Sáng qua đi họp về thì đã gần trưa, tiện đường rẽ vào chợ mua ít thịt bò và bánh phở, quẩy về nấu cho bọn trẻ con nồi phở. Thường thì chỉ làm phở tái, nay có miếng u vai ngon quá nên mua về luộc làm phở chín. Làm phở chín, miếng u vai dắt chút mỡ, nước phở lên sóng sánh hẳn, chẳng cần cho sá sùng cũng vẫn ngọt, mà hôm nào không cho sá sùng thì cảm giác phở nguyên bản hơn. Thêm quế hồi là thơm lừng nhà, cảm thấy mình mềm yếu hẳn.
Mẹ thì vụng nên nấu đơn giản thôi, bọn trẻ con vẫn xuýt xoa là vui rồi. Trẻ con nhà mình thích phở bánh thái to, mà mua thì chợ toàn thái mảnh. Nên mình mua lá phở cuốn về tự thái, bản phải đến cả xăng ti mét ấy. Chị hàng bánh phở bảo thái làm gì lại mất công. Nhưng con nhà em nó thích. Về bưng bát phở, bọn nó reo lên khi bánh thái to. Mình không rõ lắm, nhưng bánh thái to có vẻ mộc mộc xưa xưa hơn, với cắn đã hơn thì phải.
Quê Nam Định mà không biết phở Nam Định với phở Hà Nội khác nhau như nào. Có lần lượn đi chơi Nam Định, rẽ vào hàng phở ăn, ngon quá bèn hỏi anh hàng phở xem anh lấy thịt bò ở đâu. Anh hàng phở chắc nghĩ hội này Hà Nội về thì hẳn ưa kiểu thành thị, nên anh bảo thịt là anh thửa từ Hà Nội. Thôi xong.
Nhưng phở Nam Định, những đêm đi chợ Viềng, hơi Xuân lành lạnh, các hàng phở đông vui, rẽ vào làm bát phở, nước nghi ngút khói, miếng thịt mềm mỏng dính lớp nạc lớp gân lớp mỡ gàu vàng ngà, nồi nước phở ninh toàn xương bò thơm lừng, cứ dáo dác hết cả chợ Viềng, ấm hết cả đôi tay bưng bát phở lẫn cái dạ dày lưng lửng lẫn cỗ lòng cứ nấn ná điều gì đó một đêm Xuân.
Mình đã thử ăn phở Việt ở Nhật, ở Mỹ hay ở Đức - những lần đầu cũng đến 2 chục năm rồi và là phở của người nước ngoài nấu, không phải người Việt ở đó nấu. Ăn khi ấy là với tâm thế để thử xem món phở qua tay người nước ngoài thế nào. Tất nhiên là nó chán, bánh phở khô sấy, nước dùng nấu bằng gia vị có sẵn và bò viên, nhưng mấy tiệm đó đều đông khách, chứng tỏ khi ấy, dù chưa có Facebook hay mạng xã hội như giờ, nhưng phở đã là một thương hiệu mạnh trên thế giới. Một chị người Ý từng nói với mình, tôi mê phở Việt Nam lắm, tôi có thể ăn phở tất cả các buổi sáng, ở bất kỳ đâu. Nó đủ no, nhưng cũng đủ thanh thoát nhẹ nhàng, là sự kết hợp của đủ vị, đủ màu sắc, đủ chất liệu cả tinh bột cả thịt cả rau, và nó hấp dẫn khứu giác làm sao.
Nghe chị nói, chợt nhận ra mình chưa từng để tâm về sự kết hợp khít khìn khịt ấy, mà chỉ đơn giản là ăn sáng bằng một bát phở khi vội đi công tác, thưởng thức mùi thơm của phở vào một sáng cuối tuần thong dong rồi ra cà phê, hay tất bật và vui vẻ bên một nồi phở tự nấu cho trẻ con ở nhà. Đơn giản là cảm xúc tùy thời điểm, và ta thường không suy nghĩ nhiều về hạnh phúc mà ta đang có.
Đầu bếp nổi tiếng Anthony Bourdain, người cùng với Tổng thống Obama làm cho bún chả Hà Nội nổi tiếng, có niềm đam mê đặc biệt với ẩm thực Việt. Trong cả chục chuyến tới Việt Nam, ông luôn say sưa thưởng thức món ăn đường phố phong phú, sắc màu ở Việt Nam, và ông cũng nói rằng ông rất thích phở. Có thể hỏi bất kỳ người nước ngoài nào, có lẽ trong số những người mình đã gặp, có lẽ phải 2/3, hoặc 3/4, hoặc có thể tới 99% là thích phở. Trên các thực đơn món Việt dịch ra tiếng nước ngoài, ở nước ngoài, phở giờ đây được giữ nguyên tên, không cần phải diễn giải ra kiểu noodle soup - súp mì như trong tiếng Anh nữa.
Phở, tự nó đã hấp dẫn thế, không cần danh hiệu di sản. Ban đầu mình thấy kỳ kỳ khi nghe phong di sản. Nhưng luôn cần những danh hiệu, những câu chuyện để gửi đi thông điệp gì đó. Vậy thì phong di sản rồi, phở sẽ thế nào? Bao nhiêu năm ta cứ bàn đưa ẩm thực tuyệt vời của Việt Nam thành một thương hiệu ẩm thực Việt ra thế giới, thành một đại sứ văn hóa, thành một cấu thành của sức mạnh mềm Việt Nam. Trong những cấu thành ấy hẳn không thể thiếu món phở. Nhưng làm thế nào để nâng tầm phở như thế, chắc chắn không thể làm rời rạc nhưng cũng không phải là quá khó, bởi bản thân món phở đã đủ quyến rũ rồi, thực tế đã chứng minh rồi. Tình yêu đi qua dạ dày, điều đó có thể đúng với bất kỳ ai. Nên yêu Việt Nam bằng món phở là hoàn toàn khả thi. Với lại, từ mỗi ngôi nhà, người mẹ nào cũng có thể làm gia đình mình vui bằng một nồi phở - di sản văn hóa phi vật thể - thơm lừng, dù là mẹ vụng.