Kinh tế

Tạo lực đẩy để nền kinh tế cất cánh

Nhóm phóng viên 28/04/2024 15:48

Tốc độ tăng trưởng GDP quý I các năm 2020 - 2023 lần lượt là: 3,21%; 4,85%; 5,12%; 3,41%. Quý I/2024 bật tăng lên 5,66%; cao nhất trong vòng 4 năm qua. Đó là con số do Tổng cục Thống kê đưa ra, cho thấy triển vọng tốt đẹp của GDP trong năm 2024 nhiều khó khăn, thách thức.

anh-bai-chinh.jpg
Hệ thống cảng biển Việt Nam đang ngày càng hiện đại hóa (Trong ảnh: Cảng Tân Vũ, Hải Phòng). Ảnh: Quang Vinh.

Quý I năm nay, sản xuất công nghiệp tiếp đà khởi sắc, hoạt động thương mại dịch vụ sôi động đẩy tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng tăng 8,2%... Đó là dấu hiệu rất tích cực trong bối cảnh khó khăn bao trùm kinh tế thế giới những tháng đầu năm nay.

Tăng trưởng đi cùng an sinh xã hội

Đóng góp vào tốc độ tăng trưởng GDP cả nước, lãnh đạo Tổng cục Thống kê cho biết, quý I/2024, khu vực nông, lâm nghiệp và thủy sản tăng 2,98%, đóng góp 6,09% vào mức tăng tổng giá trị tăng thêm của toàn nền kinh tế. Khu vực công nghiệp và xây dựng tăng 6,28%, đóng góp 41,68%. Khu vực dịch vụ tăng 6,12%, đóng góp 52,23%.

Chỉ số sản xuất công nghiệp quý I/2024 so với cùng kỳ năm trước tăng ở 54/63 địa phương cả nước. Một số địa phương nổi bật có chỉ số sản xuất của ngành công nghiệp chế biến, chế tạo tăng cao so với cùng kỳ năm trước là: Quảng Ninh tăng 39,9%; Phú Thọ tăng 27,7%; Bắc Giang tăng 24%; Thanh Hóa tăng 18,6%; Hà Nam tăng 17,9%; Ninh Thuận tăng 17,4%; Tây Ninh tăng 14,4%; Hải Dương tăng 12,8%.

Những tháng đầu năm 2024, dù kinh tế còn nhiều khó khăn, nhưng an sinh xã hội được Chính phủ rất chú trọng. Những con số thống kê cho thấy mức thu nhập bình quân của người lao động tăng. Lực lượng lao động từ 15 tuổi trở lên của cả nước quý I/2024 ước tính là 52,4 triệu người, giảm 137.400 người so với quý trước và tăng 175.800 người so với cùng kỳ năm trước. Tỷ lệ lao động qua đào tạo có bằng, chứng chỉ quý I/2024 là 27,8%.

Lao động có việc làm quý I/2024 ước tính là 51,3 triệu người, giảm 127.000 người so với quý trước và tăng 174.100 người so với cùng kỳ năm trước. Tỷ lệ thiếu việc làm trong độ tuổi lao động quý I/2024 là 2,03% (khu vực thành thị là 1,20%, khu vực nông thôn là 2,58%); tỷ lệ thất nghiệp trong độ tuổi lao động quý I/2024 là 2,24% (khu vực thành thị là 2,64%; khu vực nông thôn là 1,99%); tỷ lệ thất nghiệp của thanh niên (từ 15 - 24 tuổi) quý I/2024 là 7,99%.

Đáng chú ý, trong nền chung đó, thu nhập bình quân của lao động quý I/2024 là 7,6 triệu đồng/tháng; tăng 301.000 đồng so với quý IV/2023 và tăng 549.000 đồng so với cùng kỳ năm 2023.

Trong khi đó, đời sống dân cư trong quý I năm nay cũng được cải thiện hơn. Theo kết quả khảo sát, thu nhập bình quân đầu người (khu dân cư) quý I/2024 ước đạt 5,2 triệu đồng/tháng, tăng khoảng 8% so với quý trước và tăng 10% so với cùng kỳ năm 2023.

Phát triển thị trường nội địa, hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa

Nói với truyền thông, GS.TS Ngô Thắng Lợi (Trường Đại học Kinh tế quốc dân) cho rằng, kể từ khi đại dịch Covid-19 xảy ra thì quý I năm nay hoạt động sản xuất, kinh doanh lại thuận lợi nhất. Các con số thống kê sơ bộ đã nói lên điều này. GS Lợi dẫn số liệu của Bộ Kế hoạch và Đầu tư, trong 3 tháng (tính đến ngày 20/3), tổng vốn đầu tư nước ngoài đăng ký đạt hơn 6,17 tỷ USD, tăng 13,4% so với cùng kỳ năm 2023. Trong đó, vốn đăng ký mới đạt trên 4,77 tỷ USD, tăng gần 58% so với cùng kỳ năm ngoái. Đáng lưu ý là, ngành kinh doanh bất động sản thu hút hơn 1,58 tỷ USD vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI), chiếm 25,6% tổng vốn FDI đăng ký mới, gấp gần 2,1 lần so với cùng kỳ, báo hiệu thị trường bất động sản bước vào giai đoạn phục hồi và tăng trưởng sẽ kéo theo hàng loạt ngành nghề, lĩnh vực, kinh doanh khác phát triển.

Hoạt động xuất - nhập khẩu tiếp tục được cải thiện. Số liệu của Tổng cục Hải quan cho biết, trong quý I năm nay (tính đến ngày 15/3), xuất khẩu tăng 20,6% với 5,88 tỷ USD; nhập khẩu tăng 16,2% với 69,71 tỷ USD.

GS Ngô Thắng Lợi cũng cho biết, thực tế là khá sáng khi nhiều doanh nghiệp (DN) cho biết đã ký được đơn hàng xuất khẩu, bảo đảm hoạt động sản xuất cho đến hết tháng 6/2024. Không ít DN đã có đủ đơn hàng đến hết quý III năm nay. Cứ nhìn vào hiện tượng DN đang thiếu lao động, lao động được làm tăng ca, sẽ thấy bức tranh kinh tế quý I năm nay trái ngược hoàn toàn với bối cảnh diễn ra từ tháng 7/2022 đến tận tháng 4/2023.

Đánh giá cao kết quả xuất khẩu, GS Lợi cũng cho rằng cần phải tìm cách phát triển, tăng cầu nội địa. Quy mô dân số nước ta hơn 100 triệu người, chưa kể năm nay đặt mục tiêu đón 17 - 18 triệu lượt khách du lịch quốc tế và hiện có hàng triệu người nước ngoài đang sinh sống và làm việc tại Việt Nam. Có thể nói, quy mô thị trường nội địa rất lớn. Cùng với việc phát triển thị trường nội địa, phải có chính sách thiết thực hỗ trợ DN nhỏ và vừa, trước hết là ưu đãi thuế thu nhập DN. Trước ngày 1/1/2016, DN phải đóng thuế thu nhập phổ thông là 22%, nhưng DN nhỏ và vừa (có doanh thu dưới 20 tỷ đồng/năm) được hưởng thuế suất 20%. Nhưng kể từ ngày 1/6/2016 trở đi, tất cả DN, không phân biệt quy mô, đều phải đóng thuế thu nhập 20%.

“Như vậy, không còn chính sách hỗ trợ, ưu đãi cho DN nhỏ và vừa. Thậm chí, những DN này còn bất lợi hơn so với DN lớn, đặc biệt là DN FDI, do không được hưởng các chính sách ưu đãi. Để hỗ trợ DN nhỏ và vừa, theo tôi, nên đưa ra mức thuế phổ thông 10% cho doanh thu 20 tỷ đồng/năm và từ mức này trở đi đánh thuế lũy tiến tương tự cách đánh thuế thu nhập cá nhân. Như vậy sẽ tạo động lực phát triển DN, là nền tảng để kinh tế tăng trưởng bền vững” - GS Ngô Thắng Lợi nói.

Động lực tăng trưởng GDP năm 2024

Theo ông Lê Trung Hiếu - Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Thống kê, hoạt động sản xuất, kinh doanh đang tốt dần lên là động lực để hoàn thành mục tiêu tăng trưởng 6,0 - 6,5% trong năm 2024.

Ông Hiếu cho biết, ngay từ quý IV/2022, Chính phủ, các bộ, ngành, giới chuyên gia đã mường tượng ra khó khăn của năm 2023, nhưng thực tế còn khó khăn hơn rất nhiều so với dự tính. Đi cùng với bất ổn về địa chính trị là lạm phát tăng cao, ngân hàng trung ương nhiều nước thực hiện chính sách tiền tệ thắt chặt nhằm kiềm chế lạm phát; nợ công thế giới đã tăng lên mức kỷ lục; nhu cầu thế giới giảm; chi phí nguyên, nhiên, vật liệu tăng cao; chuỗi cung ứng thiếu ổn định…

Đối mặt với những khó khăn, thách thức từ tình hình thế giới, cùng với những trở ngại của yếu tố nội tại, độ mở của nền kinh tế lớn, năng lực cạnh tranh và sức chống chịu trước các cú sốc từ bên ngoài còn hạn chế, nhưng Việt Nam vẫn đạt kết quả đáng khích lệ với mức tăng trưởng 5,05% trong năm 2023. Đặc biệt, tăng trưởng GDP đã đi vào “quỹ đạo” vốn có là quý sau tăng trưởng cao hơn quý trước (quý I tăng 3,41%; quý II tăng 4,25%; quý III tăng 5,47% và quý IV tăng 6,72%).

Nói về việc lĩnh vực đầu tàu, ông Hiếu cho rằng dẫn dắt nền kinh tế trong năm 2023 không phải là các động lực tăng trưởng truyền thống như công nghiệp chế biến, chế tạo; xuất nhập khẩu; khu vực đầu tư trực tiếp nước ngoài... mà đến từ khu vực dịch vụ, đầu tư công, du lịch nội địa, khu vực nông, lâm nghiệp và thủy sản. Dự liệu về nền kinh tế trong năm nay, ông Hiếu cho rằng áp lực từ giá dầu thô, lương thực biến động mạnh, tăng lãi suất kéo dài ở nhiều quốc gia… dẫn đến khả năng phục hồi của kinh tế toàn cầu chưa rõ ràng.

Trong bối cảnh đó, dự báo kinh tế Việt Nam năm 2024 vẫn phải đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức, song vẫn có cơ hội phục hồi tích cực hơn khi các chính sách hỗ có tác động rõ nét hơn vào nền kinh tế; các động lực về đầu tư (bao gồm cả đầu tư tư nhân, đầu tư trực tiếp nước ngoài, đầu tư công, DN nhà nước), tiêu dùng, du lịch và xuất khẩu tiếp tục được thúc đẩy mạnh mẽ; các vấn đề tồn đọng, bất cập kéo dài được tập trung tháo gỡ, chuyển biến tích cực hơn trong năm 2024, nhất là vướng mắc DN, dự án đầu tư, thị trường bất động sản, trái phiếu DN.

Ông Hiếu cũng cho rằng, mục tiêu tốc độ tăng trưởng GDP đạt 6 - 6,5% năm 2024 là một thách thức rất lớn cho kinh tế Việt Nam. Tuy nhiên, năm 2024 cũng là năm bứt phá của chặng đường kinh tế 5 năm 2021 - 2025. Do đó, Chính phủ, các bộ, ngành, địa phương sẽ dốc toàn lực cho chặng đường về đích này. Đây có thể là những thuận lợi mang tính chủ quan, nhưng cũng là áp lực lớn cho hoạt động kinh tế của đất nước.

“Trong bối cảnh thế giới nhiều bất định, Việt Nam cần tiếp tục duy trì ổn định kinh tế vĩ mô. Đây là nền tảng quan trọng để có thể đạt được mục tiêu tăng trưởng như kỳ vọng” - ông Hiếu nói.

Một hành trình Đổi mới

Theo ông Nguyễn Xuân Thắng - Ủy viên Bộ Chính trị, Giám đốc Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh, Chủ tịch Hội đồng Lý luận Trung ương, từ một nước nông nghiệp lạc hậu nghèo nàn, quy mô nền kinh tế nhỏ bé, GDP 26,3 tỷ USD trong những năm đầu đổi mới, trong gần 40 năm qua, quy mô nền kinh tế Việt Nam đạt 430 tỷ USD năm 2023, GDP bình quân đầu người đạt mức 4.300 USD, tăng 58 lần so với những năm đầu đổi mới; tỷ lệ hộ theo chuẩn nghèo đa chiều còn 2,9%.

Từ một nền kinh tế khép kín, Việt Nam đã thành một nền kinh tế có mức độ hội nhập sâu rộng khi trở thành đối tác thương mại lớn thứ 22 toàn cầu, tổng kim ngạch xuất nhập khẩu năm 2023 đạt gần 700 tỷ USD, thu hút lượng đầu tư lớn từ nước ngoài đạt 23 tỷ USD, đây là mức đầu tư cao nhất của Việt Nam từ trước đến nay, ngay cả khi các thị trường lớn bị thu hẹp và chuỗi cung ứng toàn cầu còn nhiều đứt gãy.

Trong khi đó, ông Andrea Coppola - chuyên gia Kinh tế trưởng Ngân hàng Thế giới (WB) tại Việt Nam cho biết rất ấn tượng về những nỗ lực của Việt Nam trong tiến trình Đổi mới, đặc biệt là tốc độ tăng trưởng GDP nhanh chóng và tỷ lệ hộ nghèo suy giảm sâu. Cùng với đó, tuổi thọ của người dân tăng lên 76 tuổi từ mức 61 tuổi vào những năm 1970.

“Với những nỗ lực về tự do hóa thương mại, Việt Nam tham gia vào Tổ chức Thương mại thế giới (WTO) năm 2007, điều này giúp tăng cường hơn nữa vai trò của Việt Nam trong khu vực và trên thế giới, đưa Việt Nam trở thành một trung tâm xuất khẩu. Đến nay, tỷ lệ thương mại so với GDP của Việt Nam đạt tới hơn 200%, điều này minh chứng Việt Nam là một trong những quốc gia có độ mở lớn nhất trên toàn thế giới” - ông Coppola nói.

Ông Nguyễn Bá Hùng - chuyên gia Kinh tế trưởng tại Việt Nam Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB) nhận xét, tới nay Việt Nam đã tiến bước dài và dũng cảm trong hội nhập quốc tế. Ngay từ thời kỳ đầu Đổi mới, Việt Nam có định hướng rất rõ ràng về hội nhập kinh tế quốc tế, đến nay, giá trị thương mại gấp đôi GDP và Việt Nam chú trọng thu hút đầu tư nước ngoài. Bên cạnh đó, có thể không vươn ra biển lớn ngay lập tức nhưng DN Việt Nam đã tích cực tham gia vào chuỗi cung ứng toàn cầu.

“Gần 40 năm qua, chứng kiến khủng hoảng kinh tế châu Á, khủng hoảng tài chính toàn cầu và có những khó khăn do đại dịch Covid-19, song trong suốt quãng thời gian này, Việt Nam luôn giữ định hướng mở nhưng vẫn giữ vững ổn định kinh tế vĩ mô để củng cố những kết quả đạt được, giúp Việt Nam duy trì tốc độ tăng trưởng” - ông Hùng nói.

Trong khi đó, theo bà Vũ Thị Quỳnh Hoa - Giám đốc quốc gia Oxfam tại Việt Nam, thay vì giảm nghèo đơn chiều chỉ tập trung vào lĩnh vực kinh tế, Việt Nam chuyển sang giảm nghèo đa chiều trên các khía cạnh khác như y tế, giáo dục, việc làm, nước sạch... Một trong những điểm rất quan trọng trong chiến lược giảm nghèo của Việt Nam, đó chính là tạo cơ chế tham gia cũng như làm chủ của người dân, giảm sự ỷ lại, trông chờ vào bên ngoài. Các chương trình giảm nghèo kịp thời thay đổi, bổ sung để phù hợp với tình hình mới.

“Nhiều gia đình ở khắp các tỉnh, thành phố trong cả nước đều cho rằng một trong những kế sách giúp thoát nghèo, vượt qua vòng đói nghèo luẩn quẩn, chính là giáo dục. Chiến lược đầu tư giáo dục đúng đắn sẽ tạo “cần câu cơm” để người dân thay đổi cuộc đời và đóng góp cho đất nước, đây cũng là điểm mấu chốt cần chú trọng giai đoạn tới” - bà Hoa nhận xét và nhấn mạnh đó là một trong những thành tựu to lớn mà Việt Nam đạt được trong quá trình thực hiện công cuộc Đổi mới.

anh-2-box-2-bai-chinh.jpg

Theo ông Lê Trung Hiếu - Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Thống kê, hoạt động sản xuất, kinh doanh đang tốt dần lên là động lực để hoàn thành mục tiêu tăng trưởng 6,0 - 6,5% trong năm 2024. Năm 2024, kinh tế Việt Nam tiếp tục chịu tác động của kinh tế thế giới. Song chúng ta vẫn có cơ hội phục hồi tích cực hơn khi các chính sách hỗ trợ có tác động rõ nét hơn vào nền kinh tế; các động lực về đầu tư khơi thông; tồn đọng, bất cập được tháo gỡ. “Trong bối cảnh thế giới nhiều bất định, Việt Nam cần tiếp tục duy trì ổn định kinh tế vĩ mô. Đây là nền tảng quan trọng để có thể đạt được mục tiêu tăng trưởng như kỳ vọng” - ông Hiếu nói.

anh-1-box-1-bai-chinh.jpg

GS.TS Ngô Thắng Lợi (Trường Đại học Kinh tế Quốc dân) cho rằng, bên cạnh xuất khẩu cần phải tìm cách phát triển, tăng cầu nội địa. Quy mô dân số nước ta 100 triệu người, năm nay đặt mục tiêu đón 17-18 triệu lượt khách du lịch quốc tế, quy mô thị trường nội địa rất lớn. Cùng với việc phát triển thị trường nội địa, phải có chính sách thiết thực hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa, trước hết là ưu đãi thuế thu nhập doanh nghiệp. Như vậy sẽ tạo động lực phát triển doanh nghiệp, là nền tảng để kinh tế tăng trưởng bền vững.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Tạo lực đẩy để nền kinh tế cất cánh