Để có thể tận dụng tối đa cơ hội đối với vấn đề lao động - việc làm từ Hiệp định Thương mại tự do Liên minh châu Âu - Việt Nam (EVFTA), theo các chuyên gia, cần có những đánh giá và dự báo tác động của hiệp định nhằm kịp thời đưa ra giải pháp ứng phó biến động của thị trường lao động, những thay đổi về chính trị - kinh tế của các nước tham gia hiệp định, khả năng cạnh tranh giữa các quốc gia để tận dụng lợi thế từ EVFTA.
Tiền lương người lao động tăng 11%
Đề cập đến lợi thế từ EVFTA, ông Phạm Ngọc Toàn - Giám đốc Trung tâm Phân tích và Dự báo chiến lược (Viện Khoa học Lao động và Xã hội, Bộ Lao động-Thương binh và xã hội) cho biết, thực trạng lao động việc làm của Việt Nam có xu hướng tăng trong giai đoạn 2012-2019 và bắt đầu giảm vào năm 2020 do dịch bệnh Covid-19. Tuy nhiên, đến năm 2022, khi tình hình dịch bệnh được kiểm soát, nhiều việc làm trong ngành cung cấp dịch vụ hàng hóa cho ngành xuất khẩu sang EU được tạo ra. Theo dự báo, EVFTA sẽ tạo thêm khoảng 146.000 việc làm cho giai đoạn 2022- 2025, bình quân khoảng 36,5 nghìn/năm, tăng 0,059% so với kịch bản không có EVFTA.
“Do ảnh hưởng lan tỏa, nên sẽ nhiều việc làm trong các ngành cung cấp dịch vụ hàng hóa cho ngành xuất khẩu sang EU được tạo ta, song tác động EVFTA đến khu vực thành thị và nông thôn không có sự khác biệt nhiều. Một số ngành có tác động mạnh từ Hiệp định EVFTA như xây dựng, công nghiệp chế biến chế tạo, hoạt động tài chính, ngân hàng, bảo hiểm” - ông Toàn thông tin.
Đáng chú ý, thuế suất xuất khẩu giảm đã có tác động tích cực làm tăng tiền lương bình quân của lao động. So với các khu vực khác, tiền lương bình quân của người lao động làm việc trong khu vực xuất nhập khẩu từ các nước thuộc EVFTA cao hơn so với các khu vực còn lại khoảng 17% đến 28%.
Sau thời điểm hiệp định EVFTA có hiệu lực, tiền lương bình quân của người lao động cao hơn khoảng 11% so với thời điểm trước khi hiệp định EVFTA có hiệu lực. Hưởng lợi hơn về mức lương thuộc nhóm lao động nữ, lao động khu vực thành thị và nhóm lao động có trình độ chuyên môn kỹ thuật cao hơn.
Phản ánh từ doanh nghiệp (DN) cho thấy, sau một thời gian thực thi EVFTA đã phát huy hiệu quả tích cực, không chỉ thị trường được mở rộng, kim ngạch xuất khẩu vào các thị trường này cũng ghi nhận tăng trưởng cao. Ông Trần Quốc Mạnh - Chủ tịch Hội đồng quản trị Công ty cổ phần Phát triển sản xuất thương mại Sài Gòn (Sadaco), cho rằng trong điều kiện nền kinh tế đang gặp nhiều thách thức, các FTA vẫn mang lại nhiều cơ hội cho DN. Ông Mạnh dẫn chứng, năm 2014 xuất khẩu gỗ của Việt Nam vào thị trường Mỹ không đáng kể. Nhưng tới nay, xuất khẩu vào thị trường này đang chiếm khoảng 60% trong tổng lượng xuất khẩu đi các thị trường.
Thực tế đánh giá lợi thế sau 2 năm thực hiện EVFTA, theo TS Hoàng Xuân Trung - Viện Nghiên cứu châu Âu, EVFTA được kỳ vọng sẽ giúp Việt Nam trở thành điểm đến thu hút đầu tư từ EU, tạo thêm cơ hội cho các DN châu Âu tiếp cận thị trường của Việt Nam, tạo thêm công ăn việc làm cho người lao động, thúc đẩy các lĩnh vực công nghiệp sử dụng công nghệ cao của Việt Nam như điện tử, ô tô, công nghiệp chế biến và chế tạo, công nghệ thông tin và các lĩnh vực khác như nông sản thực phẩm chế chiến, dịch vụ, tài chính...
Còn đối với Đức, Việt Nam là một quốc gia có lợi thế về nguồn nhân lực trẻ, chi phí nhân công thấp so với các quốc gia trong cùng khu vực, trình độ tay nghề cao và là nước duy nhất có nhiều người nói tiếng Đức và am hiểu văn hóa Đức. Hiện nay, số lượng công ty Đức đầu tư vào Việt Nam đã không ngừng tăng lên, với hơn 300 công ty. Điều này cũng đồng nghĩa với số việc làm tạo ra sẽ tăng lên.
EVFTA sẽ tạo thêm khoảng 146 nghìn việc làm cho giai đoạn 2022-2025, bình quân khoảng 36,5 nghìn việc làm/năm. Một số ngành có tác động mạnh, hưởng lợi từ EVFTA như: xây dựng (tăng 0,065%); Công nghiệp chế biến, chế tạo (tăng 0,063%); Tài chính, ngân hàng và bảo hiểm (tăng 0,061%)… Đặc biệt, so với khu vực khác, tiền lương tại các nước tham gia EVFTA cao hơn so với khu vực còn lại khoảng 17% - 28%, cao hơn khoảng 11% so với thời điểm EVFTA chưa có hiệu lực.
Cần đầu tư vào con người
Bên cạnh những tác động tích cực, do ảnh hưởng của dịch Covid-19 cũng làm giảm hiệu quả tác động của EVFTA đến lao động việc làm và đặt ra nhiều thách thực đối với lao động việc làm như: thay đổi về hình thức làm việc; thiếu hụt nguồn cung lao động cục bộ ở một số địa phương; sự mất cân đối cung cầu về cơ cấu lao động… Mặt khác, DN vẫn phải đối mặt với tình trạng thiếu lao động có tay nghề trong khi trên thị trường lao động vẫn dư thừa lao động nhưng là lao động chưa qua đào tạo.
Từ những thách thức trên theo giới chuyên gia, cần tăng cường dự báo nhu cầu lao động theo trình độ kỹ thuật và ngành nghề để đáp ứng yêu cầu của EVFTA để có kiến nghị phù hợp với điều chỉnh cơ cấu đào tạo của Việt Nam; chú trọng đào tạo nguồn nhân lực có kỹ năng, chất lượng cao; quan tâm công tác đào tạo và đào tạo lại lao động. Ngoài ra, cần nâng cao khả năng đáp ứng của hệ thống giáo dục đào tạo theo hướng đa dạng hóa các chương trình học và tạo nhiều lựa chọn cho người học, gắn nội dung đào tạo theo nhu cầu của thị trường lao động.
Theo ông Phạm Ngọc Toàn, để tận dụng tối đa lợi thế từ EVFTA đem lại, DN cần đầu tư vào con người, khoa học công nghệ, và mở rộng thị trường xuất khẩu, tìm kiếm thị trường ngách; tham gia chuỗi sản xuất để tận dụng cơ hội từ EVFTA; tăng cường tuân thủ pháp luật lao động và các tiêu chuẩn lao động quốc tế… Thêm vào đó, phải tăng cường các biện pháp hỗ trợ, nâng cao năng lực cạnh tranh cho các ngành hàng và DN, tháo gỡ các khó khăn, vướng mắc về mặt chính sách; tăng cường dự báo nhu cầu lao động theo trình độ kỹ thuật và ngành nghề để đáp ứng yêu cầu của EVFTA, đưa ra kiến nghị phù hợp với điều chỉnh cơ cấu đào tạo của Việt Nam; chú trọng đào tạo nguồn nhân lực có kĩ năng, chất lượng cao; quan tâm công tác đào tạo và đào tạo lại lao động; đa dạng hóa giáo dục nghề nghiệp, đào tạo theo nhu cầu của thị trường lao động.
Còn theo bà Nguyễn Cẩm Trang - Phó Cục trưởng Cục Xuất nhập khẩu (Bộ Công thương), bản thân các DN cũng cần chủ động tận dụng cơ hội từ EVFTA, sự chủ động ở đây có thể nhìn nhận qua việc chủ động nắm bắt thông tin về thị trường thế giới, các tác động của kinh tế thế giới. Cùng với đó, DN cũng cần chủ động đổi mới phương thức sản xuất kinh doanh, đổi mới công nghệ, tạo ra những sản phẩm hàng hoá có chất lượng, đáp ứng tốt hơn nhu cầu của thị trường EU. DN nắm bắt cơ hội đẩy mạnh sản xuất sẽ tạo ra nhiều việc làm và thu nhập hơn cho người lao động.
Bà Hà Thị Minh Đức - Phó Vụ trưởng Vụ Hợp tác quốc tế (Bộ LĐTB&XH):
Coi trọng việc đảm bảo quyền của người lao động
Cơ hội việc làm, việc làm có năng suất hay bảo đảm các quyền của người lao động, nhất là các nhóm yếu thế trong các EVFTA hiện nay ngày càng được chú trọng. Bằng chứng là, chúng ta đã có hơn hai năm thực thi EVFTA và trong các hiệp định thương mại tự do thì vấn đề lao động là nội dung luôn được đề cập. Câu chuyện lao động trong các hiệp định thương mại tự do được nói rất nhiều nhưng xoay lại đó chính là bản chất của việc chúng ta tuân thủ các quy định, tiêu chuẩn lao động quốc tế, cũng như các công ước của Tổ chức Lao động quốc tế. Làm thế nào để tận dụng được lợi thế cũng như cơ hội này là điều rất quan trọng. Việc dự báo nhu cầu lao động theo trình độ kỹ thuật và ngành nghề để đáp ứng yêu cầu của EVFTA rất quan trọng. Vì khi có dự báo chính xác sẽ có những kiến nghị phù hợp với điều chỉnh cơ cấu đào tạo của Việt Nam.
Ông Nguyễn Hải Đức, Chủ tịch Hiệp hội thang máy Việt Nam:
Tăng cường truyền thông về EVFTA cho doanh nghiệp và người lao động
Dù EVFTA đã có hiệu lực được 2 năm nhưng nhiều doanh nghiệp vẫn chưa nhận thức được lợi thế mà EVFTA đem lại. Do đó, các cơ quan quản lý nhà nước nên cụ thể hóa, chi tiết hóa các nội dung của EVFTA để có thể giúp cho doanh nghiệp, người lao động hiểu hết, hiểu kỹ về quyền và lợi ích mà bản thân có thể hưởng từ các hiệp định này.
Ngoài ra, thực thi EVFTA là cơ hội lớn để khu vực công, khu vực tư có thể nâng cao chất lượng, hiệu quả làm việc của đơn vị mình. Nhất là khả năng nâng cao trình độ chuyên môn kỹ thuật của lực lượng lao động trên cả nước.