Theo phân tích của các chuyên gia, cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ 4 đang diễn ra mạnh mẽ sẽ có những tác động trực tiếp đến thị trường lao động Việt Nam. Công nghệ sẽ làm biến đổi hoàn toàn đối với một số lĩnh vực về cơ cấu cung cầu lao động, tính chất từng loại công việc, thậm chí cả phương thức từ đi tìm việc làm sang tự tạo việc làm.
Cần dự báo sớm thị trường lao động.
Do đó, để tăng tỉ lệ sinh viên ra trường có việc làm, một trong những yếu tố quan trọng chính là việc thúc đẩy kết nối giữa nhà trường và doanh nghiệp; làm tốt công tác dự báo nhu cầu thị trường lao động.
Còn thiếu gắn kết giữa cơ sở đào tạo với doanh nghiệp
Vấn đề đặt ra hiện nay, là muốn đào tạo nghề đáp ứng yêu cầu của cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 thì trước hết phải hiểu được yếu tố 4.0 trong mỗi ngành nghề cụ thể là gì, nó có tác động ra sao… Đây chính là quan điểm của nhiều chuyên gia tại hội thảo góp ý cho dự thảo Đề án thí điểm đào tạo, đào tạo lại cho người lao động đáp ứng của cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ 4, do Tổng cục Giáo dục nghề nghiệp (GDNN- Bộ LĐTBXH) vừa tổ chức tại TP HCM.
Theo ông Nguyễn Trí Quang - Phó Hiệu trưởng Trường CĐ Du lịch Đà Nẵng, vấn đề hợp tác giữa các trường nghề với doanh nghiệp hiện nay đa số chỉ mới dừng lại ở việc hỗ trợ thực tập. Còn việc DN tham gia đào tạo sâu thì vẫn chưa có. Trong khi đào tạo muốn đáp ứng được yêu cầu của cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 thì không thể thiếu bóng dáng của doanh nghiệp. Đa số công ty hiện nay muốn có nguồn sẵn để tuyển dụng chứ không muốn trực tiếp đào tạo lao động cùng với nhà trường.
Đánh giá về thực trạng giáo dục nghề nghiệp hiện nay, TS Vũ Xuân Hùng - Vụ trưởng Vụ Đào tạo chính quy (Tổng cục GDNN) cho biết, các cơ sở GDNN vẫn chưa có sự chuẩn bị sẵn sàng cho việc đào tạo, chưa chuẩn bị nhân lực đáp ứng yêu cầu của cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ 4. Sự kết nối giữa các cơ sở GDNN và DN trong hoạt động đào tạo, nghiên cứu khoa học và chuyển giao công nghệ còn rất yếu.
Các phân tích khác tại hội thảo cũng cho hay, việc kết nối với DN hiện nay chưa trở thành nhu cầu bức thiết và có sự chỉ đạo đồng thuận từ trên xuống dưới, mà mới chỉ diễn ra lẻ tẻ ở các trường theo kiểu mạnh ai nấy làm. DN chưa mặn mà trong việc hợp tác vì bản thân chưa thấy được trách nhiệm và quyền lợi. Các chính sách khuyến khích DN tham gia đào tạo cũng chưa cụ thể rõ ràng…
Theo TS Vũ Xuân Hùng, thời gian qua Tổng cục GDNN đã lồng ghép các yêu cầu của cuộc cách mạng 4.0 vào các hoạt động đào tạo nghề, như xây dựng trên 150 chuẩn đầu ra các trình độ đào tạo GDNN, trong đó lồng ghép các kỹ năng để đáp ứng yêu cầu của cách mạng 4.0 vào các chuẩn đầu ra, triển khai thực hiện đề án “Ứng dụng công nghệ thông tin trong quản lý, hoạt động dạy và học nghề đến năm 2020”...
Định hướng thị trường lao động
PGS.TS Lê Quang Cảnh - Phó Viện trưởng Viện Phát triển bền vững (Trường ĐH Kinh tế Quốc dân) là người tham gia sâu vào dự án hợp tác Việt Nam - EU thúc đẩy việc làm cho sinh viên tốt nghiệp (EVENT) do Quỹ ERAMUS tài trợ, cho rằng: Lâu nay sinh viên ra trường không kiếm được việc làm có nhiều lý do, trong đó có lý do từ các trường ĐH. Nhưng nếu coi đó là điểm yếu của giáo dục ĐH thì không công bằng cho hệ thống giáo dục ĐH bởi các vấn đề: Việc làm trên thị trường lao động thay đổi rất nhanh vì đó là thị trường, còn chương trình giáo dục trong trường ĐH thì không thể thay đổi nhanh như vậy; giáo dục chỉ có thể cung cấp những kiến thức chung, còn kiến thức cụ thể cho từng lĩnh vực hay yêu cầu của từng phân khúc thị trường lao động/DN phải do chính người lao động và DN trang bị.
Do đó, sinh viên không kiếm được việc làm chưa hẳn là điểm yếu của hệ thống giáo dục ĐH, mà điểm yếu nằm ở công tác dự báo xu hướng thay đổi của thị trường lao động, định hướng và hướng nghiệp cho người học và đào tạo để định hướng thị trường lao động.
Theo PGS.TS Lê Quang Cảnh, để đạt mục tiêu tăng tỉ lệ sinh viên ra trường có việc làm cần có sự nỗ lực của nhiều bên. Riêng ở phía các trường ĐH, trước tiên cần làm tốt công tác dự báo nhu cầu thị trường lao động, đặc biệt là các ngành mới nổi, làm cơ sở cho xây dựng các chương trình đào tạo. Tiếp đó là việc nâng cao chất lượng việc xây dựng và thực hiện chương trình học. Điều này có nghĩa là chương trình tốt, giáo viên tốt, cơ sở vật chất tốt, quản trị chất lượng tốt. Xây dựng cầu nối sinh viên với DN/thị trường lao động thông qua nhiều hoạt động: Xây dựng trung tâm việc làm sinh viên, mang tiếng nói và yêu cầu của DN đến sinh viên, tăng cường thực tập tại DN/cơ quan thực tế. Cùng với đó là xây dựng ngành, chương trình mang tính định hướng thị trường lao động. Đây thể hiện vai trò và trách nhiệm xã hội của trường ĐH định hướng nghiên cứu.