Xã hội

Thăm làng mật mía 50 năm tuổi

Cẩm Kỳ 15/01/2024 09:45

Những ngày này, người dân tại làng nghề sản xuất mật mía ở xã Thọ Điền (huyện Vũ Quang, tỉnh Hà Tĩnh) tất bật thu hoạch, ép mía, nhóm lò để nấu mật, phục vụ nhu cầu của người tiêu dùng trong dịp Tết Nguyên đán.

anhbaiduoi.jpg
Công đoạn nấu mật được thực hiện rất kỹ lưỡng, bài bản, mật mía đủ nhiệt độ màu sắc sóng sánh, tỏa hương vị thơm lừng. Ảnh: C.Kỳ.

Theo những bậc cao niên trong làng, nghề nấu mật mía ở Thọ Điền đã tồn tại hơn 50 năm. Ngày trước, địa phương này vốn là nơi trồng mía lớn nhất của tỉnh Hà Tĩnh. Thấy đầu ra cây mía bấp bênh, người dân Thọ Điền quyết định ép mía, nấu mật để tăng thêm thu nhập.

Ban đầu chỉ một vài hộ làm, dần dần Thọ Điền hình thành làng làm mật mía, trở thành nghề chủ lực trong phát triển kinh tế. Hiện nay, toàn xã Thọ Điền có khoảng 260 hộ trồng mía với diện tích gần 30ha. Trong đó, hơn 100 hộ còn giữ nghề ép và nấu mật mía, mỗi năm cung ứng ra thị trường khoảng 160 tấn mật, giúp các hộ dân làm nghề có nguồn thu nhập khá.

Với thâm niên hơn 30 năm làm nghề mật mía, ông Lương Sĩ Công (trú tại thôn 1, xã Thọ Điền) chia sẻ, từ cây mía ép ra những giọt mật thơm ngọt, đặc sánh với màu vàng đậm phải qua rất nhiều công đoạn với những yêu cầu tiêu chuẩn nhất định.

“Muốn có chất lượng mật ngon, chúng tôi phải đứng canh chảo trong nhiều giờ, đảo liên tục và đều tay, khi mật sôi thì vớt váng mật, nếu không chú ý mật sẽ bị cháy có màu đen và không được thơm ngon. Sau khi nấu xong, sẽ phải lọc mật qua lớp vải màn để sạch cặn, khi mật nguội thì sẽ có một lớp bọt đường nổi lên thì hoàn thành” - ông Công nói.

Tương tự, gia đình anh Bùi Đình Quyết (trú tại thôn 5, xã Thọ Điền) cũng đang tất bật nhóm lò cho kịp đơn hàng dịp Tết. Anh Quyết cho hay, gia đình anh trồng 6 sào mía tươi cho sản lượng khoảng 2,8 tấn mật mía. Trừ các chi phí, mỗi năm gia đình anh thu về khoảng 100 triệu đồng.

Theo anh Quyết, cây mía được trồng vào đầu năm và thu hoạch từ tháng 11 Âm lịch nên thời gian chăm sóc không nhiều. Khi mía cao bằng đầu người thì bón phân chuồng rồi vun gốc là xong, thời gian rảnh rỗi có thể đi làm việc khác. Giống mía Rốc 10 cho nhiều mật, màu sáng, chất lượng tốt nên so với trồng ngô, sắn thì trồng mía kinh tế hơn nhiều, lại thu hoạch vào cuối năm nên có tiền để mua sắm Tết.

"Công việc tuy vất vả, nhưng thu nhập từ làm mật mía giúp gia đình tôi có nguồn thu tốt hơn so với các công việc đồng áng” - anh Quyết chia sẻ.

Ngoài những hộ dân trồng đơn lẻ, Hợp tác xã Dịch vụ mật mía Sơn Thọ do bà Đoàn Thị Nhàn làm Giám đốc được đánh giá là đơn vị chủ lực tại địa phương này. Năm 2020, thông qua Chương trình "Mỗi xã một sản phẩm" (OCOP), mật mía của Hợp tác xã Dịch vụ mật mía Sơn Thọ được công nhận đạt chuẩn OCOP 3 sao.

"Từ khi sản phẩm mật mía của hợp tác xã được công nhận OCOP cấp tỉnh, người tiêu dùng đã biết đến chúng tôi nhiều hơn. Vụ mía năm nay, hợp tác xã trồng 5ha với bình quân mỗi ngày ép được gần 6 tấn mía tươi, thu về khoảng 500 lít mật thương phẩm. Dự kiến năm nay sẽ cung cấp ra thị trường gần 3.000 lít mật thương phẩm với giá thành giao động từ 50-70.000 đồng/lít” - bà Nhàn thông tin.

Theo ông Nguyễn Đăng Nhàn, Chủ tịch UBND xã Thọ Điền, nghề làm mật mía ở địa phương đã có hơn 50 năm. Mật mía Thọ Điền được người dân cả nước biết đến bởi vị ngọt thơm cùng độ sánh đặc trưng, màu sắc đẹp, phù hợp để làm gia vị cho nhiều món ăn.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Thăm làng mật mía 50 năm tuổi

    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO