Gần đây dư luận bàn nhiều về đề xuất của Bộ Kế hoạch và Đầu tư trong việc “múc” 2 triệu tấn dầu lên để đảm bảo mục tiêu tăng trưởng 6,7% như mục tiêu của Quốc hội đề ra. Theo PGS.TS Đinh Trọng Thịnh- Trưởng Bộ môn Tài chính quốc tế (Học viện Tài chính), về lâu dài muốn đạt được mục tiêu tăng trưởng bền vững, việc khai thác tài nguyên thiên nhiên để phục vụ mục tiêu đó là không ổn.
Một góc mỏ Rạng Đông.
PV: Thưa ông, Bộ Kế hoạch và Đầu tư vừa đưa ra ý tưởng sẽ khai thác thêm 2 triệu tấn dầu vượt kế hoạch để giữ mục tiêu tăng trưởng kinh tế trong năm nay. Ông có đánh giá thế nào về ý tưởng này?
PGS.TS Đinh Trọng Thịnh: Báo cáo của cơ quan thống kê cho thấy, 6 tháng đầu năm 2016, khoản thu ngân sách nhà nước không cao. Thực tế, chúng ta đã chứng kiến, 6 tháng đầu năm nay, nguồn thu ngân sách thực sự gặp nhiều khó khăn do ảnh hưởng từ nền kinh tế nông nghiệp gặp khó cũng như tăng trưởng trong công nghiệp không được như mọi năm.
Bên cạnh những yếu tố nói trên, Việt Nam đang tham gia sân chơi toàn cầu, hội nhập sâu rộng và toàn diện với nền kinh tế thế giới, tham gia vào các HIệp định thương mại tự do, với các đối tác lớn như Asean, Mỹ, EU… Trong tương lai, các khoản thu thuế cho ngân sách Nhà nước nhiều khả năng sẽ sụt giảm. Về nguyên tắc, khi tham gia các Hiệp định này, chúng ta sẽ phải chấp nhận việc giảm sút trong nguồn thu ngân sách vì thuế suất hầu như về 0%, tuy nhiên sẽ tạo được lượng xuất nhập khẩu lớn hơn nhưng phải cần một thời gian rất lâu dài trong khi thu thuế cho ngân sách đã giảm ngay trước mắt.
Nhìn vào nguồn thu hiện nay, chúng ta chưa thấy có gì để bù đắp được những hao hụt của ngân sách trong tương lai gần. Trong khi đó, với chi ngân sách, chúng ta đã vượt thu rất nhiều. Trong kế hoạch 5 năm tới, chúng ta chi bằng 20 lần kế hoạch của năm 2015. Ngay trong năm 2016 này, chúng ta đã hụt thu và vượt chi nhiều lần. Vì vậy, tăng thu trở thành một nhu cầu cấp bách, do đó nhà quản lý- ở đây cụ thể là Bộ Kế hoạch và Đầu tư đã đề xuất đến việc tăng cường thu từ dầu mỏ trong điều kiện giá dầu hiện nay đã tăng khá cao so với trước đó, lên mức trên 50 USD/ thùng. Nhìn vào khía cạnh giá, thì việc tăng nguồn thu từ dầu cũng khá hợp lý và cũng là cần thiết ở thời điểm này. Song, chúng ta cần phải cân nhắc, tính toán đến nhu cầu về vốn cũng như những yếu tố khác khi mà chúng ta đang phải lựa chọn, một bên là tăng trưởng kinh tế, một bên là tài nguyên thiên nhiên. Đây là sự đánh đổi mà ở xu hướng phát triển hiện đại, tăng trưởng bền vững cần phải là mục tiêu mà tất cả các quốc gia hướng đến, do đó phải cân nhắc rất kỹ lưỡng.
Xin nói rõ hơn rằng, thời gian qua, Chính phủ cũng như các doanh nghiệp (DN) đã nỗ lực trong việc tái cơ cấu nền kinh tế, tái cơ cấu hoạt động sản xuất kinh doanh. Trong các quyết sách của mình, Chính phủ bao giờ cũng hướng đến việc nâng cao năng suất lao động, tạo sức cạnh tranh, làm sao để các DN đẩy mạnh sức cạnh tranh, mang lại hiệu quả sản xuất kinh doanh, đặc biệt, ở thời đại công nghiệp hóa, hiện đại hóa, yêu cầu về tăng trưởng xanh là vấn đề quan trọng được đặt ra đối với mọi nền kinh tế, mọi quốc gia nếu như muốn phát triển bền vững. Do vậy, việc múc dầu lên để đạt được mục tiêu tăng trưởng xem ra lại đang đi ngược với mục tiêu này. Chính vì thế tôi vẫn muốn nhắc lại, việc đánh đổi giữa việc khai thác tài nguyên để phục vụ cho nhu cầu phát triển nền kinh tế với việc đảm bảo phát triển bền vững là hai vấn đề đi ngược với nhau, do đó phải suy xét rất kỹ.
Nhưng thưa ông, đây không phải lần đầu đề xuất việc tăng cường khai thác tài nguyên để phục vụ tăng trưởng kinh tế được đặt ra?
- Chính phủ mới đã quan tâm đến việc làm thế nào để chi tiêu ngân sách nhà nước hợp lý hơn. Lâu nay chúng ta vẫn chứng kiến thực trạng chi vượt thu. Bội chi ngân sách lớn. Đã đến lúc phải xem lại, cân nhắc đầy đủ để đảm bảo hoạt động của bộ máy công quyền, sao cho chi tiêu thường xuyên hợp lý tránh lãng phí. Về đầu tư công, ngân sách nhà nước bỏ vốn ra đã có nhiều thay đổi hơn. Chính phủ mới cũng đang quan tâm xem xét kỹ hơn đầu tư công, đặc biệt quan tâm đến việc xây dựng các công trình cơ bản với mục tiêu làm sao để đầu tư vào những công trình có hiệu quả, tác động tốt đối với nền kinh tế thay vì những công trình to đồ sộ gây lãng phí… Từ đó giúp ổn định ngân sách nhà nước.
Trước đến nay, chúng ta vẫn nói đến cụm từ “lãng phí trong đầu tư công” và Chính phủ mới đang thực sự muốn siết lại thực trạng này. Đầu tư công phải được thực hiện một cách mạnh tay hơn, nghiêm khắc hơn. Từ trước đến nay chỉ quan tâm đến thu, làm sao để thu đủ cho ngân sách mà không lượng được sức mình, rằng, ngân sách có sao thì chỉ nên chi vậy thôi. Từ đó mới dẫn đến tình trạng vung tay quá trán. Chi vô tội vạ để rồi đến khi thu ngân sách hụt lại chỉ nghĩ đến việc đánh đổi, lấy tài nguyên thiên nhiên để bù hụt thu.
Mục tiêu tăng trưởng kinh tế chỉ có thể đạt được như kỳ vọng khi chúng ta xem lại, quan tâm hơn đến cách chi của chúng ta. “Túi anh có một đồng, nhưng anh chi đến 10 đồng, thì anh vẫn mãi là kẻ nghèo khó, rồi anh lại lâm vào tình trạng nợ nần liên miên”. Đấy là lý do tại sao nợ công của chúng ta lại lớn đến như vậy, hiện đã ở con số đáng báo động chứ đừng có ung dung là an toàn nữa. Tôi muốn nhấn mạnh, nếu cứ tiếp tục vung tay quá trán thì rồi đến lúc sẽ không còn tài nguyên, không còn dầu để bù vào nguồn thu nữa đâu. Bởi vậy, quan trọng là làm thế nào để sử dụng nguồn thu ngân sách một cách hợp lý nhất. Mấu chốt là ở đó.
Như ông vừa nói đến thực tế tăng thu mà không tìm giải pháp giảm chi, vậy ông có thể nêu cụ thể giải pháp cho thực trạng này?
- Giảm bội chi cần phải có một cuộc cách mạng về cải cách hành chính chứ không chỉ nói chung chung như thời gian vừa qua. Cải cách thế nào, phải bắt đầu tư nhân sự. Chi tiêu thường xuyên đang chiếm 5% tổng ngân sách nhà nước, con số này lớn hơn các quốc gia trên thế giới rất nhiều. Lãng phí nhưng chi lại không hiệu quả. Vì nhân sự yếu. Các cán bộ công chức nhà nước, ngồi ghế biên chế nhưng nhiều người làm việc không hiệu quả. Vậy tại sao không thay thế những con người không hiệu quả đó. Vấn đề ở đây chính là ở cơ chế “biên chế suốt đời”. Chúng ta vẫn đang sống ở thời kỳ bao cấp mà không thay đổi theo sự chuyển động của thế giới. Tại sao anh làm yếu mà anh vẫn yên vị? Chính là bởi cái biên chế đó. Một anh năng lực kém chỉ có tiền lo chạy chức chạy quyền là có thể ngồi vĩnh viễn vào một vị trí nào đó mà không sợ “mất ghế”. Chính cơ chế này đẩy con người ta vào một sức ỳ lớn, không chịu vận động, không chịu học hỏi nâng cao trình độ…
Cần phải xem lại việc nên đặt ra định mức biên chế, nghĩa là anh không thể ngồi ở một vị trí nào đó suốt đời, nếu anh làm việc không hiệu quả anh phải bị thải loại, thay thế bằng người khác tài giỏi hơn. Nhà nước không thể trả lương cho những đối tượng không làm được việc còn người tài giỏi lại không được sử dụng. Như vậy là chúng ta đang lãng phí nguồn nhân lực. Biên chế suốt đời đang tạo ra hệ lụy của cơ chế xin cho, con ông cháu cha… Như vậy thì bao giờ chúng ta mới phát triển được bằng thế giới. Chúng ta đi sau thế giới dài dài vì cơ chế này.
Trân trọng cảm ơn ông!