Ý tưởng xây dựng đường sắt cao tốc Bắc - Nam được Bộ Giao thông Vận tải (GTVT) đề xuất đang nhận được sự quan tâm sâu sắc của dư luận.
Theo đó, Bộ GTVT đã kiến nghị phương án lựa chọn thực hiện đầu tư dự án theo kịch bản 3 với các nội dung chính như sau: Dự án có mục tiêu để cụ thể hóa chiến lược và quy hoạch phát triển giao thông vận tải; Quy mô Dự án có tổng chiều dài khoảng 1.559 km, khổ đường 1.435m gồm 24 ga, 3 ga quy hoạch tiềm năng, 5 đề-pô, 42 cơ sở bảo trì hạ tầng; Tốc độ thiết kế 350 km/h, khai thác 320 km/h; Tổng mức đầu tư 1.344.459 tỷ đồng (tương đương 58,7 tỷ USD).
Hiện đại hóa hệ thống đường sắt của đất nước là rất cần thiết.
Tuy nhiên, trong khi Bộ GTVT đề xuất phương án đầu tư Dự án đường sắt tốc độ cao trên trục Bắc - Nam với tổng vốn đầu tư lên tới 58,7 tỷ USD thì Bộ Kế hoạch và Đầu tư (KHĐT) cho rằng, tuyến đường này có thể được xây dựng với tổng vốn đầu tư chỉ khoảng 26 tỷ USD, thấp hơn con số mà Bộ GTVT đưa ra đến hơn 32 tỷ USD.
Bộ KHĐT cho hay, qua nghiên cứu và kinh nghiệm trên thế giới, thì chi phí đầu tư xây dựng đường sắt có tốc độ 200 km/h thấp hơn khoảng 10% chi phí đầu tư đường sắt có tốc độ 350 km/h. Chi phí đầu tư phương tiện thiết bị chênh lệch từ 9% - 26%.
Cụ thể, dẫn ra dữ liệu của người Hà Lan, Bộ KHĐT nêu rõ, nghiên cứu nâng cấp tuyến đường sắt Dusseldorf (biên giới nước Đức) đến Amsterdam đang khai thác với tốc độ 200 km/h thành 300 km/h bằng tốc độ đoạn Dusseldorf đến Frankfurt. Kết quả là khi nâng tốc độ chạy tàu từ 200 km/h thành 300 km/h thì chi phí đầu tư và vận hành tăng từ 1,8 tỷ EUR lên 3,4 tỷ EUR (tăng 1,9 lần) không hiệu quả nên Chính phủ Hà Lan đã quyết định không nâng cấp tuyến đường nói trên.
Như vậy, rõ ràng nếu đầu tư xây dựng trục đường sắt tốc độ cao Bắc - Nam với tốc độ giảm đi 150km/h thì số vốn đầu tư sẽ giảm đi nhiều lần.
Xã hội càng phát triển, nhu cầu đi lại, vận chuyển hàng hóa của người dân càng gia tăng. Trong bối cảnh đó, việc đầu tư, xây dựng các tuyến giao thông để đáp ứng nhu cầu của người dân, doanh nghiệp là điều đáng được quan tâm. Đề xuất xây dựng tuyến đường tốc độ cao trục Bắc - Nam của Bộ GTVT hoàn toàn được dư luận xã hội, được người dân, cộng đồng DN đồng tình. Tuy nhiên, đầu tư thế nào, tốc độ bao nhiêu cho hợp lý với điều kiện của chúng ta hiện nay là một trong những vấn đề cần chú trọng.
Tuyến đường Bắc - Nam có thể được coi là tuyến đường huyết mạch của cả nước. Nhu cầu đi lại cũng như vận chuyển hàng hóa trên tuyến đường này là rất lớn. Nhưng tuyến đường này lạc hậu, lỗi thời so với sự phát triển. Đầu tư xây dựng một tuyến đường sắt hiện đại xuyên Việt là cần thiết, nhưng nhìn vào tổng mức đầu tư như đề xuất của Bộ GTVT, 58,7 tỷ USD, nhiều ý kiến cho rằng đó sẽ là gánh nặng của nền kinh tế.Với một nước vẫn đang còn ở mức thu nhập trung bình như Việt Nam, việc đầu tư này phải chăng chưa phù hợp? Đó còn chưa kể đến việc, nếu đi vào triển khai, một công trình đồ sộ đòi hỏi hàm lượng công nghệ cao như vậy, chúng ta sẽ phải tính tới việc lựa chọn công nghệ sao cho đồng bộ để tránh tình trạng chắp vá, gây phát sinh chi phí và khó làm chủ công nghệ.
Trở lại với những đánh giá mới nhất của Bộ KHĐT về dự án này, Bộ này cũng nêu lên những băn khoăn, lo ngại về việc xây dựng tuyến đường sắt cao tốc Bắc - Nam với thiết kế lên đến 350km/h, tốc độ khai thác 320km/h… sẽ có nhiều rủi ro, tác động xấu đến nguồn vốn đầu tư phát triển. Phương án được Bộ này đề xuất và coi là tối ưu hơn cả, đó là nâng cấp tuyến đường sắt cũ để chở hàng hóa và đầu tư mới một tuyến đường sắt tốc độ cao để chuyên chở khách. Đề xuất này nhận được nhiều ý kiến đồng tình khi chỉ đầu tư tuyến đường sắt chạy với tốc độ 160-200km/h. Đó là phương án hợp lý trong cả điều kiện về sơ sở hạ tầng cũng như khả năng về tài chính của chúng ta hiện nay.
Như đã nói, cơ sở hạ tầng giao thông ở Việt Nam hiện nay vẫn đang còn nhiều ngổn ngang, bất cập. Việc đầu tư xây dựng một tuyến đường sắt tốc độ cao trên trục đường huyết mạch của cả nước là cần thiết. Do đó, không có gì ngạc nhiên khi đề xuất xây dựng tuyến đường sắt cao tốc Bắc - Nam nhận được sự đồng thuận của dư luận xã hội. Song, trong bối cảnh nguồn ngân sách nhà nước còn hạn hẹp, “món” nợ công vẫn đang “treo lơ lửng” thì rất cần phải cân nhắc những phương án đầu tư sao cho hợp lý nhất. Tránh tình trạng phát sinh chi phí như một số công trình xây dựng cơ bản, gây bức xúc kéo dài trong dư luận xã hội, đồng thời cũng tác động tiêu cực lên nền tài chính của quốc gia.