Trước thực trạng nhiều nơi đang phải đối mặt với tình trạng ô nhiễm môi trường từ làng nghề, ô nhiễm rác thải sinh hoạt, khói bụi từ các nhà máy công nghiệp… Nhiều địa phương đã có cách làm sáng tạo huy động sức dân tham gia bảo vệ môi trường, chống biến đổi khí hậu. Nhờ hoạt động này, cảnh quan môi trường của nhiều địa phương ngày càng xanh, sạch, đẹp
Mô hình KDC tự quản bảo vệ môi trường đang ngày càng được nhân rộng.
Ngày cuối tuần xanh
Tính đến nay 63/63 tỉnh, thành phố trong cả nước đã xây dựng các mô hình điểm về bảo vệ môi trường với các loại hình khác nhau. Tiêu biểu như xã Tiên Kiên, huyện Lâm Thao (Phú Thọ) được biết đến là một trong những xã điển hình điểm về công tác bảo vệ môi trường tại cơ sở.
Khi thực hiện việc này, các Ban Công tác Mặt trận thường xuyên đến các gia đình để vận động nhân dân cùng tham gia bảo vệ môi trường gắn với phong trào “5 không 3 sạch” cũng như vận động các hộ gia đình chủ động phân loại, thu gom rác thải, xử lý chất thải, nước thải trong sinh hoạt, chăn nuôi. Nhờ đó, đến nay 100% các hộ gia đình trong xã đã tự nguyện ký cam kết chủ động bảo vệ môi trường ngay từ chính gia đình.
Đã từ 2 năm nay, cứ vào sáng thứ bảy và chủ nhật hàng tuần, hàng trăm người dân ở tất cả các xã, thị trấn trên địa bàn huyện Thanh Trì cùng nhau dọn vệ sinh môi trường nơi công cộng. Công việc được thực hiện theo phương châm “Làm đâu sạch đó” trên tinh thần tự nguyện nên mọi người ai cũng ý thức được việc của mình.
Tuần nào cũng vậy, bà Bùi Thị Gái, xã Ngũ Hiệp đều dậy sớm để cùng mọi người dọn dẹp đường làng ngõ xóm tại khu vực Hồ Tròn. Chia sẻ về công việc của mình, bà Gái cho biết, việc bà cùng mọi người tham gia dọn dẹp vệ sinh chính là một hình thức tuyên truyền sinh động nhất để con cháu và người thân không vứt rác tùy tiện, cùng chung tay bảo vệ môi trường.
Nói về ý thức của người dân trong việc bảo vệ môi trường sống tại địa bàn dân cư, ông Nguyễn Tràng Thắng, Chủ tịch UBND xã Tả Thanh Oai cho biết: Mỗi lần tham gia dọn vệ sinh, xã đều huy động đoàn thanh niên, phụ nữ, MTTQ cùng tham gia. Con sông Nhuệ hàng ngày chảy qua địa bàn xã cũng được mọi người thu gom, dọn dẹp với mong muốn dòng sông có thể trong xanh trở lại như ngày nào. “Tất cả đều làm việc với tinh thần tự nguyện, nên địa phương không phải sử dụng bất kỳ nguồn ngân sách nào để chi trả cho người dân”, ông Thắng nói.
Cần nhân rộng mô hình
Năm 2018, MTTQ Việt Nam sẽ lựa chọn các địa bàn, đối tượng, hình thức giám sát thuộc các lĩnh vực như chấp hành quy định pháp luật về bảo vệ môi trường, khai thác tài nguyên và ứng phó với biến đổi khí hậu; giám sát việc thanh tra, kiểm tra xử lý vi phạm và công khai kết quả thanh tra, kiểm tra về bảo vệ môi trường… Trước những nhiệm vụ đó, UBMTTQ huyện Thanh Trì đã có mô hình ngày thứ bẩy, chủ nhật xanh để huy động người dân cùng tham gia, đây chính là minh chứng rõ nét nhất để khẳng định việc huy động sức dân tham gia bảo vệ môi trường đang đi đúng hướng.
Theo bà Phạm Thị Thu Huyền, phó chủ tịch UBND huyện Thanh Trì, với mục tiêu nâng cao đời sống nhân dân, đặc biệt là cải tạo môi trường sống cho người dân trên địa bàn, UBND - UBMTTQ huyện xác định cần phải tạo chuyển biến rõ nét về môi trường trên địa bàn. Với đặc thù của Thanh Trì là địa bàn trũng thấp, có nhiều ao, hồ nên nguy cơ ô nhiễm, phát sinh dịch bệnh rất cao. Vì vậy, trong mỗi kỳ họp giao ban, những địa phương nào chưa vào cuộc tích cực, phát động phong trào mang tính hình thức sẽ bị nhắc nhở.
Để tổ chức giám sát việc này tốt hơn, Huyện ủy đã chỉ đạo UBND – UBMTTQ huyện phân công cho lãnh đạo, đảng viên giám sát, kiểm tra và tham gia vệ sinh môi trường cùng nhân dân tại các xã, thị trấn. Kế hoạch, địa điểm, thời gian tổ chức tổng vệ sinh đều được ghi rõ ràng để trên cơ sở đó Huyện ủy và Mặt trận đứng ra giám sát. Nếu địa phương nào đăng ký mà không thực hiện hoặc có thực hiện nhưng hiệu quả thấp, huyện sẽ có văn bản nhắc nhở, phê bình.
“Sau hơn1năm duy trì ngày thứ bảy và chủ nhật xanh, huyện đã huy động nhân dân đóng góp gần 12 tỷ đồng để cải tạo, làm sạch sông, hồ, ao trên địa bàn. Toàn huyện đã tổ chức hơn 60 đợt ra quân trọng điểm tổng vệ sinh môi trường, huy động gần 10 nghìn lượt người tham gia phong trào. Đặc biệt, gần 400 hộ dân sinh sống dọc các tuyến sông Nhuệ, sông Tô Lịch đã tự giác tháo dỡ công trình vi phạm, bàn giao mặt bằng để xã, huyện xây dựng các tuyến đường, tạo cảnh quan môi trường xanh - sạch - đẹp…”, bà Huyền nói.
Mô hình huy động sức dân cùng tham gia bảo vệ môi trường là cách làm hay, không chỉ hiệu quả mà còn ít tốn kém chi phí, tạo được sự đồng thuận và nâng cao ý thức cho người dân trong bảo vệ môi trường. Việc làm này tại huyện Thanh Trì đang được nhân rộng tại nhiều địa phương.