Sáng 28/2, UBTƯ MTTQ Việt Nam tổ chức phiên họp đầu tiên ra mắt Hội đồng tư vấn Khoa học, Giáo dục và Môi trường khóa IX, nhiệm kỳ 2019-2024 và góp ý vào Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Bảo vệ môi trường. Ông Ngô Sách Thực, Phó Chủ tịch UBTƯ MTTQ Việt Nam dự và chủ trì cuộc họp.
Phó Chủ tịch Ngô Sách Thực phát biểu tại cuộc họp.
Tại cuộc họp, các đại biểu đã được nghe trình bày kế hoạch triển khai chương trình, công tác nhiệm kỳ 2019-2024 và nhiệm vụ trọng tâm năm 2020 của Hội đồng tư vấn Khoa học, Giáo dục và Môi trường.
Theo đó, GS.TS Nguyễn Lân Dũng được phân công làm Chủ nhiệm Hội đồng tư vấn Khoa học, Giáo dục và Môi trường khóa IX. Các Phó Chủ nhiệm gồm GS.TS Nguyễn Ngọc Minh, TS Nguyễn Linh Ngọc.
Về việc góp ý vào dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung Luật Bảo vệ môi trường, GS.TS Nguyễn Lân Dũng, Chủ nhiệm Hội đồng tư vấn Khoa học, Giáo dục và Môi trường cho biết, nhiều chính sách mới về bảo vệ môi trường cần được sửa đổi, bổ sung nhằm khắc phục những vướng mắc, bất cập của công tác bảo vệ môi trường trong giai đoạn hiện nay, đồng thời cập nhật và thể chế hóa kịp thời các quan điểm, chủ trương của Đảng về đổi mới mô hình tăng trưởng, phát triển bền vững đất nước trong điều kiện hội nhập quốc tế sâu rộng.
Theo Viện sĩ, GS.TS Trần Đình Long, Luật cần xác định rõ các loại chất thải, trong đó có các loại chất thải là sản phẩm của công nghệ mới, công nghệ 4.0, đảm bảo tính sát thực với cuộc sống, điều kiện sản xuất hiện tại, đồng thời cần xác định sự quản lý và trách nhiệm quản lý rõ ràng, cụ thể của đầu mối xử lý chất thải.
Quang cảnh cuộc họp.
Ở góc độ khác, ThS Nguyễn Quang Huân cho rằng, việc phân loại rác tại nguồn quy định trong Luật Bảo vệ môi trường cần có thời gian để truyền thông, nâng cao nhận thức cộng đồng và gây phát sinh chi phí trong quản lý, đặc biệt là ở nông thôn và miền núi. Bên cạnh đó, hiện đã có công nghệ có thể xử lý được rác hỗn hợp. Do đó, cần xem xét sự cần thiết của việc phân loại rác tại nguồn.
Phát biểu tại cuộc họp, Phó Chủ tịch Ngô Sách Thực khẳng định, hiện nay chủ trương của Đảng, Nhà nước về vấn đề môi trường là rất rõ ràng. Chúng ta đã có chiến lược bảo vệ môi trường, có hệ thống pháp luật về môi trường, có các cuộc vận động toàn dân tham gia bảo vệ môi trường.
“Bảo vệ môi trường cần có sự vào cuộc của toàn dân và cả hệ thống chính trị” - Phó Chủ tịch Ngô Sách Thực nhấn mạnh.
Để tăng cường hiệu quả của công tác bảo vệ môi trường, Phó Chủ tịch Ngô Sách Thực đề nghị, từ 13 chính sách đã nêu trong tờ trình, các thành viên trong Hội đồng tư vấn cần mở rộng phạm vi nghiên cứu, tìm hiểu sâu hơn những bất cập trong giải quyết ô nhiễm môi trường được người dân quan tâm, phản ánh, từ đó đưa ra những sự điều chỉnh hiệu quả, góp phần hoàn thiện quy định pháp luật về bảo vệ môi trường, tạo hành lang pháp lý đồng bộ về bảo vệ môi trường, thúc đẩy sự phát triển bền vững của đất nước trong giai đoạn mới.