Hà Nội đương thu, tiết trời se lạnh khiến lòng người cũng thấy dịu dàng hơn.
Sớm mai, trong dòng người tấp nập ngược xuôi trên các con phố, lại thấy thấp thoáng những gánh hàng rong - những thức quà của mùa thu. Hồng chín đỏ, chuối trứng cuốc vàng ươm và cốm thì xanh mướt. Cũng lạ thật, mọi thứ có thể thay đổi theo thời gian, thế nhưng những thúng, những mẹt cốm của các bà, các mẹ thì vẫn vậy. Vẫn mướt một màu xanh của lá sen, của lạt rơm và cốm.
Những hạt xanh non như kết tinh hết hương thơm của đất, của trời. Nó làm người ta nôn nao chờ đợi khi tháng 9 về. Cốm giờ có quanh năm, nhưng cứ phải là cốm của tháng 9 mới dẻo ngọt và thơm nức lòng, mới thỏa nỗi nhớ mong.
Chuối trứng cuốc mà ăn với cốm làng Vòng thì thật không gì bằng. Mùi thơm của cốm quện cùng vị ngọt của chuối tạo thành món quà tao nhã của người Hà Nội.
Và nhắc đến cốm Hà Nội là người ta nói đến cốm làng Vòng (phường Dịch Vọng, quận Cầu Giấy). Người trong làng kể rằng, ngày xưa, cũng cữ độ tháng 8 âm lịch, lúa vẫn còn ngậm sữa thì lũ đã tràn về, bà con trong làng vội ra cắt lúa mang về rang rồi giã cho người già ăn chống đói. Ăn rồi mới thấy thức quà này không chỉ giúp chống đói mà còn có hương vị đặc biệt thơm ngon. Vậy nên, công thức làm món ẩm thực này đã được giữ lại và truyền cho con cháu về sau. Rồi tự nhiên, nó thành đặc sản của làng, thành đặc sản của mùa thu Hà Nội.
Làng lên phố lâu rồi, nhưng nghề truyền thống vẫn được nhiều gia đình gìn giữ, như giữ hồn cốt cho làng. Người làng Vòng cũng tinh tế và nhanh nhạy với thị trường. Họ không chỉ làm cốm mộc mà chế biến thành nhiều sản phẩm khác nhau như xôi cốm, bánh cốm, chả cốm…
Cốm vẫn được bày bán trong làng, ngoài đường. Cũng là cốm, nhưng vào làng vẫn thấy có nét riêng. Các bà, các chị thoăn thoắt gói cốm trong 2 lớp lá, để cốm giữ được vị dẻo thơm và hương vị nhẹ nhàng của mùi lúa non còn vương trên từng hạt cốm. Mỗi gói cốm gửi tới khách vẫn kèm nụ cười, sự hồn hậu và chất phác rất… làng.
Nhưng các cụ cũng lo rằng, nghề sẽ dần mai một, trở thành hoài niệm. Nhất là đô thị hóa làng không còn ruộng canh tác, nhiều người phải thuê đất ruộng bên Đông Anh để trồng lúa, làm cốm, giữ nghề cho làng.