Việc dạy học tiếng Chăm đã góp phần khích lệ, động viên học sinh, huy động học sinh đến trường và hạn chế tình trạng bỏ học của học sinh.
Theo kế hoạch năm học 2020 – 2021, Ninh Thuận tiếp tục duy trì việc dạy tiếng Chăm cho học sinh từ lớp 2 tới lớp 5 ở 24 trường tiểu học thuộc vùng đồng bào Chăm; đồng thời, xây dựng bộ sách học tiếng Raglai để chuẩn bị đưa vào dạy thực nghiệm ở cấp tiểu học từ lớp 1 thuộc hai huyện Bác Ái và Thuận Bắc - nơi có đông đồng bào Raglai sinh sống; kết hợp tăng cường tiếng Việt cho học sinh tiểu học thông qua giao tiếp song ngữ.
Để nâng cao chất lượng dạy học tiếng Chăm, các giáo viên sẽ được đào tạo chuyên môn, nghiệp vụ sư phạm theo quy định của Luật Giáo dục. Cụ thể, việc dạy phải đủ chương trình và theo sách giáo khoa đã được Bộ Giáo dục và Đào tạo ban hành. Nội dung dạy học tiếng Chăm bao gồm những kiến thức về ngữ âm, từ vựng, ngữ pháp, các nội dung phản ánh về cuộc sống, văn hoá của đồng bào Chăm.
Nguồn tư liệu sử dụng trong sách giáo khoa, tài liệu được lấy từ kho tàng văn học dân gian, văn học phản ánh cuộc sống văn hoá ,vật chất, tinh thần của đồng bào Chăm và các dân tộc khác. Phương pháp dạy học nhằm vào việc phát huy tính tích cực của học sinh cấp tiểu học; trong đó, chú trọng tăng cường thực hành ngôn ngữ, các kỹ năng đọc và viết.
Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo Ninh Thuận Nguyễn Huệ Khải cho biết, những năm qua, chỉ duy nhất tiếng Chăm được dạy trong các trường học ở Ninh Thuận. Tiếng Chăm được nghiên cứu và tổ chức dạy thực nghiệm từ năm 1978. Đến năm học 2010 – 2011, tiếng Chăm được tổ chức dạy học chính thức tại các trường tiểu học vùng đồng bào Chăm theo Nghị định số 82/2010/NĐ-CP của Chính phủ quy định về việc dạy và học tiếng nói, chữ viết của dân tộc thiểu số trong các cơ sở giáo dục phổ thông và giáo dục thường xuyên.
Sau 10 năm thực hiện Nghị định 82, đến năm học 2019 – 2020, Ninh Thuận đã có 24 trường với 288 lớp tiểu học có dạy tiếng Chăm với 8.126 học sinh, cùng 54 giáo viên dạy tiếng Chăm. Theo đánh giá, việc dạy học tiếng Chăm đã đem lại lợi ích to lớn về giáo dục cho người Chăm, trong việc dạy ngôn ngữ, văn hóa, tri thức bản địa và các tri thức nhân loại cho học sinh, giáo dục học sinh phát triển toàn diện. Chất lượng dạy học tiếng Chăm cho học sinh được đánh giá là hoàn thành và hoàn thành tốt đạt 99.5%.
Đồng thời, việc dạy học tiếng Chăm đã góp phần khích lệ, động viên học sinh, huy động học sinh đến trường và hạn chế tình trạng bỏ học của học sinh. Đây cũng là một giải pháp thiết thực trong việc giữ gìn và phát huy giá trị văn hoá dân tộc trong cuộc sống của đồng bào Chăm.
Ông Nguyễn Huệ Khải thông tin thêm, ngoài việc dạy học tiếng Chăm đã đạt được kết quả nhất định, thời gian qua số tiếng của dân tộc thiểu số khác trên địa bàn tỉnh đưa vào dạy học trong trường phổ thông còn rất hạn chế, nhất là tiếng dân tộc Raglai. Để tiếp tục nâng cao chất lượng dạy tiếng dân tộc thiểu số trong trường học, Ninh Thuận kiến nghị Bộ Giáo dục và Đào tạo cần có chính sách chuẩn hóa giáo viên dạy tiếng dân tộc thiểu số để đáp ứng nhu cầu ngày càng cao của xã hội; sớm ban hành thông tư quy định về danh mục thiết bị tối thiểu cho từng tiếng dân tộc thiểu số.
Ninh Thuận hiện có 34 dân tộc thiểu số với hơn 144.200 người, chiếm 24,43% dân số tỉnh. Trong đó, đồng bào dân tộc Chăm có hơn 67.270 người, chiếm 11,9%, dân tộc Raglai có hơn 58.910 người, chiếm 10,42%, các dân tộc thiểu số khác là hơn 6.400 người, chiếm 2,1%.