Giáo dục

Thận trọng với hạ chuẩn giáo viên

Hàn Minh 13/04/2024 09:44

Trước đề xuất của Bộ Giáo dục và Đào tạo (GDĐT), nhiều chuyên gia cho rằng, nếu hạ chuẩn, dự kiến các địa phương sẽ tuyển dụng được khoảng 10.000 giáo viên để thực hiện Chương trình GDPT 2018. Song, bài toán đặt ra là nhân sự có mặn mà với ngành giáo dục và sau tuyển dụng, những giáo viên này được xếp lương thế nào?

anhbaitren(3).jpg
Học sinh và giáo viên Trường Tiểu học Tứ Hiệp, huyện Thanh Trì, Hà Nội. Ảnh: NTCC.

Học sinh tăng, giáo viên không tuyển được

Theo thống kê của Bộ GDĐT, hiện nay tổng số giáo viên còn thiếu trong cả nước là 118.000 người. Lộ trình đến năm 2026, cấp có thẩm quyền đã giao chỉ tiêu bổ sung 65.980 biên chế giáo viên; riêng năm học 2022 - 2023 giao bổ sung 27.850 biên chế giáo viên mầm non, phổ thông công lập; năm học 2023 - 2024 giao bổ sung 27.860 biên chế. Tuy nhiên, các địa phương vẫn không tuyển đủ số giáo viên theo biên chế được giao. Đơn cử thống kê trong 2 năm qua, ngành giáo dục được giao bổ sung hơn 27.800 biên chế giáo viên mỗi năm, nhưng chỉ tuyển được hơn một nửa.

Một trong những lý do được đưa ra đó là do bế tắc về nguồn tuyển. Thông báo tuyển dụng được địa phương đưa ra, mỗi năm tuyển dụng 2 - 3 đợt nhưng người ứng tuyển ít hơn chỉ tiêu, người đỗ lại càng ít hơn nữa là thực trạng của không ít địa phương thời gian qua như Yên Bái, Lai Châu…. ở một số môn trong chương trình GDPT 2018 gồm Nghệ thuật, Tiếng Anh, Khoa học tự nhiên, Lịch sử và Địa lý.

Trong khi đó, số học sinh ngày càng tăng. So với năm học 2015 - 2016, bình quân cấp tiểu học hiện nay tăng 3,7 học sinh một lớp, THCS tăng 4.

Trước bài toán khó về nguồn tuyển, nhiều địa phương đã đề xuất hạ chuẩn đầu vào đối với giáo viên theo Luật Giáo dục năm 2019. Và Bộ GDĐT cũng đã xem xét đưa nội dung này vào dự thảo Tờ trình đề nghị xây dựng Nghị quyết của Quốc hội, được Bộ GDĐT gửi Chính phủ và công bố ngày 22/3. Dự thảo được lấy ý kiến từ nay tới hết ngày 22/4.

Theo đó, những địa phương thiếu giáo viên có thể được tuyển người tốt nghiệp cao đẳng đối với một số môn học đặc thù, thay vì đại học như Luật Giáo dục 2019 quy định trình độ chuẩn được đào tạo của nhà giáo phải đáp ứng có bằng cử nhân thuộc ngành đào tạo giáo viên trở lên đối với giáo viên tiểu học, THCS, THPT. Trường hợp môn học còn thiếu thì phải có bằng cử nhân chuyên ngành phù hợp và có chứng chỉ bồi dưỡng nghiệp vụ sư phạm.

Cần quy định chặt chẽ

Mặc dù còn rất nhiều băn khoăn đặt ra nếu hạ chuẩn để tuyển dụng đủ đội ngũ nhưng giải pháp này đang được nhiều địa phương ủng hộ. Dạy học phải đảm bảo giáo viên tại chỗ, không phải là đội ngũ giáo viên hợp đồng với thu nhập bấp bênh, không ổn định. Càng không thể chữa cháy mãi bằng cách mượn giáo viên ở Hà Nội dạy học online cho học sinh ở Hà Giang, Yên Bái… vì những khu vực này “trắng” giáo viên tiếng Anh. Chất lượng dạy học chắc chắn sẽ không thể đảm bảo nếu thiếu giáo viên, đây là yêu cầu tiên quyết.

Tuy nhiên, như đánh giá trước đó của Bộ GDĐT, việc nâng chuẩn giáo viên từ trình độ trung cấp (ở cấp tiểu học) và cao đẳng (ở cấp THCS) lên đại học của luật Giáo dục 2019 được xem là một bước đột phá nhằm nâng chất lượng đội ngũ giáo viên, yếu tố quyết định chất lượng giáo dục, giúp "đổi mới mạnh mẽ nhằm tạo hành lang pháp lý cho việc đào tạo, bồi dưỡng giáo viên đáp ứng yêu cầu đổi mới căn bản, toàn diện GDĐT. Nay nếu đề xuất hạ chuẩn được thông qua, rõ ràng cần phải có những quy định chặt chẽ đi kèm.

Theo GS.TS Phạm Tất Dong - nguyên Phó Chủ tịch Hội Khuyến học Việt Nam, nếu chấp nhận tuyển dụng giáo viên có bằng cấp thấp hơn quy định của Luật Giáo dục 2019 nhưng giáo viên phải có văn bản cam kết về việc sẽ tham gia các khóa đào tạo để đạt được chuẩn theo quy định, thời hạn có thể là 5 - 10 năm cần tính toán kỹ nhưng không thể nợ chuẩn vô thời hạn. “Công việc của giáo viên hiện nay rất bộn bề, nhất là những nơi thiếu giáo viên phải dạy tăng cường thêm số tiết nên để sắp xếp học nâng chuẩn cũng cần được các nhà trường tạo điều kiện. Giáo viên chủ động, tích cực, nhà trường khuyến khích, tạo điều kiện hỗ trợ thì mới có thể nhanh chóng để nâng chuẩn về bằng cấp, trình độ, đáp ứng yêu cầu giảng dạy theo Luật” - ông Dong nêu quan điểm.

Về lâu dài, các chuyên gia nhìn nhận Bộ GDĐT cần có chính sách dài hơi trong đào tạo giáo viên ở những môn đặc thù đang thiếu trầm trọng. Trong đó, có thể thể xem xét cho phép tăng chỉ tiêu tuyển sinh đối với các nhóm môn đang thiếu giáo viên, nhằm đảm bảo số sinh viên được đào tạo ra trường đủ đáp ứng nhu cầu về nguồn nhân lực giáo dục tại địa phương.

Đối với nguyên nhân cử nhân một số môn như Ngoại ngữ, Tin học… tốt nghiệp ra trường nhưng không mặn mà với nghề giáo, rõ ràng cách giải quyết phải là cải cách chế độ tiền lương, các chính sách thu hút, đãi ngộ với nhà giáo phải được các cơ quan, ban ngành và địa phương xem xét.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Thận trọng với hạ chuẩn giáo viên

    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO