Thách thức trong phát triển đô thị vệ tinh

Lục Bình 24/12/2016 09:15

Phát triển đô thị vệ tinh là giải pháp bền vững nhằm giảm áp lực về dân số, hạ tầng, giao thông…cho đô thị lõi. Nếu không hút cư dân ra khỏi khu vực nội đô, Hà Nội không thể giải bài toán tắc đường, ngập lụt, ô nhiễm môi trường. Đó là những ý kiến được đưa ra tại Hội thảo “Cơ hội và giải pháp thúc đẩy phát triển đô thị vệ tinh thành phố Hà Nội”, do UBND TP Hà Nội tổ chức ngày 23/12

Ảnh minh họa.

Những bất cập

Theo Quy hoạch chung, Hà Nội sẽ phát triển 5 đô thị vệ tinh gồm Hòa Lạc, Xuân Mai, Phú Xuyên, Sơn Tây và Sóc Sơn với chức năng hỗn hợp nhưng vẫn có chức năng đặc thù, hoạt động tương đối độc lập để hỗ trợ đô thị trung tâm. Chức năng chính của các đô thị vệ tinh là giảm tải cho đô thị trung tâm để nó khỏi phình ra quá lớn đến mức dị dạng với các “căn bệnh đô thị” như ô nhiễm, ùn tắc giao thông, thiếu hạ tầng, tệ nạn xã hội tràn lan…

Vì thế, trong quy hoạch chung của Thủ đô, luôn ưu tiên cho phát triển các đô thị vệ tinh. Tuy nhiên Hà Nội đang phải đối mặt với nhiều khó khăn.

Theo TS Lê Văn Hoạt- nguyên Phó Chủ tịch HĐND TP Hà Nội, hiện việc xây dựng các cơ chế, chính sách nhằm hỗ trợ cư dân và doanh nghiệp hưởng ứng chủ trương phát triển đô thị vệ tinh chưa nhiều; nhất là các chương trình, kế hoạch riêng của từng ngành, lĩnh vực. Rất ít địa phương đưa nội dung ưu tiên phát triển đô thị vệ tinh vào trong một chương trình hay kế hoạch tổng thể để chỉ đạo triển khai đồng bộ.

Vấn đề nguồn lực ở đâu cũng là bài toán khó. Thực tế, để phát triển các đô thị vệ tinh cần nguồn vốn rất lớn cho các dự án trọng điểm trong mỗi khu đô thị vệ tinh và hạ tầng giao thông kết nối.

“Tuy nhiên, việc bố trí ngân sách cho xây dựng, phát triển các đô thị vệ tinh là rất khó thực hiện hiện và đến nay hầu như chưa được quan tâm. Hơn nữa, những năm gần đây mới chú trọng phát triển hạ tầng kỹ thuật khu vực đô thị trung tâm chứ chưa chú trọng khu vực ngoại thành”- theo TS Nguyễn Hồng Sơn, Viện trưởng Viện nghiên cứu phát triển kinh tế-xã hội.

Cùng với đó, các đô thị vệ tinh của Hà Nội chịu sự cạnh tranh gay gắt từ các đô thị, các tỉnh, thành trong vùng Thủ đô và Vùng kinh tế trọng điểm phía Bắc. Theo phân tích của các chuyên gia, khi hệ thống quy hoạch, hạ tầng khung chưa hoàn thiện, việc thu hút các nhà đầu tư bất động sản sẽ rất khó khăn.

Ngoài ra, trong giai đoạn qua, khi Hà Nội chưa chú trọng phát triển đô thị vệ tinh, chưa có các chính sách ưu đãi về thể chế, rất nhiều trường đại học đã được xác định xây dựng trụ sở tại các tỉnh khác ngoài Hà Nội, nhiều nhà đầu tư công nghệ cao đã đầu tư vào các tỉnh lân cận Hà Nội (Thái Nguyên, Bắc Ninh) đã làm cho việc phát triển đô thị vệ tinh tại các khu vực ngoại ô Hà Nội đã khó càng thêm khó.

Không để đô thị trung tâm thành “đô thị đầu to”

TS Phạm Sỹ Liêm- Viện trưởng Viện Nghiên cứu kinh tế xây dựng và đô thị lưu ý, để có chất lượng sống tốt thì đô thị vệ tinh phải là đô thị hoàn chỉnh với đầy đủ chức năng, còn để phồn vinh thì phải có động lực phát triển thúc đẩy sự tăng trưởng của hệ thống thị trường. Vì vậy, thực hiện ý tưởng về việc phát triển không gian đô thị Hà Nội theo mô hình chùm đô thị gồm đô thị trung tâm và các đô thị vệ tinh, một số tuyến giao thông quan trọng kết nối đô thị trung tâm với các đô thị vệ tinh đã được đầu tư hoặc nâng cấp, một số dự án lớn, trọng điểm được khởi động.

Để phát triển được các đô thị vệ tinh, PGS.TS.KTS.Nguyễn Tố Lăng - Phó Hiệu trưởng Trường Đại học Kiến trúc Hà Nội cho rằng, xây dựng đô thị vệ tinh phải hoàn chỉnh, đồng bộ, từ hạ tầng kỹ thuật đến hạ tầng xã hội và nhà ở, khi xây dựng phải dứt điểm, tránh dàn trải. Hoàn chỉnh hệ thống giao thông tốc độ cao kết nối với đô thị trung tâm và các đô thị đối trọng lân cận trong vùng Thủ đô. Ưu tiên tập trung vào hệ thống giao thông công cộng đa phương tiện, giao thông xanh.

Còn theo TS.KTS Nguyễn Trúc Anh- Viện trưởng Viện Quy hoạch xây dựng Hà Nội thì Hà Nội cần thu hút nguồn lực phát triển đô thị vệ tinh, trong đó có các cơ chế khuyến khích và dịch vụ hỗ trợ đầu tư cần thiết vào các đô thị vệ tinh. Thu hút người dân di chuyển khỏi đô thị trung tâm, tạo ra sức hút làm người dân di chuyển từ các khu vực khác về đô thị vệ tinh sinh sống, dần tạo ra các trung tâm mới.

Các chuyên gia khẳng định, nguồn lực để Hà Nội phát triển các đô thị vệ tinh có thể được lấy từ chính nguồn lực đất đai (quỹ đất dôi dư ở đô thị trung tâm khi các cơ sở sản xuất, giáo dục, y tế, khu dân cư… di chuyển khỏi nội đô).

Cùng với đó, để phát triển được các đô thị vệ tinh, Hà Nội phải phát triển hệ thống giao thông kết nối đô thị trung tâm với đô thị vệ tinh. Đây là một bài toán không dễ giải cho chính quyền Hà Nội vì đòi hỏi rất nhiều về nguồn lực. Hiện gần như chưa có các tuyến kết nối hướng tâm hoàn chỉnh, mới đầu tư được các đường vành đai.

KTS Trần Huy Ánh- Hội KTS Hà Nội cho rằng, các tuyến xe buýt sẽ giúp kết nối các đô thị vệ tinh và đô thị trung tâm và giữa các đô thị vệ tinh với nhau. Ngoài ra, quản lý vành đai xanh hiện đang chiếm 70% đất tự nhiên, gồm ngăn chặn quá trình đô thị hóa, giữ gìn đất nông nghiệp và bảo tồn thiên nhiên.

Đặc biệt, ông Ánh lưu ý, để đô thị vệ tinh phát triển thì phải tách ra khỏi đô thị trung tâm. Để các đô thị vệ tinh và đô thị trung tâm dính không liền với nhau thành “đô thị đầu to”, phát triển theo “vết dầu loang” thì cần quy hoạch vùng giãn cách/cấm xây dựng với những quy định ngặt nghèo.

Để hạn chế sự phát triển theo dạng lan tỏa của đô thị trung tâm hiện nay cũng như các đô thị vệ tinh sau này, hệ thống hành lang xanh và vành đai xanh được sử dụng như một hệ thống hàng rào “mở”, ngăn cách giữa đô thị trung tâm và các đô thị vệ tinh, giữa khu vực bảo tồn và khu vực phát triển.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Thách thức trong phát triển đô thị vệ tinh