Thần đồng và giáo dục sớm

Hàn Minh 23/01/2016 15:10

Không hiếm những cô bé, cậu bé được báo chí đưa tin mới 3, 4 tuổi đã có thể đọc làu làu một tờ báo, làm toán đến phạm vi 100 và nhiều khả năng hiếm có khác. Sau đó, các nhà khoa học cũng đến tìm hiểu, ghi nhận về những trường hợp này. Nhưng vài năm sau quay trở lại, “dấu vết” thần đồng đã ít nhiều phai nhạt. 

Thần đồng và giáo dục sớm

Dấu vết các thần đồng đang bị phai nhạt (Ảnh minh họa).

1. Gần chục năm về trước, cái tên Trần Ngọc Châu Long được nhiều người nhắc đến với danh xưng “thần đồng” khi mới 18 tháng tuổi, em đã đọc được chữ cái tiếng Việt, đọc được từ, số tiếng Anh, Pháp, thuật ngữ toán học. Bố em đã kiên trì áp dụng phương pháp giáo dục “Phương án 0 tuổi” của GS Phùng Đức Toàn bên Trung Quốc với những thẻ học toán, chữ cái bằng nhiều thứ tiếng Việt, Anh, Pháp… ngay từ khi Long mới sinh ra.

Tài năng của Long đã được các nhà khoa học kiểm chứng. Nhưng giờ đây, những tài năng ấy của Long đã mai một đi ít nhiều khi không có được một môi trường, một giáo án giáo dục phù hợp để khơi dậy những tố chất, tiềm năng ấy phát triển ở lứa tuổi lớn hơn.

Một điều đáng tiếc khác ở cậu bé Châu Long là trong giai đoạn ấu thơ, vì quá ham học hỏi, em đã không dành nhiều thời gian vui chơi, hoạt động thể chất như bạn bè cùng tuổi khiến sức khỏe của em không được tốt, thường hay bị bệnh.

2. Cậu bé Phạm Tuấn Minh ở Bắc Ninh từng nổi tiếng trên truyền thông khi mới 4 tuổi, em đã có thể thuộc lòng lịch vạn niên, đọc rõ can chi của từng năm. Em được đánh giá là trường hợp hiếm gặp trên thế giới. Bẵng đi một thời gian trở lại thăm em, người bạn là đồng nghiệp của tôi làm ở Đài Phát thanh truyền hình Bắc Ninh đã không khỏi nuối tiếc khi hiện nay, Minh chẳng khác gì lắm những cậu bé bình thường khác khi ngày ngày quẩn quanh với những câu hỏi, bài toán đơn giản vốn trước kia đã không làm khó được em.

Ông ngoại Minh cho biết, do điều kiện công việc, mẹ em thường đi công tác xa, có khi cả tuần mới về nên ít có cơ hội chuyện trò, dạy em học. “Tài năng của Minh suy giảm vì không được luyện tập thường xuyên” là điều ông trăn trở.

3. Theo GS. VS Phạm Minh Hạc, 3 yếu tố tạo nên một người thành công là do ảnh hưởng của thế hệ trước thông qua mã di truyền, yếu tố thứ hai là do nỗ lực học tập của từng người, thứ ba là môi trường giáo dục, môi trường sống. Người nào gặp tổ hợp của 3 điều này thì sẽ dễ thành công hơn. Điều này cũng được thực tế kiểm chứng khi không phải thần đồng nào cũng trở thành thiên tài khi trưởng thành.

Bởi thiên tài chỉ có 1% là gen, 99% là phương pháp và sự nỗ lực của bản thân. Một khi phương pháp không đúng, môi trường sống, môi trường giáo dục không phát huy hết được tiềm năng của một đứa trẻ thì dù đã từng là thần đồng, tài năng cũng sẽ bị mai một theo năm tháng. Chính vì thế, các chuyên gia giáo dục luôn nhắc nhở các bậc phụ huynh rằng giáo dục một đứa trẻ là một hành trình dài, không phải là câu chuyện của một vài tháng, một vài năm.

Ở đó cần sự nỗ lực kiên trì của người bố mẹ và cả sự sáng suốt, bởi không ai hiểu con hơn bố mẹ. Và trẻ con cũng giống như rau quả, cũng cần thời gian để đảm bảo sức khỏe thể chất và tinh thần. Người lớn không nên chỉ chú trọng phát triển tài năng, kiến thức mà phải biết kết hợp hài hòa các mặt giáo dục để tạo điều kiện phát triển tốt nhất về nhân phẩm, sức khỏe, tinh thần trong suốt quá trình trưởng thành của trẻ.

4. Nhà văn, nhà báo Hồ Thị Hải Âu trong cuốn sách “Mẹ Việt dạy con bước cùng toàn cầu” cũng chia sẻ mối băn khoăn của nhiều bậc phụ huynh khi phải đối mặt với những trào lưu giáo dục sớm đang rất rầm rộ hiện nay ở Việt Nam.

Chị cho rằng ở giai đoạn dưới 10 tuổi, nhà giáo dục đầu tiên, cần thiết nhất của trẻ không thể là ai khác ngoài cha mẹ. Khi trẻ dưới 4 tuổi, kỳ vọng giáo dục sớm của cha mẹ phải được hiểu là cha mẹ nỗ lực yêu thương, chăm sóc con một cách có hiểu biết, trong một môi trường ấm áp, lành mạnh của gia đình, cha mẹ làm, cha mẹ nhìn vào mắt bé nói lời yêu thương, hướng dẫn, trẻ sẽ nhìn, quan sát (trẻ ghi nhớ vào não bộ một cách không ý thức) rồi bắt chước. Những lớp huấn luyện kỹ năng sớm cho trẻ sẽ chỉ cung cấp những nhận thức, những chuẩn mực xã hội thông qua mô hình, thông qua khái niệm cứng nhắc – kiểu tư duy mà chỉ những trẻ trên 10 tuổi mới đủ năng lực hấp thụ, không phải phù hợp với mọi trẻ.

Vì thế, giáo dục sớm phải được nhìn nhận trách nhiệm của cha mẹ là nền tảng với sự chuẩn bị tốt về tâm thế và hiểu biết. Chị cũng đưa ra lời khuyên về việc lựa chọn môn học đầu tiên để giới thiệu với trẻ, nên dựa trên tâm lý lứa tuổi với lý do để tạo hứng thú và lôi cuốn trẻ học mà không tạo ra áp lực chưa tương xứng với độ tuổi của trẻ.

Với con gái mình, chị đã cho con làm quen với bơi lội và vẽ do gần với bản tính thích hoạt động của trẻ, không bị gò bó bởi tính kỷ luật, khổ luyện gắt gao ngay từ đầu như học piano… Nói vừa học, vừa chơi chính là như thế.

“Nếu ai dạy con với mong muốn con trở thành thiên tài thì người đó sẽ thất vọng bởi giáo dục sớm không phải là giáo dục đặc biệt để con người trở thành thiên tài. Mục đích của giáo dục sớm là để phát huy tiềm năng của trẻ về mặt trí tuệ cũng như thể lực bằng trách nhiệm và tình yêu thương của cha mẹ và các nhà giáo dục” -

PGS.TS.NGND Nguyễn Võ Kỳ Anh

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Thần đồng và giáo dục sớm