Mới đây một số doanh nghiệp (DN) hoạt động trong lĩnh vực điều, gia vị phản ánh về tình trạng lừa đảo trong xuất khẩu. Theo các chuyên gia, DN xuất khẩu cần thận trọng khi đưa hàng ra thị trường thế giới.
Nhiều doanh nghiệp xuất khẩu bị lừa đảo
Công ty Tín Mai (thành viên của Hiệp hội Điều Việt Nam - VINACAS) đã có đơn kiến nghị gửi đến Hiệp hội phản ánh về vụ việc nghi bị lừa đảo trong xuất khẩu điều nhân. Cụ thể, Công ty Tín Mai ký hợp đồng bán nhân điều cho một công ty ở Dubai (UAE). Khách đã ứng 15% tiền. Công ty đã giao hàng và ngày 24/6/2023 đã đến cảng Jebel Ali, UAE. Hàng đã được lấy và trả container rỗng ngày 27/6/2023, trong khi Công ty Tín Mai vẫn chưa được thanh toán 85% trị giá lô hàng. Mặc dù ngân hàng Sacombank đã gửi 2 điện (Swift) đến ngân hàng bên mua yêu cầu thanh toán và hoàn trả bộ chứng từ nhưng không được thực hiện.
Được biết, ngoài Công ty Tín Mai còn có 2 DN trong ngành tiêu và cây gia vị gặp tình trạng tương tự với cùng một khách hàng và ngân hàng nói trên.
Trước sự việc trên, Vụ Thị trường châu Á - châu Phi (Bộ Công thương) đã có Công hàm số 1465 ngày 21/7/2023 gửi Đại sứ quán UAE tại Hà Nội đề nghị Đại sứ quán thông báo với các cơ quan có thẩm quyền liên quan xem xét và xử lý vụ việc.
Đây không phải là lần đầu việc xuất khẩu điều của DN gặp tình trạng lừa đảo. Thương vụ Việt Nam tại Algeria cho biết năm 2022, một công ty Việt Nam đã xuất khẩu sang Algeria 5 container hạt điều qua trung gian là một DN đặt tại Nam Phi. Tuy nhiên, khi hàng đến cảng của Algeria, khách hàng là Công ty Eurl ATS Food của Algeria không thể làm thủ tục thông quan. Công ty này bị Bộ Thương mại Algeria đưa vào danh sách các DN nghiệp gian lận thương mại trước đó. ATS Food được cho là mất năng lực pháp lý để thực hiện các thủ tục như nhập khẩu, nhận hàng thay thế hay tái xuất hàng. Theo quy định, hàng hóa nằm tại cảng trong thời gian quy định kể từ khi được dỡ khỏi tàu mà không có DN đủ điều kiện nhận hàng thì hải quan Algeria sẽ tiến hành bán đấu giá để sung công quỹ.
Cũng trong năm 2022, một vụ lừa đảo 100 container điều xuất sang Italy đã xảy ra nhờ có sự vào cuộc của cơ quan chức năng nên đã kịp thời gỡ khó cho DN.
Khuyến cáo từ cơ quan chức năng
Câu hỏi đặt ra: Tại sao nhiều DN xuất khẩu nông sản bị lừa gạt ở nước ngoài? Trả lời, phía Bộ Công thương và các hiệp hội đều cho rằng trước áp lực của việc mở rộng thị trường, gia tăng doanh số, nhiều DN xuất khẩu đã tìm đến và hợp tác với những khách hàng mới khi chưa nắm rõ thông tin. Điều này có thể đem đến những rủi ro về tín dụng hoặc bị lừa đảo chiếm đoạt hàng hóa.
Trong khi đó giới chuyên gia cho rằng đối với hoạt động thương mại quốc tế tình trạng lừa đảo để chiếm đoạt tài sản (hàng, tiền) của các đối tác, bạn hàng khá phổ biến và ngày một tinh vi, bất chấp nỗ lực ngăn chặn của cơ quan chức năng ở các quốc gia.
Những năm qua các cơ quan chức năng trong nước và thương vụ nước ngoài liên tục cảnh báo về hiện tượng lừa đảo trong giao dịch thương mại quốc tế mà không ít DN Việt Nam mắc phải. Đặc biệt, trong bối cảnh các thị trường đang bị tác động nặng nề bởi đại dịch Covid 19, tình trạng lừa đảo trong giao dịch thương mại quốc tế càng có xu hướng gia tăng.
Xuất khẩu nông sản là mảng xuất khẩu dự báo tiềm năng nhất trong năm 2023. Tuy nhiên trong bối cảnh kinh tế thế giới đầy biến động, DN cũng khó khăn hơn trong việc phát triển thị trường mới thì DN xuất khẩu nông sản nói chung cần tìm hiểu kỹ thông tin về thị trường, khách hàng, đặc biệt là các khách hàng lạ từ các thị trường mới, thị trường nhỏ, tính pháp lý không cao.
Đại diện Hiệp hội Điều khuyến cáo để tránh các rủi ro, bị lừa đảo khi xuất khẩu, DN cần tìm hiểu kỹ khách hàng trước khi giao dịch như đề nghị cung cấp bản sao giấy phép kinh doanh, mã số thuế, hộ chiếu có ảnh của người đại diện hợp pháp công ty.... và nhờ các cơ quan chức năng của Việt Nam tại nước sở tại thẩm tra, xác minh các thông tin này.
Các thủ đoạn lừa đảo trong giao thương rất đa dạng, như giao hàng không trả tiền; làm giả giấy tờ, thậm chí là giấy tờ ngân hàng để lấy hàng, cài người lấy chứng từ xuất khẩu; sử dụng hacker xâm nhập địa chỉ email của 2 bên DN đang có giao dịch, theo dõi tiến trình đàm phán, khi bên mua chuẩn bị chuyển tiền mua hàng hóa thì "hack" email hoặc tạo tài khoản email giả mạo để gửi thông tin tài khoản, khi bên mua chuyển tiền vào tài khoản lừa đảo, đối tượng sẽ ngay lập tức rút tiền và biến mất...
Một số DN nước ngoài đã lợi dụng sự bất cẩn, thiếu chuyên nghiệp của các DN trong nước, như không yêu cầu tổ chức giám định có uy tín kiểm tra hàng trước khi giao hàng, không thẩm định các thông tin về DN đối tác, không có người phía Việt Nam sang làm việc… để chuyển hàng không giá trị, không đúng hợp đồng, hoặc thông báo hàng hỏng, kém chất lượng để ép giá, trừ nợ hoặc đòi bồi thường…
Đã nhiều lần Bộ Công thương đưa ra khuyến cáo các DN xuất khẩu cảnh giác trong giao dịch với những DN mới quen biết hoặc chưa có giao dịch làm ăn với nhau. Trước khi tiến hành các cam kết làm ăn hoặc chuyển tiền trả trước cho các DN dạng này, cần tiến hành một số bước để xác thực sơ bộ về công ty/đối tác nước ngoài. Bên cạnh đó, DN cần tìm hiểu thị trường, kiểm tra đánh giá, xếp hạng rủi ro tín dụng, kinh doanh của các đối tác nước ngoài. Việc thực hiện thẩm tra có thể thực hiện qua các nguồn tin công khai, mua dịch vụ từ các công ty chuyên cung cấp dịch vụ thẩm tra tín dụng, qua kênh của Hiệp hội tại các nước nhập khẩu, cơ quan đại diện ngoại giao, Thương vụ và Chi nhánh Thương vụ tại nước nhập khẩu…
Bộ Công thương khuyến cáo DN xuất khẩu cần cân nhắc việc sử dụng các dịch vụ của ngân hàng nhằm tăng khả năng thu hồi công nợ thông qua ngân hàng cung cấp dịch vụ, cũng như hỗ trợ DN tìm hiểu đánh giá các thông tin về đối tác nhập khẩu, đơn vị phát hành thư tín dụng. DN cần chú trọng nâng cao chất lượng chuyên môn, nghiệp vụ, ngoại ngữ, kiến thức pháp luật về thương mại quốc tế của đội ngũ nhân lực làm công tác ngoại thương, phát triển thị trường.