Cuối tuần qua, Tổng cục Giáo dục nghề nghiệp (Bộ LĐTBXH) đã tổ chức Ngày hội khởi nghiệp đổi mới sáng tạo vùng Đồng bằng sông Hồng và Trung du miền núi phía Bắc tại Hà Nội. Đây không chỉ là một trong chuỗi sự kiện hướng tới Ngày hội Khởi nghiệp quốc gia năm 2019, sự kiện này là khởi đầu đánh dấu sự vào cuộc, tham gia của các dự án khởi nghiệp sáng tạo đến từ các trường nghề.
Kết nối với doanh nghiệp
Ông Đỗ Năng Khánh- Phó Tổng cục trưởng Tổng cục GDNN cho biết, hệ thống GDNN có khoảng 2.000 cơ sở đào tạo, đóng vai trò quan trọng trong việc nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, đáp ứng nhu cầu của thị trường lao động. Trong số đó, không ít học sinh, sinh viên sau khi ra trường có thể tự tạo việc làm, khởi nghiệp. Quyết định số 1665/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ về việc phê duyệt Đề án “Hỗ trợ học sinh, sinh viên khởi nghiệp đến năm 2025” và Quyết định 844/QĐ-TTg phê duyệt Đề án “Hỗ trợ hệ sinh thái khởi nghiệp đổi mới sáng tạo quốc gia đến năm 2025” đã mở ra không gian rộng lớn hỗ trợ học sinh, sinh viên chủ động sáng tạo, đồng thời đây cũng là cơ sở để các trường nghề nâng cao chất lượng đào tạo.
Ông Khánh nhấn mạnh, gắn kết GDNN với doanh nghiệp hiện được coi là một trong các giải pháp trọng tâm của lĩnh vực dạy nghề. Tổng cục GDNN đã chỉ đạo các cơ sở đào tạo tăng cường hợp tác với doanh nghiệp từ tuyển sinh đến thực hành, thực tập và tuyển dụng, sử dụng lao động. Khởi nghiệp đang là xu thế không chỉ ở Việt Nam mà trên toàn cầu, điều này đòi hỏi các cơ sở GDNN không thể đứng ngoài cuộc. Do đó, Ngày hội Khởi nghiệp đổi mới sáng tạo vùng đồng bằng sông Hồng và Trung du miền núi phía Bắc được tổ chức tại Trường CĐ Công nghệ cao Hà Nội sẽ là cầu nối đưa các dự án khởi nghiệp của các trường nghề đến với các nhà đầu tư. Đây cũng là sự kiện giúp các trường cập nhật các xu thế mới nhất đang diễn ra về công nghệ trong và ngoài nước.
Hình thành kỹ năng khởi nghiệp
5 dự án được trao giải tại Ngày hội Khởi nghiệp đổi mới sáng tạo vùng Đồng bằng sông Hồng và Trung du miền núi phía Bắc vừa qua sẽ tiếp tục tham gia Cuộc thi Ngày hội Khởi nghiệp quốc gia diễn ra tại Hạ Long từ ngày 4/12 đến ngày 6/12/2019. Sự kiện này là khởi đầu đánh dấu sự vào cuộc, tham gia của các dự án khởi nghiệp sáng tạo đến từ các trường nghề.
Ông Trần Văn Tùng- Thứ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ chia sẻ, Ngày hội Khởi nghiệp được tổ chức với mong muốn các chuyên gia về công nghệ và khởi nghiệp đổi mới sáng tạo chia sẻ kinh nghiệm, sáng kiến và công cụ hỗ trợ khởi nghiệp, từ đó hình thành kỹ năng cho cộng đồng khởi nghiệp, thu hút nhà đầu tư. Tại cuộc thi tìm kiếm tài năng khởi nghiệp đổi mới sáng tạo tại các trường, nhiều startup cũng được đào tạo kỹ năng thuyết trình, gọi vốn đầu tư cũng như trình bày ý tưởng của mình.
Ông Phạm Hồng Quất- Cục trưởng Cục Phát triển thị trường và doanh nghiệp khoa học và công nghệ (Bộ Khoa học và Công nghệ) đánh giá cao những ý kiến, những đề xuất của đại diện các trường nghề trong vùng Đồng bằng sông Hồng và Trung du miền núi phía Bắc. Ông Quất cho hay, đơn vị này sẽ cùng phối hợp với Tổng cục GDNN và các cơ sở GDNN quyết tâm tạo sức lan tỏa về phong trào khởi nghiệp sáng tạo trong hệ thống các cơ sở GDNN từ cuộc thi này.
Tại Ngày hội Khởi nghiệp đổi mới sáng tạo nói trên, Ban tổ chức đã công bố và trao 1 giải nhất cho Dự án Brick one - Mô hình đào tạo cơ điện tử dành cho học sinh phổ thông của Trưởng ĐH Bách Khoa Hà Nội; 1 giải nhì cho Dự án Giải pháp quảng cáo và xúc tiến thương hiệu đối với doanh nghiệp nhỏ và vừa Việt Nam trong bối cảnh hội nhập công nghệ 4.0, gọi tắt là “Chương trình hỗ trợ doanh nghiệp Việt” của Cty cổ phần HP 102 Việt Nam; 3 giải Ba, bao gồm: Dự án Máy phát hiện nhanh tác nhân gây bệnh thực phẩm của Trường CĐ nghề Công nghiệp Bắc Ninh, Dự án Bộ mô hình giáo dục STEM điện - điện tử của Trường CĐ nghề Công nghệ cao Hà Nội, Dự án Bộ đo lường - giám sát và điều khiển điện năng, ứng dụng công nghệ IoT của Trường CĐ nghề Công nghệ cao Hà Nội.