Tầm nhìn cho Thủ đô phát triển

Mai Loan 10/10/2023 07:16

Hôm nay, Hà Nội kỷ niệm 69 năm Ngày Giải phóng Thủ đô (10/10/1954 - 10/10/2023). Ngày này, 69 năm trước, những người con Thủ đô hòa vào đội ngũ các chiến sĩ Đại đoàn 308, hân hoan xuống đường mừng ngày Hà Nội được giải phóng. Trải qua 69 năm, Hà Nội đã phát triển cùng đất nước. Nhìn lại quá trình ấy mới thấy, để có được vị thế như hôm nay là cả quá trình phấn đấu không ngừng của bao lớp người Hà Nội trong dựng xây Thủ đô.

Cùng cả nước, vì cả nước Hà Nội đi qua biết bao thăng trầm cùng đất nước, cùng dân tộc. Chẳng nói đâu xa, chỉ hơn 2 năm trước đây, trong thời kỳ dịch Covid-19, cùng với đồng bào cả nước, Hà Nội đã trải qua những ngày chiến đấu và chiến thắng bệnh dịch; nhưng dịch bệnh qua đi, khó khăn vẫn còn ở lại. Những khó khăn mà Hà Nội gặp phải đành rằng không phải là khó khăn riêng của Hà Nội nhưng với vai trò đầu tàu, rõ ràng, Hà Nội phải nỗ lực hơn để làm điểm tựa cho các địa phương khác.

Điểm đặc biệt, khó khăn là thế nhưng hơn lúc nào hết, Hà Nội đã biết phát huy đúng lúc truyền thống anh hùng, tinh thần đoàn kết vượt qua sóng gió, thách thức và đạt được nhiều kết quả quan trọng. Và, Hà Nội hôm nay đã thực sự là một điểm sáng kinh tế khi GRDP của thành phố năm sau cao hơn năm trước. Cụ thể trong 9 tháng đầu năm nay, dù kinh tế thế giới gặp suy thoái toàn cầu do Covid-19 nhưng kinh tế Hà Nội vẫn bền bỉ vượt khó, quý sau tăng trưởng cao hơn quý trước với các mốc 5,91%; 5,93% và 6,49% cho các quý I, II và III. Và kể từ khi Nghị quyết 15-NQ/TƯ được ban hành, Hà Nội đã ban hành Chương trình hành động số 16 để sớm biến quyết tâm thành hành động nhằm cụ thể hóa mục tiêu biến Thủ đô thành thành phố “Văn hiến- Văn minh- Hiện đại”. Thành phố cũng đã tập trung chỉ đạo thực hiện 3 mục tiêu lớn: Lập đồ án tổng thể điều chỉnh Quy hoạch chung xây dựng Thủ đô Hà Nội đến năm 2045 tầm nhìn đến năm 2065; xây dựng Quy hoạch Thủ đô Hà Nội thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 và dự án Luật Thủ đô sửa đổi.

Điều thú vị là trong tờ trình gửi HĐND thành phố về việc thông qua chủ trương định hướng phát triển không gian và hạ tầng đô thị đồ án điều chỉnh Quy hoạch chung Thủ đô Hà Nội đến năm 2045, tầm nhìn đến năm 2065, UBND TP Hà Nội nêu thành phố sẽ có nhiều nội dung trong định hướng phát triển không gian toàn đô thị với đô thị trung tâm…

Nói tại một Hội nghị BCH Đảng bộ TP Hà Nội hồi đầu năm, Bí thư Thành ủy Hà Nội Đinh Tiến Dũng nhấn mạnh: Quy hoạch Thủ đô; điều chỉnh Quy hoạch chung xây dựng Thủ đô; Luật Thủ đô (sửa đổi) là các nội dung rất quan trọng, có mối quan hệ mật thiết với nhau đối với sự phát triển lâu dài, bền vững của Thủ đô. Trong đó, thành phố kiên định với định hướng phát triển 2 thành phố trực thuộc Thủ đô là: Thành phố Bắc sông Hồng (Mê Linh - Sóc Sơn - Đông Anh), thành phố phía Tây Hà Nội (Hòa Lạc - Xuân Mai) và 5 trục phát triển là: Trục không gian sông Hồng, lấy sông Hồng là trục xanh, cảnh quan trung tâm, thay đổi quan điểm phát triển theo hướng quay mặt ra sông thay vì quay lưng ra sông như hiện nay; trục không gian hồ Tây - Ba Vì kết nối giữa đô thị trung tâm với các đô thị vệ tinh; trục không gian hồ Tây - Cổ Loa xác lập không gian kiểm soát đặc biệt là tổ hợp các khu chức năng công cộng gắn với các công trình biểu tượng; trục không gian Nhật Tân - Nội Bài là trục đô thị thông minh; trục không gian phía Nam kết nối không gian sinh thái với cụm du lịch tâm linh tại Mỹ Đức và Hà Nam.

Một tầm nhìn xa của lãnh đạo Hà Nội hy vọng thực hiện được và thực hiện tốt sẽ giúp thành phố vươn lên và vươn xa khi mà Hà Nội có cả định hướng bảo tồn các khu vực trung tâm, các danh thắng di tích nhưng tăng cường phát triển xanh; thông minh gắn với việc xây dựng thành phố phía Tây (Hòa Lạc, Xuân Mai) - thành phố khoa học công nghệ và giáo dục đào tạo và thành phố phía Bắc (Đông Anh, Mê Linh, Sóc Sơn) là đô thị dịch vụ, hội nhập quốc tế.

Các chuyên gia cũng ủng hộ định hướng quy hoạch này của Hà Nội; là bởi: Tiềm năng là điều mà Hà Nội sẵn có nhưng để vươn xa, Hà Nội cần dũng cảm vượt ra ngoài những tư duy thông thường, không chấp nhận bằng lòng với những gì đang có và đặt “bệ phóng” từ bây giờ cho 20 hay 40 năm sau; tức là cần một tầm nhìn đủ xa, đủ rộng để đưa Hà Nội vươn xa hơn nữa. Trên hành trình ấy, bên cạnh sự quyết tâm của lãnh đạo Hà Nội còn rất cần sự đồng lòng của người dân Thủ đô.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Tầm nhìn cho Thủ đô phát triển

    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO