Theo thống kê của Ủy ban Giám sát tài chính quốc gia (NFSC) trong năm 2017, tín dụng tiêu dùng (TDTD) tăng tới 65% trong năm qua. Mới đây Ngân hàng Nhà nước cũng khẳng định sẽ chủ động kiểm soát tín dụng ở một số ngành, lĩnh vực tiềm ẩn rủi ro.
Theo ông Phạm Xuân Hòe- phó viện trưởng Viện Chiến lược ngân hàng (NHNN), tỷ trọng dư nợ cho vay tiêu dùng của các công ty tài chính tiêu dùng khoảng 1%. Xuất phát điểm về TDTD ở Việt Nam rất thấp, nên có thể TDTD phải tăng theo số lần, chứ không phải tăng theo phần trăm. Dù mức tăng trưởng là bao nhiêu thì thực tế là nhu cầu của người dân về TDTD vẫn chưa được đáp ứng đầy đủ. Vì vậy, không nên cho rằng, TDTD đang tăng trưởng nóng. Thực tế, TDTD ở nước ta vẫn còn thấp so với nhiều nước trong khu vực và trên thế giới.
Thời gian gần đây các công ty tài chính liên tục xuất hiện, các dịch vụ tài chính cũng được đưa ra rất nhiều. Tuy nhiên, cũng theo ông Hòe, sự xuất hiện của các công ty tài chính tiêu dùng đã đưa đến nguồn cung tín dụng cho nhóm khách hàng dưới chuẩn, không đủ điều kiện vay vốn ngân hàng, làm phong phú hơn cho tín dụng tiêu dùng nước ta. Mà sớm muộn gì thì mô hình này cũng sẽ phát triển mạnh bởi có cầu ắt sẽ có cung. Nếu không phát triển các công ty tài chính tiêu dùng, hoạt động một cách chính thức và Nhà nước có thể quản lý được, thì cho vay nặng lãi sẽ bùng phát.
“Vai trò của TDTD đối với nền kinh tế rất rõ, đó là kích cầu tiêu dùng, kích thích tăng trưởng kinh tế; làm tăng khả năng tiếp cận vốn của nhóm khách hàng dưới chuẩn; giảm nguy cơ tín dụng đen… Tuy nhiên, hiện ở nước ta vẫn còn nhiều ý kiến cho rằng, lãi suất cho vay tiêu dùng, cho vay tín chấp đang ở mức cao. Lãi suất vay tiêu dùng, đặc biệt là cho vay tín chấp cao là điều rất dễ hiểu vì đối tượng vay khác nhau, giá vốn đầu vào và chi phí hoạt động khác nhau. Thực tế, mặt bằng lãi suất của công ty tài chính cao hơn ngân hàng, nhưng khi bóc tách các chi phí sẽ thấy mức lãi suất là hợp lý”- ông Hòe nhấn mạnh.