Không gian văn hoá sáng tạo không chỉ đem lại doanh thu hàng tỷ USD mà còn là nhân tố chủ lực tạo nên tầm ảnh hưởng của một quốc gia. Tuy nhiên, ở Việt Nam, đặc biệt là Hà Nội những tiềm năng này mới chỉ ở những bước khởi động và đang cần có những cơ chế, chính sách phù hợp để tạo đà phát triển.
Những tiềm năng bị “bỏ quên”
Hà Nội được công nhận là thành phố sáng tạo vào năm 2019 đang mở ra cơ hội phát huy những giá trị văn hoá, lịch sử, cũng như là cơ hội để phát triển kinh tế. Với hệ thống hàng nghìn di sản dày đặc, kết cấu hạ tầng văn hóa phong phú, mạng lưới 1.350 làng nghề thủ công trải khắp vùng ngoại ô, cùng cộng đồng sáng tạo gồm các nhà thiết kế, nghệ sĩ, nhà đổi mới khoa học công nghệ…, Hà Nội đang trở thành nơi nuôi dưỡng, hội tụ và thúc đẩy sự sáng tạo các sản phẩm và dịch vụ công nghiệp văn hóa.
Bên cạnh đó, các nguồn tài nguyên văn hóa có mặt ở mọi lĩnh vực, từ hạ tầng đô thị với kiến trúc “nhiều lớp lịch sử” đến hạ tầng văn hóa đa dạng, phong phú như Hoàng thành Thăng Long hay các công trình mang phong cách kiến trúc bản địa như Nhà hát Lớn Hà Nội, Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam đã góp phần tạo nên sự gắn kết hài hòa trong đời sống giữa tự nhiên với con người.
Cùng với đó, sự đa dạng của các sản phẩm thủ công như gốm Bát Tràng, lụa Vạn Phúc, sơn mài Hạ Thái… đã có mặt ở khắp nơi trong thành phố cùng với mạng lưới không gian sáng tạo độc đáo đã tạo nên bản sắc riêng có của Hà Nội trong cách thành phố lưu giữ truyền thống, định hình hiện tại và hướng tới tương lai.
Tuy nhiên, với những gì đang có, Hà Nội sẽ khó trở thành một trong những thủ đô văn hóa và sáng tạo trong tương lai nếu chỉ đơn thuần dựa vào những con số, địa chỉ mang tính “thành tích” như vậy.
Dưới góc nhìn của một chuyên gia nhiều năm sinh sống tại nước ngoài, ông Trương Quốc Toàn - Cơ quan Hợp tác quốc tế Vùng Paris tại Việt Nam cho rằng, đã đến lúc cần sàng lọc một cách thận trọng để tìm ra những “ứng viên” thực sự có tiềm năng đóng góp cho mục tiêu phát triển công nghiệp văn hóa, từ đó tập trung nguồn lực để nâng tầm thành những sự kiện văn hoá quy mô lớn.
Bên cạnh đó cũng cần tiếp tục huy động các chủ thể trong xã hội, từ cơ quan chuyên môn văn hóa đến các doanh nghiệp, hội nhóm có đam mê với công nghiệp văn hóa để tìm kiếm những ý tưởng mới về lễ hội hoặc sự kiện văn hóa, thể thao hoặc giải trí có quy mô lớn và tầm ảnh hưởng quốc tế.
Khai thác “kho tàng” tiềm ẩn
Thực tế cho thấy, với những tiềm năng và các “tài sản” đang sở hữu, Hà Nội nói riêng và Việt Nam chung đang có nhiều cơ hội để phát huy những sáng tạo văn hóa. Dẫn chứng từ thực tế - TS Lê Xuân Kiêu, Giám đốc Trung tâm Hoạt động Văn hóa Khoa học Văn Miếu - Quốc Tử Giám cho rằng: Để Văn Miếu - Quốc Tử Giám từng bước trở thành không gian sáng tạo, hình thành được văn hóa sáng tạo thì trước hết phải thay đổi nhận thức, từ tư duy quản lý di tích theo kiểu cũ, đóng, mở cửa di tích chuyển sang tư duy phát huy các giá trị của di tích với những sản phẩm, hoạt động mang tính sáng tạo…
Trên cơ sở đó, để hình thành nên những giá trị mới cho cộng đồng, cho xã hội, đưa giá trị di sản mang hơi thở của cuộc sống đương đại với sự đa dạng về nhu cầu và mong muốn được tiếp cận những giá trị mang bề dày của văn hóa đã tạo dựng trong hàng nghìn năm.
“Không gian sáng tạo Văn Miếu - Quốc Tử Giám cần có sự hiện diện của nhiều không gian sáng tạo khác, các nhóm sáng tạo và các tổ chức, cá nhân tham gia quá trình sáng tạo. Cho nên, cần có sự kết nối mạnh mẽ, hiệu quả, bền vững giữa các không gian sáng tạo, giữa các nhà sáng tạo với Văn Miếu - Quốc Tử Giám” - TS Lê Xuân Kiêu nói.
Đồng quan điểm, hoạ sĩ Nguyễn Thế Sơn - Đại học Mỹ thuật Việt Nam cho rằng, khi những ngành văn hoá sáng tạo được coi là một lĩnh vực có thể đầu tư phát triển kinh tế, lúc đó nền công nghiệp không khói này mới bắt đầu được coi là đi vào hoạt động thực chất. Điều này ở Việt Nam mới chỉ bắt đầu manh nha ở những giai đoạn đầu dò dẫm tìm đường của doanh nghiệp.
Vai trò của các hội đoàn trong lĩnh vực văn hóa nghệ thuật dần xa dời thực tế. Đã có rất nhiều bài học chúng ta có thể nhìn ra từ hoạt động các hội như bên điện ảnh, mỹ thuật… hầu như rất lạc lõng thiếu sức sống trong đời sống xã hội.
“Khối tư nhân, doanh nghiệp nên được quyền tham gia tiếp cận sâu hơn vào quá trình hình thành nền công nghiệp này. Chỉ khi nào hình thành nên sự cạnh tranh nhất định trong thị trường, thì động lực sáng tạo trong các lĩnh vực ngành nghề sáng tạo mới tạo nên sự đột phá trong bức tranh toàn cảnh” - hoạ sĩ Nguyễn Thế Sơn bày tỏ.
Ông Trương Quốc Toàn cho rằng, về lâu dài, việc xác định rõ mục tiêu phát triển công nghiệp văn hóa phải song hành với các chiến lược phát triển đô thị. Với quy mô và tần suất tổ chức các lễ hội và sự kiện văn hoá ngày càng tăng, chắc chắn chất lượng đầu tư quy hoạch và chỉnh trang các không gian công cộng cũng sẽ từng bước được nâng cao và sức sống sôi động của mỗi khu phố, mỗi không gian văn hoá cũng sẽ ngày càng gia tăng chất lượng.