Tư duy phát triển không phải là chân lý đã hoàn tất mà là một quá trình tiếp tục hoàn thiện- đó là điều được Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nhấn mạnh tại Hội nghị toàn quốc về Phát triển bền vững năm 2018, với chủ đề “Nâng cao năng lực cạnh tranh, hiện thực hoá các mục tiêu phát triển bền vững trong thời kỳ cách mạng Công nghiệp 4.0”.
Khí thải từ các nhà máy không được xử lý trước khi xả, tác động xấu tới môi trường.
Phát triển nhanh và bền vững luôn là mục tiêu phấn đấu của bất cứ quốc gia nào, nhất là trong bối cảnh toàn cầu hóa và cách mạng công nghiệp 4.0. Việt Nam cũng nằm trong xu thế đó, và thực tế cho thấy những năm qua tốc độ tăng trưởng kinh tế của đất nước là khả quan, cho dù gặp nhiều khó khăn, thách thức.
Tuy nhiên, không phải là sự tăng trưởng bằng mọi giá, mà yếu tố bền vững trong quá trình đó luôn được coi trọng. Bởi nếu tăng trưởng nóng nhưng không bền vững, phá hủy môi trường, khiến cho khoảng cách giàu-nghèo ngày một giãn rộng, người nghèo không được hưởng thành quả của sự tăng trưởng; thì cũng không nhiều ý nghĩa, đôi khi còn gây ra nhiều hậu quả xã hội dai dẳng và nguy hiểm.
Phát biểu tại Hội nghị, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc lưu ý: “Trong văn bản thường niên về báo cáo phát triển con người, Chương trình Phát triển Liên hợp quốc UNDP nhấn mạnh, mục tiêu duy nhất là đưa con người vào trọng tâm của quá trình phát triển và chỉ số phát triển con người ra đời từ đó. Tuy nhiên, tư duy phát triển không phải là chân lý đã hoàn tất mà là một quá trình tiếp tục hoàn thiện”.
Trước đó, cuối tháng 3, trong cuộc họp báo kết quả Hội nghị Thượng đỉnh GMS 6- Chương trình hợp tác Tiểu vùng Mekong mở rộng -Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã nhấn mạnh tới tầm nhìn đảm bảo được phát triển bền vững, hài hòa, cân bằng ở khu vực, đồng thời thúc đẩy được phát triển bao trùm, đảm bảo mọi người dân đều hưởng lợi từ quá trình toàn cầu hóa và cuộc cách mạng công nghệ mang lại.
Như vậy có thể thấy, tăng trưởng và phát triển bền vững luôn là chủ trương nhất quán của Chính phủ Việt Nam. Nó là hai mặt của một vấn đề, không thể hy sinh cái này chỉ để đạt được cái kia. Thực tế cho thấy, do nôn nóng tăng trưởng, không ít quốc gia trên thế giới đã phải trả giá đắt về môi trường, cũng như phải giải quyết nhiều vấn đề xã hội mà di họa của nó đều rất lâu dài và khó khắc phục.
Tại Việt Nam, cũng không phải là không có lúc, có nơi chỉ vì móng muốn thúc đẩy tăng trưởng mà dẫn tới việc môi trường bị hủy hoại. Việc một số địa phương “trải thảm đỏ” đón nhà đầu tư không chọn lựa; trong quá trình xét duyệt dự án lại dễ dàng bỏ qua nhiều khâu, trong đó có việc xả thải của các nhà máy; cùng đó là việc bảo vệ quyền lợi cho công nhân cũng như cư dân địa phương. Nhiều dòng sông vốn trong mát thì rồi cũng lâm vào cảnh “dòng sông chết”, nguồn nước ô nhiễm, bốc mùi. Cá chết. Người dân trong vùng không còn mưu sinh được trên dòng sông quê hương mình, phải bỏ xứ ra đi. Nhiều vùng bờ biển cũng bị ô nhiễm do xả thải của nhà máy thép, nhà máy giấy, mà việc khắc phục vô cùng gian nan.
Vấn đề ở chỗ nôn nóng tăng trưởng đi cùng với việc thiếu kiểm tra, giám sát, mà thực chất là thiếu trách nhiệm. Thiếu trách nhiệm với môi trường, với cuộc sống người dân, thiếu trách nhiệm với tương lai. Chỉ vì lợi ích ngắn hạn, lợi ích cá nhân mà hy sinh những điều rất lớn lao.
Phát triển bền vững không đơn giản, vì nó đòi hỏi việc thực thi rất khắt khe, mức độ đầu tư lớn trong khi hiệu quả kinh tế mang lại không phải là tức thời. Nhưng nếu không đi theo hướng này thì hậu quả coi như đã được báo trước.
Cùng với vấn đề môi trường thì yếu tố con người trong quá trình tăng tốc phát triển phải được coi là hệ trọng. Ai cũng muốn mình giàu có lên, gia đình ấm no hơn, hạnh phúc hơn, nhưng không phải ai cũng có “tấm vé” để bước chân lên “con tàu phát triển”. Nhiều năm qua, công cuộc xóa đói giảm nghèo của Việt Nam được thế giới công nhận, coi đó là sự “ngoạn mục” của một đất nước đang phát triển. Nhưng, nguy cơ tái nghèo vẫn còn đó; nguy cơ một bộ phận dân chúng rơi vào cảnh nghèo vẫn còn đó. Nếu không giải quyết được điều đó thì cũng có nghĩa là phát triển không bền vững, có thể dẫn đến bất ổn xã hội.
Bài toán phát triển phải đi liền với bài toán bền vững. Điều đó đòi hỏi một tầm nhìn chiến lược, tinh thần trách nhiệm rất cao, và sâu hơn: đó là tình yêu thương đối với nhân dân mình, đất nước mình.
Trong thời đại công nghiệp 4.0, thì vấn đề tăng tốc phát triển lại càng đặt ra mạnh mẽ, như một đòi hỏi tất yếu. Mà như vậy thì sự thiếu bền vững lại càng mong manh. Làm gì để tránh được hệ lụy mà vẫn phát triển tốt, đó là bài toán khó nhưng không thể né tránh, đòi hỏi một tầm nhìn chiến lược, tinh thần trách nhiệm rất cao, và sâu xa hơn: đó là tình yêu thương đối với nhân dân mình, đất nước mình. |