Quá trình thực nghiệm, tuyển chọn tác giả viết sách giáo khoa (SGK) theo Chương trình giáo dục phổ thông 2018 là những vấn đề được nhiều người quan tâm. Trong thời gian tới, Bộ Giáo dục và Đào tạo (GDĐT) sẽ tăng cường giám sát quá trình này để đảm bảo chủ động về tiến độ chuẩn bị SGK theo đúng lộ trình.
Khắc phục hạn chế
Theo ông Nguyễn Xuân Thành - Vụ trưởng Vụ Giáo dục trung học (Bộ GDĐT), qua thực tiễn thanh tra, kiểm tra cho thấy vẫn tồn tại những hạn chế, bất cập. Đó là tình trạng một số nội dung, thuật ngữ được sử dụng trong các bản mẫu SGK chưa đảm bảo tính liên thông giữa các môn học/hoạt động giáo dục. Tiến trình nội dung bài học của các bản mẫu sách trong một môn học còn có sự chênh lệch đáng kể giữa các SGK khác nhau. Chất lượng một số bản mẫu sách còn hạn chế, trong đó, bên cạnh những lỗi về nội dung còn rất nhiều lỗi về mặt chính tả, câu từ, ngôn ngữ, hình ảnh…
Vì vậy, để khắc phục những bất cập này, Bộ trưởng Bộ GDĐT Nguyễn Kim Sơn cho biết trong thời gian tới, Bộ sẽ tăng cường kiểm soát quá trình biên soạn SGK theo Thông tư số 05 ngay từ việc lựa chọn tác giả, biên soạn và thực nghiệm bài dạy minh họa của bản mẫu SGK, đảm bảo chủ động về tiến độ chuẩn bị SGK theo đúng lộ trình; tăng cường công tác thực nghiệm SGK, khai thác góp ý sau thực nghiệm, xin ý kiến nội bộ để tăng cường chất lượng bản mẫu SGK.
Đồng thời, tăng cường kiểm soát chất lượng thực nghiệm bản mẫu SGK, đảm bảo bài thực nghiệm đại diện cho các chủ đề trong chương trình môn học/hoạt động giáo dục, đặc biệt đảm bảo tính khả thi của các bài thực hành, thí nghiệm, bài học dự án.
Kiến nghị từ người trong cuộc
Ông Hoàng Lê Bách - Tổng Giám đốc Nhà xuất bản Giáo dục Việt Nam cho rằng, sau 5 lần thay đổi SGK, có một số vấn đề cần rút kinh nghiệm. Đó là làm SGK có tính chất đặc thù, nên cần có tính chuyên nghiệp cao. Một nhà xuất bản làm SGK thực thụ phải là một đơn vị có khả năng đảm trách được mọi công đoạn của việc xuất bản SGK. Có như vậy, mới có thể có sự điều phối của một “tổng đạo diễn”, đảm bảo cho SGK có được chất lượng, đúng tiến độ và giá bán hợp lý nhất. Bên cạnh đó, do SGK là một loại hàng hóa đặc thù, thường có tác động tới tâm lý và dư luận xã hội, vì vậy cần có những quyết sách để ổn định SGK, trong đó có những quyết sách về việc tổ chức biên soạn, biên tập, thiết kế, thẩm định, phát hành...
Vì vậy, ông Bách kiến nghị Bộ GDĐT cần thiết và thường xuyên có những điều chỉnh về chiến lược chỉ đạo đối với việc xuất bản SGK để sách có chất lượng tốt hơn, đáp ứng yêu cầu của ngành giáo dục và xã hội về loại hình sản phẩm đặc biệt này.
Từ phía nhà trường, bà Hoàng Thu Huyền - giáo viên Trường THCS Thái Thịnh (Hà Nội) cho biết, khi được nhà trường phân công dạy thực nghiệm SGK lớp 8 môn Công nghệ bộ sách Kết nối tri thức với cuộc sống, bà nhận thấy đây là cơ hội tốt để mình được trực tiếp trao đổi với nhóm tác giả viết sách. Với bài học được lựa chọn là Ánh sáng, bà Huyền đã tìm hiểu chương trình, bài học và nhận thấy đây là một trong những nội dung quan trọng nhất của chương trình công nghệ lớp 8. Tiết dạy sau đó đã nhận được những góp ý chi tiết từ nhóm tác giả cũng như các giáo viên khác trong trường và các trường bạn giúp cho việc triển khai bài học được tốt hơn từ mặt tổ chức tiết học đến nội dung, phương pháp giảng bài, hướng dẫn học sinh tiếp cận chủ đề.
Ngược lại, theo PGS. TS Đặng Văn Nghĩa - Chủ biên SGK công nghệ 8, bộ sách Kết nối tri thức với cuộc sống, các tiết dạy thực nghiệm cũng giúp tác giả SGK được lắng nghe, trao đổi và rút kinh nghiệm, góp ý từ giáo viên, những người trực tiếp đem bài học đến với học sinh mọi miền đất nước. Theo Thông tư mới, tác giả sẽ tiến hành chỉnh sửa bài dạy thực nghiệm và tổ chức dạy thực nghiệm lần 2 là quy trình chặt chẽ giúp cho bài học khi triển khai trong thực tế được phù hợp với phần đông học sinh.
Ông Lê Hồng Vũ - nguyên Trưởng Phòng GDĐT quận Tây Hồ (Hà Nội) cho rằng, việc Bộ GDĐT tăng cường giám sát quá trình thực nghiệm là cần thiết bởi thực nghiệm chính là một trong những “kênh” phản ánh sát sao, trung thực, khách quan nhất chất lượng và tính phù hợp của SGK mới. Trong đó, việc thực nghiệm SGK càng tiến hành trên diện rộng càng có lợi cho việc phát hiện những sai sót nếu có hoặc rút kinh nghiệm khi giảng dạy trong năm học và cần thực hiện ở các vùng miền khác nhau do đối tượng sử dụng của mỗi bộ SGK là rất rộng, có điều kiện kinh tế xã hội, trình độ tiếp thu khác nhau nên càng thực nghiệm kỹ càng sẽ càng đem lại chất lượng tốt nhất.
Quảng Ninh: Dạy thực nghiệm tài liệu giáo dục địa phương lớp 5
Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh Quảng Ninh vừa tổ chức dạy thực nghiệm tài liệu giáo dục địa phương lớp 5 sử dụng trong các cơ sở giáo dục phổ thông. Thực hiện quy trình biên soạn tài liệu giáo dục địa phương trong chương trình giáo dục phổ thông 2018, để có cơ sở từ thực tiễn dạy và học nhằm hoàn thiện nội dung biên soạn tài liệu giáo dục địa phương lớp 5 của tỉnh. Trong hai ngày 4 và 5/10, Sở Giáo dục và Đào tạo Quảng Ninh tổ chức dạy thực nghiệm tài liệu giáo dục địa phương lớp 5.
Tài liệu giáo dục địa phương lớp 5 tỉnh Quảng Ninh có 8 chủ đề. Việc thực nghiệm được tổ chức tại 4 trường Tiểu học trên địa bàn tỉnh gồm: Trường Tiểu học Cẩm Trung, Trường Tiểu học Cẩm Thủy (TP Cẩm Phả); Trường Tiểu học Lê Lợi, Trường Tiểu học Trần Phú (TP Uông Bí) và được thực hiện 7 tiết với 3 chủ đề: Di tích lịch sử văn hóa tỉnh Quảng Ninh; Những bài hát hay dành cho thiếu nhi Quảng Ninh và Trải nghiệm nghề nghiệp tại địa phương.
Nhìn chung, giáo viên được phân công thực nghiệm các chủ đề trong tài liệu đã có sự chuẩn bị rất kĩ. Nhiều hoạt động học tập được giáo viên thiết kế dưới nhiều hình thức khác nhau nhằm khai khác và truyền tải các mạch nội dung của tài liệu đến với học sinh; đáp ứng năng lực, phẩm chất cần đạt đối với học sinh lớp 5... Sau mỗi tiết dự giờ thực nghiệm, Hội đồng họp đánh giá ưu điểm và hạn chế chủ đề được thực nghiệm một cách chân thực và sát với thực tế giảng dạy. Rất nhiều ý kiến đáng chú ý được đưa ra và thống nhất tại các buổi họp. Đặc biệt năm nay Hội đồng lấy ý kiến từ đại diện các em học sinh các lớp thực nghiệm để có thêm nguồn thông tin thực tế hơn từ người học.
M.K