Với mục đích để các nhà quản lý, cơ quan báo chí, các doanh nghiệp công nghệ thông tin... chia sẻ, thảo luận đưa ra các giải pháp ứng dụng công nghệ phát triển ngành báo chí, truyền thông, ngày 13/11, tại Hà Nội, Bộ Thông tin và Truyền thông đã tổ chức Diễn đàn với chủ đề “Báo chí và Công nghệ”.
Quang cảnh Diễn đàn.
Phát biểu tại Diễn đàn, Bộ trưởng Bộ TTTT Nguyễn Mạnh Hùng nhấn mạnh, đây sẽ là dự án được triển khai theo phương châm xã hội hóa các nguồn nhân lực để có thể đóng góp cho sự phát triển của báo chí và thông qua đó tạo điều kiện cho các tổ chức, doanh nghiệp trong nước góp phần truyền tải các giá trị tốt đẹp đến với xã hội. Bộ trưởng cũng khẳng định, công nghệ số sẽ ảnh hưởng đến lĩnh vực báo chí nhiều nhất, công nghệ số có thể tạo lên Big Bang ở lĩnh vực báo chí truyền thông.
Nhưng hiện nay báo chí đang là người đi sau về công nghệ. Trước những thách thức khác nhau của nhu cầu đổi mới công nghệ, nhiều cơ quan báo chí đã lỗi hẹn: Hoặc đã bỏ cuộc hoặc chưa từng bắt đầu.
Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng cũng cho rằng, thời đại kỹ thuật số sẽ tạo điều kiện cho báo chí tiếp cận những kho dữ liệu quan trọng, tiếp cận những kho báu tri thức và các nguồn tin đa dạng chỉ bằng một cú nhấp chuột. Vì vậy phải đổi mới công nghệ với giải pháp nào? Và quan trọng nữa là với ai? Ai sẽ dẫn đầu công cuộc đổi mới công nghệ trong báo chí? Ai sẽ mang lại được nguồn lực tài chính cần thiết, quan trọng hơn là mô hình hợp tác, chia sẻ nội dung cũng như doanh thu mà nhiều cơ quan báo chí đang trăn trở. Có thể những người làm báo chúng ta nghĩ rằng công nghệ mới thì phức tạp, những không nghĩ rằng công nghệ sẽ giúp cho việc làm nghề của chúng ta đơn giản hơn.
Cũng theo Bộ trưởng, chuyển đổi số báo chí cũng cần có những công ty công nghệ đi bên cạnh hỗ trợ. Việt Nam có những công ty công nghệ số rất mạnh. Không chỉ cung cấp hạ tầng viễn thông, hạ tầng công nghệ thông tin, hạ tầng Cloud... mà còn có thể phát triển các Platforms, các ứng dụng cho báo chí. Nhất là các Platforms dùng chung cho báo chí. Một số công ty đã cam kết đồng hành cùng báo chí trong tiến trình chuyển đổi số, đó là Tập đoàn Viettel, Tập đoàn công nghệ CMC, Yeah1. Đặc biệt, Viettel và CMC sẽ có đội ngũ chuyên biệt phát triển hạ tầng và ứng dụng cho báo chí. Các doanh nghiệp viễn thông vừa qua đã có sự hỗ trợ thiết thực với báo chí, về kết nối và hosting cho báo chí điện tử. Có thể giá trị chưa lớn, nhưng đây là lần đầu tiên, các doanh nghiệp viễn thông và công nghệ thông tin Việt Nam chung tay hỗ trợ báo chí nước nhà.
“Công nghệ số sẽ thay đổi báo chí và ảnh hưởng đến báo chí trong một chặng đường dài. Nhưng chúng ta có niềm tin vững chắc rằng, công nghệ số sẽ giúp cho báo chí thực hiện sứ mạng của mình tốt hơn. Nhưng chúng ta phải thay đổi, trước khi công nghệ chuyển sứ mạng cho một lực lượng thay thế khác”- Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng kỳ vọng.
Cũng tại Diễn đàn, Cục trưởng Cục Báo chí Lưu Đình Phúc cho biết, năm 2018, số lượng phát hành và quảng cáo của báo in tiếp tục giảm, đã ảnh hưởng không nhỏ đến nguồn thu của các cơ quan báo chí. Thị phần quảng cáo trực tuyến ở Việt Nam có tỷ lệ khoảng 70/30, trong đó gần 70% thị phần thuộc về công ty nước ngoài như Facebook, Google... Chỉ trong 10 năm chúng ta mất khoảng 50% thị phần quảng cáo. Hiện nay, các kênh quảng cáo số, đặc biệt là Facebook, Google... đã chiếm đa số chi phí quảng cáo của doanh nghiệp. Vì vậy, nguồn thu của báo chí nói chung sẽ ngày một thu nhỏ lại đến mức các báo không còn nguồn thu. Nhiều tờ báo, đặc biệt là các tờ báo không có bao cấp có nguy cơ phải tự giải thể hoặc thu hẹp. Số khác buộc phải xoay sở bằng các nguồn thu khác như các hoạt động ngoài mặt báo như tổ chức sự kiện, sản xuất nội dung cho Google, Facebook... và vì thế dẫn đến không ít cơ quan báo chí lại coi câu view với việc triệt để khai thác, tăng tần suất các thông tin tầm phào như một giải pháp kinh tế, cùng với những hành vi tiêu cực khác.
Cũng trong khuôn khổ chương trình với sự tham gia của hơn 200 đại biểu đến từ các cơ quan báo chí, các doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực công nghệ, báo chí, truyền thông, marketing, quảng cáo... đã chia sẻ nhiều đề tài, tham luận chuyên sâu về xu hướng và ứng dụng công nghệ trong lĩnh vực báo chí, truyền thông. Trong đó, các nội dung tập trung vào việc ứng dụng công nghệ trí tuệ nhân tạo (AI) trong truyền thông hiện đại; truyền thông báo chí với công tác bảo đảm an toàn, an ninh mạng; chiến lược của báo chí với các thiết bị kích hoạt bằng giọng nói… Nhân dịp này đã diễn ra Lễ ký kết bản ghi nhớ hợp tác dự án “Phát triển Báo chí Việt Nam giai đoạn 2020- 2024” giữa lãnh đạo Cục Báo chí, Cục Phát thanh, Truyền hình, Thông tin điện tử và Tập đoàn Vinamilk.