Việc tổ chức các cuộc thi tài năng trong thời gian qua đã tạo cơ hội cho các nghệ sĩ trẻ lĩnh vực sân khấu toả sáng. Thế nhưng vì những lý do chủ quan và khách quan mà những “ngôi sao” trẻ này vẫn đang khá “lận đận” trên con đường khẳng định chính mình.
Mới đây, Bộ LĐTBXH đã có công văn gửi Bộ VHTTDL về việc cho phép các cơ sở giáo dục đại học lĩnh vực văn hóa, nghệ thuật tiếp tục đào tạo các ngành nghệ thuật ở trình độ trung cấp, cao đẳng. Theo đó, Bộ LĐTBXH thống nhất việc các cơ sở giáo dục đại học trong lĩnh vực văn hóa, nghệ thuật tiếp tục thử nghiệm đào tạo trình độ trung cấp, cao đẳng đối với các ngành, nghề mang tính đặc thù; kết hợp đào tạo nghệ thuật với đào tạo văn hóa thuộc các nhóm ngành, nghề: Âm nhạc, múa, sân khấu. Thời gian đào tạo được tiến hành cho đến khi Chính phủ ban hành quy định về đào tạo chuyên sâu, đặc thù trong lĩnh vực văn hóa, nghệ thuật. Bộ LĐTBXH đề nghị Bộ VHTTDL hướng dẫn các cơ sở giáo dục đại học đào tạo chuyên sâu, đặc thù trong lĩnh vực văn hóa, nghệ thuật đăng ký hoạt động giáo dục nghề nghiệp với Tổng cục Giáo dục nghề nghiệp (Bộ LĐTBXH) theo quy định.
Các đơn vị nghệ thuật, bên cạnh việc gìn giữ giá trị tinh hoa và những nguyên tắc nghệ thuật, cần thể hiện rõ sự quan tâm, chăm lo cho thế hệ nghệ sĩ trẻ bằng cách tạo thêm nhiều đất diễn cho họ; giúp nghệ sĩ trẻ được tương tác nhiều hơn với các thế hệ nghệ sĩ gạo cội cũng như tiếp xúc với môi trường nghệ thuật bên ngoài để có điều kiện phát triển toàn diện hơn. Đặc biệt, công tác đào tạo cũng cần có được những “hành lang” thông thoáng để thu hút được những nhân tài cho sân khấu nói riêng và VHNT nói chung.
Có thể thấy, sau khi nhiều cơ sở đào tạo nghệ thuật bậc đại học phản ánh khi Luật Sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Giáo dục đại học có hiệu lực từ ngày 1/7/2019 quy định các cơ sở giáo dục đại học không được đào tạo trình độ trung cấp, cao đẳng nữa. Tuy nhiên, đối với một số lĩnh vực đặc thù trong VHNT thì buộc phải đào tạo từ sơ cấp, qua trung cấp, rồi mới tiến tới cao đẳng, đại học. Khi thực hiện quy định trên, những trường có truyền thống đào tạo các tài năng nghệ thuật bị đứt khâu đào tạo trung cấp sẽ kéo theo cả một lỗ hổng lớn về đào tạo nhân lực.
Trước thực trạng trên, mới đây, Phó Thủ tướng yêu cầu Bộ VHTTDL khẩn trương tổng kết, đánh giá việc đào tạo chuyên sâu, đặc thù trong lĩnh vực văn hoá, nghệ thuật, làm rõ những vướng mắc, bất cập và nguyên nhân; phối hợp với Bộ GDĐT và các cơ quan liên quan đề xuất với Chính phủ sớm ban hành Nghị định quy định về đào tạo chuyên sâu, đặc thù trong lĩnh vực VHNT, phù hợp với thực tiễn trong quý IV/2021.
Với câu chuyện trên, thực tế cho thấy chỉ riêng với ngành sân khấu những năm qua đã phải đối mặt với vô vàn những khó khăn. Ngay từ khâu đầu vào luôn trong tình trạng “thừa thầy, thiếu thợ” cho đến “đầu ra” với một công việc ổn định tại những đơn vị nghệ thuật biểu diễn đang là một hành trình dài, đầy gian nan của những tài năng sân khấu. Thậm chí, nhiều tài năng dù đã được tuyển vào các nhà hát sau nhiều năm vẫn phải loay hoay với vấn đề biên chế.
Một minh chứng rõ nhất ngay tại Cuộc thi Tài năng Xiếc toàn quốc 2021 vừa được tổ chức tại Hà Nội đã như một “báo động” về sự thiếu hụt nguồn nhân lực. Dù là một cuộc thi có quy mô toàn quốc nhưng chỉ có 5 đơn vị tham gia. Theo chia sẻ của BTC cuộc thi, nhiều đơn vị thiếu hụt nguồn nhân lực, không có điều kiện đầu tư, dàn dựng tiết mục dự thi.
Như Phó Giám đốc Trung tâm Văn hóa nghệ thuật tỉnh Long An Nguyễn Triệu Minh cho biết, Đoàn xiếc Long An được khoán doanh thu 2 tỷ đồng/năm. Thế nhưng, hơn một năm nay do dịch Covid-19, Đoàn gần như không biểu diễn, nghệ sĩ cũng chỉ còn 22 diễn viên. Liên đoàn Xiếc Việt Nam đã cử người về động viên Đoàn tham dự, hỗ trợ các nghệ sĩ ra Hà Nội luyện tập trước để nâng cao trình độ biểu diễn và dàn dựng tiết mục...
Về vấn đề này, theo NSND Tạ Duy Ánh, Giám đốc Liên đoàn Xiếc Việt Nam cho biết: Xiếc là ngành đặc thù, việc tuyển sinh đào tạo nguồn nghệ sĩ trẻ hiện nay rất khó khăn. Chúng tôi phải đi đến các tỉnh vùng sâu, vùng xa để tuyển sinh.
Tìm được người để đào tạo đã khó, phát hiện ra tài năng cũng khó, nhưng việc giữ được tài năng còn khó hơn. Hiện nay, những nghệ sĩ chân chính đang khó khăn quá, không có chính sách giữ nhân tài thì chúng ta sẽ mất nghề. Trong thời đại công nghiệp văn hóa này thì Xiếc là một trong những ngành nghề báo động đỏ về nạn chảy máu chất xám vì chúng ta không có cơ chế để giữ nhân tài.
NSND Tạ Duy Ánh cũng trăn trở, đây là câu chuyện cần phải suy nghĩ, khi chúng ta có những nghệ sĩ tài năng nhưng không có cơ chế giữ chân họ. Nhiều công ty tư nhân mọc lên, họ toàn gọi những người giỏi nhất của chúng tôi đi. Bài toán giữ tài năng hiện quá nan giải vì gánh nặng mưu sinh. Ngành này quá đặc thù vì cần sức lực, trí tuệ và sáng tạo và chỉ cháy bỏng trong thời gian ngắn. Vậy mà họ lại không được nhìn nhận, 13,14 năm chưa được vào biên chế, tài năng cứ ra đi hết.
“Tôi không giữ được học trò của mình và nguy cơ mất nghề đang hiện hữu trước mắt. Đầu ra không có thì đầu vào làm sao tuyển sinh được. Nhà tôi ba thế hệ theo nghề xiếc, nhưng giờ đến thế hệ các con tôi không ai theo nữa”, NSND Tạ Duy Ánh bày tỏ.
Bên cạnh những yếu tố trên, việc dịch Covid-19 bùng phát cũng ảnh hưởng nặng nề đến sân khấu biểu diễn cả nước, khiến nhiều đơn vị nghệ thuật buộc phải có những quyết định khó khăn, trong đó chịu thiệt thòi trước tiên là các nghệ sĩ trẻ.
NSND Trung Hiếu, Giám đốc Nhà hát Kịch Hà Nội cho biết, vừa qua, nhà hát phải cắt giảm hơn 30 diễn viên hợp đồng vì không có doanh thu biểu diễn, nên không chi trả được lương cho họ. Đây đều là nghệ sĩ trẻ, được tuyển chọn gắt gao và phục vụ cho nhà hát nhiều năm qua. Không ít trong số đó sắp đủ điều kiện làm hồ sơ xét tặng danh hiệu NSƯT.