Tròn 65 năm ngày giải phóng Thủ đô, 11 năm thực hiện Nghị quyết số 15/2008/QH12 của Quốc hội (khóa XII) về việc điều chỉnh địa giới hành chính TP Hà Nội diện mạo Thủ đô đã và đang đổi thay từng ngày.
Hà Nội đã vươn lên mạnh mẽ trên nhiều lĩnh vực để giữ vị trí đầu tầu của cả nước. Nhưng trong dòng chảy ấy làm sao để Hà Nội năng động, phát triển mạnh mẽ trong tương lai nhưng vẫn giữ lại phần hồn cốt của mình; là nơi “lắng hồn thiêng núi sông ngàn năm”, đây là vấn đề không dễ tìm ra lời giải.
Ô Quan Chưởng.
Ở một đô thị lịch sử như Hà Nội, những câu chuyện phát triển hay bảo tồn sẽ luôn cũ, mà cũng luôn mới. Bảo tồn hài hòa với sự phát triển luôn là một bài toán khó. Còn nhớ khi Hà Nội làm tuyến đường Văn Cao - Hồ Tây cuộc tranh luận gay gắt đã diễn ra xung quanh việc ưu tiên một tuyến đường giao thông hiện đại để giải quyết ùn tắc giao thông khi mà lượng xe lưu thông tại khu vực này đã quá lớn hay bảo vệ lớp di tích nằm sâu dưới đê Hoàng Hoa Thám kia. Sau nhiều cuộc giằng co dừng rồi lại thi công, cuối cùng bảo tồn tạm thời nhường chỗ cho phát triển, đường trục đường Văn Cao đã được khánh thành giải quyết những bức xúc của giao thông của ngày hôm nay.
Hà Nội là một đô thị có bề dày lịch sử. Bởi thế, hễ thi công là đào được các di vật, cổ vật, dấu tích kiến trúc... Mỗi khi phát hiện ra những di tích, di chỉ, bài toán bảo tồn hay phát triển lại được đặt lên bàn cân. Câu hỏi: Bảo tồn cái gì, không bảo tồn cái gì để phục vụ cho phát triển? Lựa chọn phương án bảo tồn thế nào? Thực tế, có những trường hợp buộc phải tạm gác mong muốn bảo tồn. Nhưng trong rất nhiều trường hợp, bảo tồn là cần thiết. Chẳng hạn với dự án xây cầu vượt tại ngã năm Ô Chợ Dừa, nơi có di tích đàn Xã Tắc là ví dụ điển hình của việc chính quyền thành phố đã tạm thời gác lại việc xây một cầu vượt ở khu vực này dù xây dựng cầu vượt là cần thiết tại tuyến Xã Đàn - Hoàng Cầu- khu vực thường xuyên xảy ra ùn tắc bởi lưu lượng giao thông rất lớn. Song vấn đề giải quyết nút giao thông này thế nào để bảo đảm không xâm phạm di tích đàn Xã Tắc- một di tích đặc biệt quan trọng cần được bảo tồn- là một thách thức.
Mới đây nhất, Hà Nội đề xuất xây ga ngầm C9 ở khu vực Hồ Gươm và khẳng định, vị trí đặt ga C9 không ảnh hưởng đến các di tích tại khu vực Hồ Gươm. Phản biện ý kiến này, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đưa ra những kiến giải liên quan đến việc bảo vệ các tầng di tích nơi đây cũng như băn khoăn, việc xây ga ngầm cạnh hồ Gươm còn có nguy cơ tắc nghẽn giao thông ở đây khi tiếp nhận lượng hành khách lớn từ ngoài vào trung tâm. Vì vậy, Bộ Văn hoá, Thể thao và Du lịch tiếp tục đề nghị TP Hà Nội điều chỉnh hướng tuyến, vị trí nhà ga và các công trình phụ trợ để không gây ảnh hưởng bất lợi đối với các di tích, tuân thủ Luật Di sản văn hoá. Đến thời điểm này chưa ngã ngũ với vị trí đặt ga ngầm C9. Có lẽ đây cũng là một thách thức với chính quyền TP trong việc lựa chọn phương án nào, phát triển hay bảo tồn.
Quy hoạch bảo tồn di sản văn hóa là vấn đề rất lớn, không thể giải quyết một sớm một chiều, đặc biệt là cần những người phải thực sự hiểu về di sản. Bảo tồn và phát triển là bài toán xung đột muôn đời, vấn đề là giải quyết bài toán này như thế nào để điều hòa lợi ích của bảo tồn và phát triển. Không bao giờ thỏa mãn được tất cả những lợi ích, mà phải hài hòa từng bên.
Vậy để giải quyết bài toán này chúng ta nên làm thế nào? Nhà văn Hoàng Quốc Hải từng nói không phải cái gì cũng bảo tồn mà bảo tồn phải có chọn lọc. Chẳng hạn tại xung quanh khu vực Hồ Gươm tập trung rất nhiều di sản kiến trúc và văn hóa. Do đó, cần phải bảo tồn, không được đụng đến, đặc biệt là không xây dựng các nhà cao tầng bao quanh khu vực. Ngoài ra, tại Hà Nội còn có khu vực làng cổ Đường Lâm. Nếu chúng ta muốn bảo tồn cần phải có một Đường Lâm B để giãn dân ra đó, còn Đường Lâm cổ bây giờ chỉ để tham quan. Ngay trường hợp phố cổ của Hà Nội cũng phải như vậy. Hiện nay, các nhà quy hoạch vẫn chưa thấu đáo các vấn đề về văn hóa mà chỉ nghĩ đến tính tiện ích về quy hoạch. Việc giãn dân phố cổ tại Hà Nội phải kèm theo các giải pháp cụ thể về kinh tế vì kinh phí có đủ mới đảm bảo giãn dân để giữ lấy khu phố cổ….Với những di sản có bề dày như vậy thì những nhà quy hoạch “đừng động” đến để giữ lại cái hồn, cái cốt cho Hà Nội.
Và tất nhiên, không nên và không thể “bảo tàng hóa” cả thành phố. Không gian phố phường cho dù có nhiều di tích, di sản thì vẫn có các sinh hoạt đô thị diễn ra hàng ngày, hàng giờ. Và ngay cả trong các công trình di sản, vẫn có các hoạt động của cư dân sinh sống trong đó. Trong một thực thể sinh động như vậy, người quản lý phải thống kê, phân loại từng loại đối tượng để bảo tồn và khai thác phù hợp. Theo nhiều chuyên gia trong lĩnh vực này, phải hài hòa giữa bài toán bảo tồn và phát triển để công tác bảo tồn di sản thực sự bền vững. Đó là cách để giải quyết bài toán giữa “đọng” và “chảy”, sao cho những giá trị của di sản vẫn đọng lại, không bị mất đi trước dòng chảy của cuộc sống.