Văn hóa

Tết ở xứ Mường

VIỆT QUỲNH 28/01/2024 11:28

Đối với người Mường, ngày Tết là ngày hội. Làm việc vất vả cả năm, họ dồn nghỉ ngơi vui chơi vào dịp Tết. Tết là sum họp gia đình, gặp gỡ.

dieu-mua-ng-muong.jpg
Điệu múa của người Mường.

Từ nơi đô thị, họa sĩ Vũ Đức Hiếu đã bỏ phố lên rừng, tự mình xây dựng lên công trình bảo tàng văn hóa đặc sắc với không gian văn hóa đủ giai tầng về lối dựng nhà tiêu biểu của người Mường. Bảo tàng tư nhân đầu tiên ở Việt Nam được khánh thành khi anh còn rất trẻ, mới 30 tuổi, năm 2007.

“Việc người Mường là người Việt cổ được rất nhiều nhà nghiên cứu, chuyên gia đã khẳng định. Theo lời của Bác Hồ “dân ta phải biết sử ta”, vì thế tôi càng cần phải biết nền tảng văn hóa cổ của người Việt. Khi muốn tìm hiểu người Việt, tôi cần biết đến cái gốc của nó. Đó là nguyên nhân sâu xa khởi sự cho việc tôi xây dựng Bảo tàng Không gian văn hóa Mường”, họa sĩ Vũ Đức Hiếu (biệt danh Hiếu Mường) chia sẻ.

Văn hóa Mường là điều mà họa sĩ Vũ Đức Hiếu quan tâm. Anh sinh ra ở Hà Nội, lớn lên ở Hòa Bình. Tuổi thơ của anh trải qua, gắn bó với vùng đất này. Hòa Bình có 70% dân số người Mường, vì thế, văn hóa, tập tục, tín ngưỡng của người Mường thấm dần vào bên trong họa sĩ Vũ Đức Hiếu hết sức tự nhiên.

Anh kể, điều thú vị là cho đến nay, người dân Mường vẫn giữ tập tục chuẩn bị cho những ngày Tết, 2 - 3 gia đình vẫn chung nhau mổ một con lợn, 7 nhà chung nhau con trâu. Dù bớt khó khăn nhưng họ vẫn giữ nếp đấy.

thieu-nu-muong-2.jpg
Trang phục truyền thống của phụ nữ dân tộc Mường.

Trước đây, người Mường chuẩn bị hàng tháng trước khi Tết đến. Ở trong làng bao giờ cũng có nhóm văn nghệ gồm mười mấy người cả nam và nữ, tập cồng chiêng, hát để sử dụng những dịp đặc biệt. Dịp Tết, những ngày đầu năm mới, có hát Sắc bùa (hay còn gọi là Xéc bùa). Cả nhóm đến từng gia đình, hát làn điệu như quan họ. Nội dung là kể lý do vì sao hôm nay họ đến với gia đình, đó là mong muốn những điều tốt đẹp hạnh phúc đến với gia đình. Gia chủ cũng hát đối đáp và cảm ơn vì những lời tốt đẹp được nhận và cũng chúc nhóm hạnh phúc. Sau đó, gia chủ mời tất cả thành viên của nhóm lên nhà uống trà, kể cho nhau những câu chuyện về năm qua, những gì đã xảy ra, với tinh thần tích cực. Nhà nào có điều kiện thì mang bình rượu cần đãi khách. Bình rượu cần được đặt giữa nhà, chia ra bên chủ, bên khách và hát đối với nhau. Khi hát đối có trọng tài. Ông trọng tài (còn gọi là chí trám) có nhiệm vụ phân giải. Với người Mường, không có thắng thua, không phạt mà chỉ thưởng. Bên nào mà đối không được thì chí trám đong nước bằng sừng trâu đổ vào bình rượu cần. Đưa cho bên thua uống hết phần đó. Uống xong, mọi người vỗ tay. Không khí rất rộn ràng, vui vẻ. Người Mường thích sinh hoạt cộng đồng từ đời sống hàng ngày. Ma chay cưới hỏi lễ tết, đều dựa vào cộng đồng. Vì thế, tính xã hội rất cao trong cộng đồng người Mường. Khi có việc thì nhờ hàng xóm. Nhiều nhà khi làm giúp thì mang theo gạo rượu tới cho gia chủ, gọi là đổi công. Khi người đó có việc thì nhờ lại.

le-cung-mat-nha.jpg
Một lễ cúng của người Mường. Ảnh: Vũ Đức Hiếu.

Hơn chục năm gần đây, việc đi hát Sắc bùa cũng đang mai một dần, nhiều vùng tập trung hơn vào việc tổ chức lễ hội. Khai Hạ là lễ hội giữ được nhiều năm nhất. Người dân mỗi làng tập trung ở nhà văn hóa hay sân vận động, cùng nhau tham gia. Hội Khai Hạ đầu tiên tổ chức ở Mường Bi, Tân Lạc, một trong những mường lớn nhất ở Hòa Bình. Khai Hạ tổ chức vào mùa xuân, mùa của cây cối đâm chồi nảy lộc, mùa sinh sôi, đồng thời cũng là lễ hội xuống đồng, bắt đầu công việc của năm mới. Ông thầy mo làm lễ cúng cho cả vùng, cầu xin thần linh thổ địa phù hộ bà con được mùa bội thu. Mâm cúng có gà, lợn, xôi. Trong văn hóa tâm linh của người Mường, mỗi việc cầu xin sẽ nấu các đồ cúng khác nhau, bày đặt mâm khác nhau. Ông thầy mo cúng xong, mọi người cùng xuống đồng làm tượng trưng, như kiểu động thổ.

Thực phẩm Tết, người Mường quan tâm đến nhiều gà, lợn, cá. Bánh chưng của người Mường gói bé, cũng có lá dong, nếp, đậu, thịt. Có bánh vuông, bánh ống (giống bánh tét) làm bằng gạo nếp, bánh uôi làm bằng bột nếp từ gạo xay ra. Gần Tết, tùy theo địa phương, sẽ có sản phẩm đặc trưng, ngon nhất, tốt nhất cúng tổ tiên ông bà, vùng thì có con sâu chít, vùng thì có ếch đồi, vùng có tôm, có cua, có cá...

Cách nấu cỗ Tết người Mường cũng khác: Gà đồ với măng chua, tôm cua cá gói vào trong lá chuối, để vào chõ, đồ như đồ xôi hoặc đưa lên bếp củi, vùi vào gio củi nướng. Trước Tết còn có rêu suối, người dân lấy về nướng, đồ, trộn với gia vị. Xưa người Mường chỉ tưởng nhớ tổ tiên ông bà vào dịp Tết chứ không cúng, theo tập tục chôn ông bà ba năm, ông bà đã về với đất trời, nhưng ngày nay văn hóa Tết của người Mường cũng dần giống người Kinh là làm mâm cơm cúng Tết ông bà, tổ tiên.

“Ngoài Tết năm mới, Tết lớn nhất của người Mường là Tết Cơm mới, thường theo lịch Mường, 1 năm có 10 tháng, thêm 2 tháng phụ là tháng Chạp và tháng Giêng. Tết Cơm mới bắt đầu từ tháng Mười, theo thẻ lịch của người Mường.

Vào dịp Tết Cơm mới, họ vò lúa, giã trong cối gỗ, ra được hạt gạo ngon nhất của vụ mùa, rồi nấu cơm, cúng cảm tạ thần linh thổ địa, trời đất, ông bà và mời thầy mo đến cúng giúp. Sau lễ cúng, gia chủ mời bà con hàng xóm anh em họ hàng đến ăn cỗ, chia vui. Mâm cỗ có nhiều món, cơ bản vẫn có thịt lợn, nhà nào có điều kiện thì thịt nguyên con. Gia đình người Mường nào cũng có ao cá nhỏ và nuôi dăm ba con vịt, con gà. Nhà có đủ sẵn lương thực nên việc đi chợ mua đồ cũng hạn chế. Phụ nữ đi nương thì hái rau rừng dọc đường về. Trong rừng có nhiều rau, chỉ cần đi từ đồng hoặc mương về nhà là hái rau đủ ăn cả ngày. Phụ nữ Mường giỏi hái rau dại, rau gì ăn được. Người Mường vì thế có thành ngữ: “Đàn bà mài dao thì không bao giờ sắc, đàn ông hái rau thì không nên ăn” để chứng minh việc giỏi giang hái rau rừng của phụ nữ Mường”, họa sĩ Vũ Đức Hiếu cho biết.

Khi chúng tôi trò chuyện, trong vườn họa sĩ Vũ Đức Hiếu đang có mấy chục cây hồng mai cổ, rễ màu đỏ đang ươm nụ chờ bung nở khi đất trời vào xuân. Dịp năm mới, họa sĩ Vũ Đức Hiếu chuẩn bị đốt lò, nung một mẻ gốm. Gốm là đam mê của anh trong nhiều năm nay, với mong muốn mọi dự định về nghệ thuật đều hanh thông.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Tết ở xứ Mường