Văn hóa

Thận trọng khi tu sửa cầu Long Biên

Phạm Sỹ 05/09/2024 07:50

UBND TP Hà Nội vừa có quyết định thành lập Tổ chuyên gia triển khai hỗ trợ công tác sửa chữa “Dự án Hỗ trợ nghiên cứu, cải tạo cầu Long Biên”. Thời gian qua, mặc dù có nhiều phương án trùng tu, sửa chữa được đưa ra nhưng ý kiến chuyên gia cho rằng, vẫn chưa thể thực hiện để đúng tầm vóc các giá trị vốn thuộc về cây cầu.

cau
Cầu Long Biên trong dòng chảy thời gian. Ảnh. Lê Khánh.

Tránh việc duy tu nhỏ giọt, hỏng đâu “vá” đó

Cách đây 110 năm, vào năm 1914, sau hơn 10 năm đưa vào sử dụng, chính quyền thuộc địa lúc bấy giờ đã lên kế hoạch mở rộng thêm làn đường bộ trên cầu Long Biên vốn trước đó chỉ có đường sắt. Ngày 26/4/1924, cầu Long Biên được khánh thành lại sau khi được mở rộng nâng tầm, có nghĩa là đúng 100 năm cầu Long Biên mang hình dáng và công năng sử dụng như ngày nay.

Không ít lần sửa chữa, nhưng theo thời gian cầu Long Biên đã xuống cấp cho dù đã được những cây cầu khác chia sẻ nhưng vẫn phải oằn mình gánh lượng phương tiện lưu thông lớn cả đường sắt và bộ. Tình trạng duy tu nhỏ giọt, hỏng đâu “vá” đó khiến cây cầu ngày một xuống cấp, già nua.

Đã có rất nhiều cuộc bàn thảo tìm cách bảo tồn, phát huy giá trị của cầu Long Biên. Cùng đó là các dự án khôi phục cây cầu đặc biệt này. Đáng chú ý là vào tháng 2/2014, Bộ Giao thông vận tải đề xuất 3 phương án xây mới và sửa cầu Long Biên. Phương án 1: Xây dựng cầu mới tại vị trí tim cầu Long Biên hiện tại, di dời 9 nhịp cầu cũ về phía thượng lưu để bảo tồn.

Phương án 2: Xây dựng cầu mới tại vị trí tim cầu hiện tại có kết cấu nhịp giàn thép tương tự của cầu Long Biên hiện nay như thiết kế ban đầu năm 1902. Phương án 3: Xây dựng cầu mới có một phần vị trí tại tim cầu hiện tại, giữ nguyên các nhịp cầu cũ để bảo tồn...

Giới chuyên gia cho rằng, đã đến lúc cần có một phương án tổng thể về việc bảo tồn và tôn tạo cầu Long Biên trên cơ sở khoa học, chọn lọc những giá trị tiêu biểu trong suốt lịch sử biến động của cây cầu để bảo tồn, phục dựng cho hậu thế mai sau.

Theo quyết định của UBND TP Hà Nội về việc thành lập Tổ chuyên gia triển khai hỗ trợ công tác sửa chữa “Dự án Hỗ trợ nghiên cứu, cải tạo cầu Long Biên”, ông Đỗ Việt Hải - Phó Giám đốc Sở Giao thông vận tải Hà Nội được cử làm Tổ trưởng. Thành viên tham gia tổ công tác gồm lãnh đạo các sở, ngành có liên quan và hiệp hội chuyên môn, trong đó có Hội Kiến trúc sư Việt Nam, Hội Kiến trúc sư Hà Nội.

Nhiệm vụ của Tổ công tác là phối hợp với Đại sứ quán Pháp đề xuất và triển khai các hoạt động nghiên cứu cải tạo cầu Long Biên; xây dựng nội dung dự án “Hỗ trợ nghiên cứu, cải tạo cầu Long Biên” làm cơ sở để Sở Giao thông vận tải báo cáo UBND TP Hà Nội thực hiện các thủ tục tiếp nhận, triển khai dự án hỗ trợ kỹ thuật theo quy định về quản lý nguồn vốn ODA và các quy định pháp luật liên quan.

cau long bien ảnh 4
Cầu Long Biên được tu sửa hàng năm. Ảnh. P. Sỹ.

Cần một phương án tổng thể

Nhìn nhận về động thái của Hà Nội đối với việc duy tu, bảo dưỡng cầu Long Biên, KTS Đào Ngọc Nghiêm - Phó Chủ tịch Hội Quy hoạch phát triển đô thị Việt Nam cho rằng, đây là việc rất cần thiết. Công tác duy tu, bảo dưỡng cầu Long Biên là một vấn đề đã được đặt ra từ lâu nhưng đến nay chúng ta vẫn chưa có một phương án tổng thể đúng với tầm vóc của cây cầu bởi chưa thống nhất được các quan điểm duy tu, bảo dưỡng cây cầu.

Đã đến lúc cần triển khai các chính sách bảo tồn, tôn tạo để lấy lại cho cây cầu những giá trị mới, lớn hơn giá trị hiện tại. Khởi công từ năm 1898 và đưa vào sử dụng năm 1902, đến nay cây cầu đã bước sang tuổi 122. Theo ông Nghiêm, năm 1973, cầu Long Biên đã được cải tạo, sửa chữa, xây thêm một số trụ cầu mới, không còn hiện trạng ban đầu như khi Pháp xây dựng. Vậy vấn đề đặt ra là chúng ta sẽ duy tu, cải tạo và phục dựng cầu theo giai đoạn nào?

“Tôi cho rằng, sau khi có chủ trương, cơ quan chức năng nên trao đổi với các nhà khoa học và đặc biệt tổ chức hội thảo lấy ý kiến của nhân dân trên cả nước để đi đến thống nhất nên bảo tồn theo hướng nào. Đây là việc rất quan trọng. Có định hướng, có chủ trương nhưng cũng cần sự thống nhất về quan điểm duy tu, bảo dưỡng” - KTS Đào Ngọc Nghiêm nhấn mạnh.

Theo các chuyên gia, trong quá trình nghiên cứu phương pháp bảo tồn, tôn tạo cần lưu ý đến yếu tố gắn kết với quy hoạch phân khu đô thị sông Hồng mới được phê duyệt gần đây. Để từ đó, cầu Long Biên và bãi giữa sông Hồng sẽ bồi đắp cho nhau, tạo nên không gian văn hóa, điểm đến du lịch, biến nơi đây trở thành công viên trung tâm của Thủ đô.

Chia sẻ với phóng viên Báo Đại Đoàn Kết, KTS Trương Ngọc Lân - Phó trưởng khoa Kiến trúc và Quy hoạch (Trường Đại học Xây dựng Hà Nội) cho rằng, cầu Long Biên đã xuống cấp nhiều, việc tu sửa là điều bắt buộc. Tuy nhiên, đây là một di sản, hình ảnh của cây cầu gắn liền với một phần của lịch sử thành phố và đi vào kí ức của nhiều thế hệ người Hà Nội, vì vậy, nếu chúng ta tu sửa để giúp công trình an toàn, vững chắc, phục vụ tốt nhu cầu sử dụng hiện nay và tương lai thì cũng cần phải thực hiện theo hướng tiếp cận bảo tồn di sản.

KTS Trần Ngọc Chính - Chủ tịch Hội Quy hoạch Phát triển đô thị Việt Nam cũng nhấn mạnh, đã đến lúc cần có một phương án tổng thể về việc bảo tồn và tôn tạo cầu Long Biên trên cơ sở khoa học, chọn lọc những giá trị tiêu biểu trong suốt lịch sử biến động của cây cầu để bảo tồn, phục dựng cầu cho hậu thế mai sau. Quá trình bảo tồn, tôn tạo cầu Long Biên phải đứng trên góc độ coi cầu Long Biên như một di sản đô thị của Hà Nội. Cần tính toán làm sao để có thể giảm bớt công năng giao thông, đồng thời, tăng dần công năng văn hóa của cây cầu để vừa bảo tồn, tôn tạo, vừa phát huy được giá trị lịch sử của cây cầu di sản này.

KTS Trương Ngọc Lân lưu ý, để có phương án trùng tu, sửa chữa cầu một cách phù hợp thì cần có các cơ sở khoa học vững chắc từ thiết kế gốc và hiện trạng. Vì vậy cần có công tác khảo sát, đánh giá hiện trạng thật kỹ càng, thận trọng của các chuyên gia Việt Nam và Pháp. Khi đã có số liệu và đánh giá được chi tiết, chính xác về tình trạng hiện nay của cây cầu thì mới có thể đưa ra được giải pháp tốt nhất.

Hiện Hà Nội đã có 7 cây cầu bắc qua sông Hồng, nhưng duy nhất cầu Long Biên là cây cầu có tuyến đường sắt đi xuyên qua khu phố cổ, nằm ở ranh giới giữa trong và ngoài thành cổ. Cây cầu 122 tuổi này đến nay đã trải qua 3 lần cải tạo lớn và nhiều lần cải tạo trùng tu khác. Tuy nhiên, do tuổi thọ cao và bị chiến tranh tàn phá, nên cầu Long Biên không tránh khỏi sự xuống cấp trầm trọng, gây mất an toàn giao thông.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Thận trọng khi tu sửa cầu Long Biên