Chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam TP Hải Phòng Cao Xuân Liên cho rằng, để triển khai Cuộc vận động “Toàn dân đoàn kết xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh”, MTTQ các cấp phải kiên định, chủ động, sáng tạo, xác định nội dung, lộ trình và những vấn đề trọng tâm, thiết yếu, thiết thực với nhân dân nhằm phát động, tuyên truyền, tổ chức thực hiện, củng cố niềm tin, tạo sự đồng thuận trong nhân dân.
Chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam TP Hải Phòng Cao Xuân Liên.
PV: Thưa ông, phát huy sức mạnh nội lực của nhân dân trong Cuộc vận động “Toàn dân đoàn kết xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh”, thời gian qua, người làm công tác Mặt trận Hải Phòng đã có những giải pháp đổi mới vận động tuyên truyền nhằm tập trung nguồn lực, tạo sự đồng thuận như thế nào?
Ông Cao Xuân Liên: Những năm qua cấp ủy, chính quyền, hệ thống Mặt trận các cấp TP Hải Phòng đã tập trung cao sự lãnh đạo, chỉ đạo hệ thống chính trị từ thành phố đến cơ sở tăng cường công tác vận động nhân dân phát huy cao độ sức mạnh đoàn kết, sự vào cuộc của toàn dân trong thực hiện 5 nội dung Cuộc vận động “Toàn dân đoàn kết xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh”, do UBTƯ MTTQ Việt Nam phát động và đã đạt được những kết quả rất ấn tượng trong phát triển kinh tế - xã hội, giảm nghèo, xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh.
Đặc biệt, hơn 3 năm trở lại đây, với tinh thần chủ động, quyết liệt, dám nghĩ, dám làm, thành phố đã có nhiều đổi mới, kịp thời ban hành các cơ chế, chính sách phù hợp, đúng, trúng, hợp lòng dân, qua đó Hải Phòng đã đạt được những kết quả toàn diện, đột phá trên nhiều lĩnh vực, trở thành một trong những điểm sáng của cả nước về tăng trưởng kinh tế, tăng thu ngân sách. Nông thôn, đô thị được tăng cường đầu tư, chỉnh trang sạch đẹp, bộ mặt thành phố đổi thay nhanh chóng theo hướng hiện đại văn minh, an sinh xã hội được chăm lo, khối đại đoàn kết toàn dân được tăng cường và phát huy.
Cuộc vận động “Toàn dân đoàn kết xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh” được triển khai tại thành phố Hải Phòng đã thực sự trở thành làn sóng của niềm tin và sự đồng thuận xã hội theo phương châm “Dân làm, Dân thụ hưởng”, ông có thể chia sẻ về điều này?
- Để cuộc vận động được triển khai đồng bộ, hiệu quả, hệ thống Mặt trận, các tổ chức thành viên đã chú trọng làm tốt công tác tuyên truyền, vận động sâu rộng làm cho mọi người, mọi nhà thấy rõ lợi ích và trách nhiệm, đặt người dân vào vị trí là chủ và làm chủ để tự giác vào cuộc, tích cực tham gia. Trong quá trình triển khai luôn chú trọng, lấy địa bàn thôn, tổ dân phố, khu dân cư làm đối tượng tác động. Phát huy cao độ Quy chế dân chủ ở cơ sở và vai trò của Mặt trận trong phối hợp thống nhất hành động. Đề cao hoạt động tự quản, giám sát phản biện xã hội, nhân rộng mô hình hay, cách làm sáng tạo làm lan tỏa sự đồng thuận đến từng người dân, tạo sức mạnh to lớn cả về nguồn lực và sức sáng tạo của nhân dân.
MTTQ các cấp luôn chú trọng lựa chọn những nội dung thiết thực, hiệu quả gắn với lợi ích thiết thực của nhân dân, cách làm này đã nhận được sự đồng tình hưởng ứng cao của các tầng lớp nhân dân, củng cố thêm niềm tin và sự đồng thuận xã hội. Nhân dân khu vực nông thôn đã tự nguyện đóng góp gần 33 tỷ đồng, hiến trên 95 nghìn m2 đất thổ cư, xây dựng 29.572 tuyến đường giao thông nông thôn, giao thông nội đồng với chiều dài gần 3500 km, trồng trên 20 nghìn cây xanh. Nhiều địa phương triển khai mô hình sản xuất nông nghiệp công nghệ cao, phát triển mạnh kinh tế trang trại, gia trại, kinh doanh dịch vụ, làng nghề truyền thống... Từ phong trào “Đoàn kết giúp nhau phát triển sản xuất làm kinh tế gia đình” đã có 82.116/84.731 hộ gia đình nông thôn đăng kí đạt danh hiệu sản xuất, kinh doanh giỏi. Qua đó đã giúp trên 1.600 hộ nông dân thoát nghèo, hàng chục ngàn lượt người có việc làm ổn định, nhiều hộ nghèo vươn lên trung bình và khá. Phấn đấu đến hết năm 2019, 100% các xã của thành phố về đích nông thôn mới, 2 huyện đạt chuẩn huyện nông thôn mới.
Đối với việc xây dựng đô thị văn minh, các cấp, ngành quan tâm triển khai đảm bảo cả 2 yếu tố, hiện đại và văn minh. 3 năm qua được coi là giai đoạn bứt phá trong phát triển mở rộng không gian và chỉnh trang đô thị ở Hải Phòng, với sự vào cuộc tích cực của các tầng lớp nhân dân, nhất là công tác giải phóng mặt bằng đẩy nhanh tiến độ các công trình hạ tầng giao thông đô thị, xây dựng lại các chung cư xuống cấp. Nhân dân khu vực nội thành đã tự nguyện hiến đất, đóng góp vật tư, nhân công, tổ chức giám sát cải tạo, nâng cấp 1.350 ngõ, ngách với tổng chiều dài 152,8 km, trồng mới trên 6.000 cây xanh, lắp hàng ngàn cột đèn chiếu sáng công cộng...
Đường nông thôn mới xã Tân Hưng, huyện Vĩnh Bảo (Hải Phòng) được xây dựng theo cơ chế TP hỗ trợ xi măng.
Theo ông, Hải Phòng đã có những cơ chế khác biệt gì trong Chương trình xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh?
- Triển khai các nội dung trong chương trình “Xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh”, thành phố đã ban hành nhiều cơ chế theo hướng chủ yếu là hỗ trợ, các địa phương và nhân dân bàn, lựa chọn cách làm, huy động nguồn lực phù hợp tình hình từng địa phương. Nổi bật nhất là cơ chế hỗ trợ xi măng được cấp phát, giao nhận theo tiến độ thực hiện của từng hạng mục công trình trên cơ sở cam kết đối ứng của từng quận, huyện, xã, phường, thị trấn và khả năng thực hiện của người dân theo nguyên tắc tự nguyện.
Thành phố nghiêm cấm các địa phương chạy theo thành tích dẫn đến huy động quá sức dân, phát sinh nợ xây dựng cơ bản. Bên cạnh đó TP còn hỗ trợ cây xanh phục vụ Chương trình xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh… những cơ chế đó đã tạo động lực, cổ vũ nhân dân tích cực tham gia đóng góp nguồn lực tiến hành làm mới, cải tạo, nâng cấp hệ thống giao thông nông thôn, giao thông nội đồng, mở rộng, chỉnh trang đường, ngõ đô thị.
Tới nay, thành phố đã hỗ trợ trên 450 nghìn tấn xi măng, tương ứng số tiền gần 700 tỷ đồng, với sự hưởng ứng tham gia của hơn 300 nghìn hộ dân, tổng mức đóng góp trực tiếp của nhân dân là trên 2.900 tỷ đồng, trong đó rất nhiều gia đình có đóng góp từ 10 triệu đồng đến 500 triệu đồng, đặc biệt có những gia đình đóng góp trên 1 tỷ đồng. Nhiều bà con Hải Phòng xa quê hương đã tích cực hưởng ứng và có những đóng góp đáng trân trọng vào Chương trình xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh của thành phố. Hiệu quả từ cách làm trên đã tiết kiệm lớn nguồn chi ngân sách của thành phố.
Nhất là trong quá trình triển khai Cuộc vận động, Mặt trận Tổ quốc các cấp đã tích cực phối hợp với cơ quan chính quyền, các ngành, các đoàn thể kiên trì tuyên truyền, vận động, thuyết phục người dân di dời, giải phóng mặt bằng, thu hồi trên 4.550 ha đất liên quan đến trên 70 nghìn hộ gia đình bị ảnh hưởng, trong đó có gần 10 nghìn hộ phải thu hồi hoàn toàn để triển khai các dự án phục vụ mục tiêu phát triển kinh tế- xã hội, xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh, được nhân dân chấp hành, không xảy ra điểm nóng.
Từ thực tiễn triển khai Cuộc vận động xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh ở Hải Phòng có thể rút ra một số bài học kinh nghiệm gì?
- Tôi cho rằng, để triển khai Cuộc vận động “Toàn dân đoàn kết xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh”, MTTQ các cấp phải kiên định, chủ động, sáng tạo, xác định nội dung, lộ trình và những vấn đề trọng tâm, thiết yếu, thiết thực với nhân dân để phát động, tuyên truyền, tổ chức thực hiện, củng cố niềm tin, tạo sự đồng thuận trong nhân dân. Đặc biệt là sự chủ động thực hiện tốt Quy chế phối hợp giữa Mặt trận với chính quyền cùng cấp theo quy định để “lắng nghe ý kiến nhân dân”, đối thoại “giải quyết nguyện vọng chính đáng của nhân dân”. Phát huy quyền làm chủ của nhân dân, thực hiện thật tốt phương châm “dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra” gắn với “dân thụ hưởng”.
Trân trọng cảm ơn ông!