Sau gần một tuần, trên địa bàn các tỉnh Tây Nguyên đã có mưa to đến rất to, làm 10 người chết, 1 người mất tích, 4 người bị thương; mưa lũ cũng làm ngập 3.717 ngôi nhà, 18.382 ha lúa, hoa màu và 703 ha cây trồng lâu năm… tổng thiệt hại ước tính khoảng 993 tỷ đồng.
Đồng ruộng ngập trong nước.
Chiều ngày 11/8, mưa đã ngớt, nước lũ rút dần, hàng vạn hộ dân vùng ngập lụt khẩn trương dọn dẹp nhà cửa, đồ đạc...; Chính quyền địa phương huy động lực lượng triển khai nhiều hoạt động giúp dân, hỗ trợ nhu yếu phẩm, thu hoạch lúa và hoa màu ngay sau khi nước rút. Đồng thời tập trung các phương tiện, máy móc huy động đến các điểm sạt lở để nhanh chóng giải phóng mặt đường, đảm bảo cho các tuyến đường được lưu thông trở lại.
Nhằm giảm thiệt hại do mưa lũ gây ra, Ban Chỉ đạo Trung ương về Phòng chống thiên tai đã cùng với lãnh đạo các tỉnh, thành phố khu vực Tây Nguyên triển khai các biện pháp bảo đảm an toàn cho người dân, khách du lịch; huy động lương thực, thực phẩm và các nhu yếu phẩm cần thiết để cứu trợ, không để người dân bị đói, rét, dịch bệnh… Các địa phương khẩn trương tiêu độc khử trùng, nhanh chóng phòng dịch bệnh cho người và gia súc, gia cầm; chủ động phòng chống dịch tả lợn châu Phi, khi đang có hàng ngàn con gia súc, gia cầm bị chết do nước cuốn trôi.
Chiều 11/8, mực nước hồ thủy điện Đắk Kar (xã Đắk Ru, huyện Đắk R’lấp, tỉnh Đắk Nông) đã rút thấp hơn mặt đập khoảng 3m. Do vậy đập thủy điện này tạm thời qua nguy hiểm. Theo quy trình vận hành, những hồ thủy điện đang hoàn thiện như Đắk Kar không được tích nước, phải mở cửa xả khi nước nguồn đổ về.
Ông Lê Viết Thuận, Chánh Văn phòng Ban Chỉ huy Phòng chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn tỉnh Đắk Nông cho rằng: Công ty Thủy điện Đắk Kar đã chủ quan, đến khi lượng nước đổ về hồ lớn nhưng chủ đầu tư đã không chủ động các phương án nên đến khi xả nước thì cửa van gặp sự cố, không mở lên được. Sau đó, nước tràn qua thân đập, gây nguy cơ vỡ đập, do đó lực lượng chức năng 2 tỉnh Bình Phước và Đắk Nông đã di dời hàng ngàn người dân ở vùng có nguy cơ bị ảnh hưởng, đề phòng thủy điện Đắk Kar vỡ đập. Đến nay, 2 cửa van xả lũ đã được sửa chữa xong, thủy điện đã hoạt động bình thường như thiết kế. Van xả lũ được nâng cao khoảng 1m để hồ thủy điện xả lũ và đang điều tiết nước, hạn chế những ảnh hưởng xấu đến vùng hạ du đã được khắc phục xong. Tất cả các hộ dân đã trở về nhà an toàn.
Ông Lê Quang Xin (đường Tiên Hoàng, phường Tự An, TP Buôn Ma Thuột) cho biết: Mấy hôm trước cả nhà tôi đi làm thì nước bất ngờ tràn vào ngập sâu hơn 1,2 m khiến nhiều đồ đạc chìm trong nước. Gia đình chạy về thì chăn, đệm, giường chiếu... đã thấm nước, nhiều thứ hỏng nặng phải vứt đi, thiệt hại ước tính 70 triệu đồng.
Người dân các huyện chịu ảnh hưởng mưa lũ như Ea Súp, Cư M’gar, Lắk, Cư Kuin... cũng đang tất bật dọn dẹp nhà cửa sớm ổn định cuộc sống. Bí thư Huyện Đoàn Ea Súp Lê Hồng Hạnh cho biết: Trong ngày 9, 10 và 11/8 đã có hơn 100 đoàn viên thanh niên, cán bộ chiến sĩ công an, bộ đội biên phòng... ra quân giúp dân thu hoạch lúa và hoa màu. Đồng thời giúp dân xây dựng lại sửa chữa nhà cửa, trường học, để người dân sớm ổn địch lại cuộc sống, và chuẩn bị các lớp học cho các cháu chuẩn bị đón năm học mới.
Nhiều tuyến đường giao thông, công trình giao thông bị hư hỏng hoặc ngập sâu như: Quốc lộ 14c bị ngập chia cắt xã Ia Rvê với xã Ia Lốp, huyện Ea Súp; Quốc lộ 27 bị chia cắt do ngập cục bộ khu vực chợ Trung Hòa, huyện Cư Kiun, độ sâu ngập trung bình 0,6 m. Đường tỉnh lộ 1 bị ngập, chia cắt 3 điểm: Cầu Đắk Bùng, xã Cư Mlan; Cầu cây Sung, xã Ea Rốk; Cầu trắng nối xã Ea Rốk với xã Ia Jlơi; Nhiều tuyến đường giao thông thuộc các xã Ia Rvê, Ia Lốp, Ya Tờ Mốt, Ea Rốk, Cư Mlan, Ea Bung bị ngập nước với 10 điểm hư hỏng… cũng đã được bộ đội và nhân dân khẩn trương khắc phục, đến nay đã cơ bản thông xe hầu hết tất cả các tuyến giao thông. Ngoài ra, nước lũ dâng cao kèm theo lũ quét đã khiến hàng trăm tấn đất đá cuốn theo dòng nước tràn vào nhà người dân gây sập tường, nhà cửa… khiến đời sống người dân vô cùng khốn khổ. Tại đây, chính quyền địa phương đã khẩn trương di dời các hộ dân đến nơi an toàn trong điều kiện tình hình mưa lũ còn diễn biến phức tạp.
Tại Lâm Đồng, mưa lớn kéo dài trong nhiều ngày khiến nước ở các sông suối dâng cao gây ra tình trạng xói mòn, sạt lở nghiêm trọng. Hàng chục hộ dân đang ngồi trên đống lửa khi nhà cửa nằm sát miệng vực sâu. Trong khi đó, tại TP Bảo Lộc, nước lũ đang rút dần, nhưng nhiều khu vực tại các xã Đại Lào, Lộc Châu, Lộc Tiến và B’Lao, nhà cửa của người dân vẫn ngập chìm trong nước. Thống kê đến hiện tại, trên địa bàn xã Đại Lào đã ghi nhận 5 vụ sạt lở làm đổ sập nhà, buộc người dân phải sơ tán. Trong đó, có 1 nhà dân bị đổ sập hoàn toàn. Hiện nay chính quyền và quân đội, công an đang khẩn trương giúp dân về mọi mặt, để họ sớm ổn định lại cuộc sống.
Hiện nay các cấp lãnh đạo tỉnh, thành phố đã tổ chức nhiều đoàn đến thăm hỏi, động viên, trao hàng ngàn suất quà bao gồm nhu yếu phẩm cần thiết cho người dân bị thiệt hại; chia sẻ với người dân vùng bị mưa lũ, mong người dân vượt qua khó khăn, tập trung khắc phục hậu quả sớm ổn định cuộc sống.