết vấn đề ONKK thì rất cần sự phối hợp giữa các tỉnh lân cận dưới sự chủ trì của Hà Nội. Cùng đó, bà Carolyn Turk đưa ra một số giải pháp nhằm cải thiện chất lượng không khí cho Hà Nội. Bao gồm: Thực thi hiệu quả lệnh cấm đốt rác, phế phẩm nông nghiệp ngoài trời, hỗ trợ quản lý tốt hơn phế thải nông nghiệp và có các biện pháp giảm bụi đường phố; Củng cố và thực thi các tiêu chuẩn kiểm soát khí thải xe máy; Loại bỏ việc đốt rác ngoài trời, tăng tỷ lệ thu gom, phân loại, tái chế, thu hồi khí mê tan tại các bãi chôn lấp và tăng tỷ lệ làm phân hữu cơ; Thắt chặt tiêu chuẩn phát thải cho các nhà máy điện và ngành công nghiệp, tăng tỷ lệ năng lượng tái tạo.

Những khuyến nghị thiện chí đó có thể không mới và đã được Hà Nội áp dụng. Nhưng nói như ông Hoàng Dương Tùng - Chủ tịch Mạng lưới không khí sạch Việt Nam, nguyên Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Môi trường (Bộ TNMT), thì vấn đề đầu tiên là tiền đâu để thực hiện. Ông Tùng cũng cho rằng bàn mãi mà hành động cứ nhàng nhàng thì không biết bao giờ mới cải thiện được chất lượng không khí.

Cứ phân tích nguyên nhân, cứ họp bàn nhưng nếu không hành động quyết liệt thì không khí vẫn tiếp tục ô nhiễm. Mà điều đó thì rất đáng lo ngại.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Nỗi lo ô nhiễm không khí