Mức chi phí đi thấp, chế độ đãi ngộ tốt, công việc ổn định và mức thu nhập cao, thị trường xuất khẩu lao động Hàn Quốc được xem là thị trường đầy tiềm năng của Việt Nam. Tuy nhiên, tình trạng lao động bỏ trốn bất hợp pháp ngày càng tăng, ảnh hưởng đến việc thiết lập quan hệ hợp tác lâu dài.
Hạn chế lao động bỏ trốn bất hợp pháp cần thực hiện nhiều giải pháp đồng bộ. Ảnh minh họa.
Cơ hội cho hàng nghìn lao động
Mới đây Việt Nam và Hàn Quốc tiếp tục ký Bản ghi nhớ về phái cử và tiếp nhận người lao động Việt Nam sang làm việc tại Hàn Quốc theo Chương trình cấp phép việc làm cho lao động nước ngoài (Chương trình EPS). Đây là lần thứ 6 Việt Nam và Hàn Quốc ký Bản ghi nhớ về EPS, có giá trị hai năm tạo cơ hội cho hàng nghìn người lao động Việt Nam sang Hàn Quốc làm việc.
Theo Bộ LĐTB&XH điểm mới của bản ghi nhớ lần này là hạn ngạch tiếp nhận người lao động Việt Nam hằng năm sẽ được phía Hàn Quốc phân bổ dựa trên kết quả giảm số lao động bất hợp pháp tại Hàn Quốc. Đồng thời, Bản ghi nhớ cũng đặc biệt nhấn mạnh trách nhiệm của các cơ quan liên quan cả hai phía Việt Nam và Hàn Quốc trong việc thực hiện EPS.
Chương trình EPS được triển khai từ năm 2004, đến nay đã đem lại những kết quả tích cực. Hiện có gần 50 nghìn người lao động Việt Nam đang làm việc tại Hàn Quốc, trong đó hơn 38 nghìn người làm việc theo Chương trình EPS, với mức lương bình quân từ 1.000 đến 1.500 USD/tháng. Tuy nhiên tình trạng lao động Việt Nam bỏ trốn bất hợp pháp ngày càng gia tăng đã ảnh hưởng tới quan hệ hợp tác lao động giữa Việt Nam và Hàn Quốc.
Bản ghi nhớ về phái cử và tiếp nhận người lao động Việt Nam đi làm việc tại Hàn Quốc theo Chương trình EPS đã từng phải tạm dừng, khi hết hạn từ tháng 8/2012 đã không được ký lại cho tới tháng 5/2016. Trong giai đoạn đó, Việt Nam và Hàn Quốc chỉ ký Bản ghi nhớ đặc biệt với thời hạn một năm vào tháng 12/2013 và tháng 4/2015 dành cho những lao động đã kiểm tra tiếng Hàn và những lao động thuộc diện tái nhập cảnh.
Theo Bộ LĐTB&XH, hiện Hàn Quốc đang tiếp nhận lao động từ 16 quốc gia phái cử lao động tới làm việc. Các nước này đều có lao động bỏ trốn, nhưng theo thống kê của Hàn Quốc, tỷ lệ trung bình của các nước chỉ khoảng 8% đến 9%, nước nhiều nhất cũng chỉ chiếm 15% đến 16%. Riêng Việt Nam tỷ lệ lao động bỏ trốn những năm qua lên tới 32%, thậm chí 40% tổng số lao động nước ngoài đang lao động và cư trú bất hợp pháp tại Hàn Quốc...
Áp dụng nhiều biện pháp mạnh tay
Để Chương trình EPS triển khai hiệu quả, theo các chuyên gia ngành LĐTB&XH cần khẩn trương vào cuộc, phối hợp Đại sứ quán Việt Nam tại Hàn Quốc nắm bắt thông tin người lao động ở lại làm việc bất hợp pháp để kịp thời xử lý.
Đáng chú ý, nhiều doanh nghiệp sản xuất của Hàn Quốc tại Việt Nam hiện đang thu hút lao động Việt Nam từ Hàn Quốc trở về với mức lương khá cao do đó ngành chức năng cần tổ chức nhiều phiên giao dịch việc làm nhằm kết nối DN với lao động về nước đúng hạn. Khi có công việc, mức thu nhập ổn định khi đó NLĐ sẽ không còn tâm lý bỏ trốn bất hợp pháp.
Đại diện Cục Quản lý lao động ngoài nước, Bộ LĐTB&XH cho biết, thời gian tới sẽ áp dụng nhiều biện pháp để ngăn ngừa và giảm thiểu tình trạng lao động Việt Nam bỏ trốn. Đặc biệt đối với thị trường Hàn Quốc, nếu doanh nghiệp nào đưa lao động đi mà xảy ra tình trạng lao động bỏ trốn có tỷ lệ cao thì doanh nghiệp đó sẽ bị dừng tuyển và không được tiếp tục đưa lao động sang thị trường này nữa.
Theo quy định mới dự thảo Nghị định quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực lao động, bảo hiểm xã hội, đưa người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng đang được Bộ LĐTB&XH lấy ý kiến, sẽ phạt tiền từ 80-100 triệu đồng nếu bỏ trốn khỏi nơi làm việc, ở lại nước ngoài trái phép sau khi hết hạn hợp đồng.
Ngày 19/4 tới đây tại Bắc Ninh, Trung tâm Lao động ngoài nước, Bộ LĐTB&XH sẽ phối hợp với Trung tâm Dịch vụ việc làm Bắc Ninh tổ chức Hội chợ việc làm dành cho người lao động EPS (Visa E9) đã về nước đúng hạn. Đây là cơ hội để người lao động về nước có thể tìm kiếm việc làm phù hợp với kinh nghiệm và trình độ tay nghề của mình. Người lao động có thể đăng ký tham gia hội chợ bằng cách đăng ký qua trang thông tin điện tử của Trung tâm Lao động ngoài nước: www.colab.gov.vn, tại mục “Đăng ký tìm việc trong nước” hoặc đăng ký tham gia trực tiếp tại Sàn giao dịch việc làm, Trung tâm dịch vụ việc làm Bắc Ninh (số 33 Nguyễn Đăng Đạo, thành phố Bắc Ninh – tỉnh Bắc Ninh). |