Ngày 29/12, UBND TPHCM tổ chức hội nghị tổng kết 20 năm thực hiện chương trình bình ổn thị trường giai đoạn 2002 – 2022, định hướng giai đoạn 2022 – 2032.
Theo UBND TPHCM, 20 năm qua chương trình bình ổn thị trường triển khai hiệu quả, đồng bộ các nhóm giải pháp, đảm bảo cân đối cung – cầu hàng hóa, hình thành các chuỗi cung ứng tối ưu, phát triển đồng bộ hệ thống phân phối, kiểm soát hiệu quả thị trường, xử lý, ngăn chặn kịp thời các hiện tượng khan hàng… Qua đó góp phần ổn định giá cả, kiềm chế lạm phát; chỉ số CPI của thành phố thường xuyên ở mức thấp hơn bình quân cả nước. Kết quả, tổng sản lượng hàng bình ổn thị trường ngày càng lớn, chiếm lĩnh thị phần cao, đủ sức điều tiết thị trường và sẵn sàng can thiệp, bổ sung nguồn cung khi có hiện tượng khan hàng, sốt giá. Cụ thể, năm 2022, lượng hàng trứng gia cầm bình ổn thị trường chiếm 79% thị phần, thịt gia cầm chiếm 33,8%, dầu ăn chiếm 28,2%, đường chiếm 21,3%, thịt gia súc chiếm 18,6%...
“Bộ Công thương đánh giá cao công tác chuẩn bị nguồn hàng thông qua huy động nguồn lực trong bối cảnh TPHCM là một trong những địa phương đi đầu thực hiện tham gia cung ứng, tham gia phân phối hàng hóa và tham gia hỗ trợ tín dụng. Chương trình bình ổn thị trường tạo nguồn cung ứng hàng hóa ổn định, chủ động, chất lượng, đủ để chi phối thị trường, phát triển sản xuất và tăng cường hợp tác thương mại, kết nối cung – cầu, phối hợp xây dựng vùng nguyên liệu, tạo nguồn hàng với các tỉnh, thành” - Thứ trưởng Bộ Công thương Phan Thị Thắng nhấn mạnh.
Trong khi đó, ông Phan Văn Mãi – Chủ tịch UBND TPHCM cũng nhìn nhận: “Chương trình bình ổn thị trường của TPHCM lớn mạnh và thay đổi theo chiều hướng tích cực, từ bình ổn giá đã chuyển sang bình ổn thị trường hiệu quả. Ngoài ra chương trình còn hình thành được mạng lưới liên kết giữa TPHCM và các tỉnh thành. Từ đó hình thành nên vùng nguyên liệu cho chuỗi cung ứng, đáp ứng kịp thời nhu cầu người tiêu dùng trong mọi thời điểm”. Cụ thể, thịt heo, thịt gà, trứng gà chủ yếu từ Long An, Đồng Nai, Bình Dương...; thịt vịt, trứng vịt chủ yếu từ các tỉnh Sóc Trăng, Đồng Tháp, Kiên Giang...; rau củ quả từ Lâm Đồng, Tiền Giang; gạo từ An Giang, Cần Thơ, Hậu Giang...
Bà Nguyễn Hồng Thu (phường 15, quận Phú Nhuận) cho biết: “Tôi thường xuyên tìm mua sản phẩm bình ổn thị trường vì giá cả hợp lý, chất lượng đảm bảo. Nhìn chung, nhờ có chương trình này chúng tôi không lo xảy ra tình trạng sốt giá, khan hiếm hàng hóa”. Kỳ vọng nhiều vào chương trình với sản phẩm có mức giá thấp hơn giá thị trường, người tiêu dùng mong muốn chương trình tiếp tục duy trì với nhiều điểm bán mới, mở rộng hơn nữa các mặt hàng bình ổn, không để xảy ra tình trạng khan hiếm hàng hóa, tăng giá đột biến.
Theo lãnh đạo Bộ Công thương, 20 năm qua thành phố triển khai nhiều giải pháp phát triển hạ tầng thương mại. Ghi nhận hạ tầng thương mại thành phố tương đối hoàn thiện so với mặt bằng chung của cả nước. Ước hiện có 10.983 điểm bán hàng bình ổn thị trường. Mặc dù vậy, vẫn còn một số khu vực chưa đáp ứng yêu cầu mua sắm của người dân, đặc biệt tại các quận, huyện ngoại thành, khu công nghiệp, khu chế xuất, khu dân cư tập trung đông người lao động thu nhập thấp.
Nhằm hoàn thiện hơn nữa chương trình bình ổn giá, lãnh đạo UBND TPHCM cũng chỉ ra những hạn chế đòi hỏi chương trình cần khắc phục. Đơn cử, một số mặt hàng như: dầu ăn, đường, thực phẩm tươi sống... chưa ổn định và phụ thuộc nhiều vào diễn biến của thị trường thế giới; chưa tạo được bước ngoặt về năng suất, chưa liên kết chặt chẽ giữa sản xuất – lưu thông – phân phối – tiêu dùng. Đặc biệt, hệ thống nhận diện thương hiệu của chương trình bình ổn giá chưa quen thuộc dẫn đến tình trạng người tiêu dùng chưa chú trọng lựa chọn.