Là hoạt động vận tải hàng hóa xuất nhập khẩu chủ yếu của hàng ngàn doanh nghiệp trên địa bàn TP HCM và các tỉnh lân cận, dịch vụ vận tải hàng hóa bằng “sơ mi rơ móc” hay còn gọi là xe container hiện nay đang thể hiện nhiều bất cập, khó khăn.
Doanh nghiệp vận tải sơ mi rơ móc đang rất khó khăn.
Việc Cục Đăng kiểm Việt Nam liên tục thay đổi các quy định về tải trọng thiết kế, tải trọng toàn bộ sơ mi rơ móc khiến doanh nghiệp vận tải liên tục phải đầu tư thay mới và sửa chữa các phương tiện này.
Điều đáng nói, các sơ mi rơ móc này đều có quy chuẩn riêng áp dụng để chứa hàng hóa nên việc thay đổi quá nhiều lần sẽ khiến chính các nhà sản xuất sơ mi rơ móc trong nước cũng không theo kịp.
Thậm chí, việc thay đổi kích cỡ các sơ mi rơ móc này còn khiến cho quá trình xuất nhập khẩu hàng hóa đi các nước khác bị ảnh hưởng đáng kể vì khác với quy chuẩn cũ. Hay nhiều các sơ mi rơ móc vẫn còn thời gian đăng kiểm nhưng không thể hoạt động được, bị biến thành sắt vụn theo đúng nghĩa đen, gây lãng phí hàng trăm tỷ đồng.
Theo Hiệp hội doanh nghiệp vận tải TP HCM, từ năm 2014 đến nay, Cục Đăng kiểm Việt Nam đã nhiều lần thay đổi tải trọng thiết kế của các sơ mi rơ móc để buộc các doanh nghiệp vận tải phải áp dụng theo. Đó là các sơ mi rơ móc tải trọng 40 feet nhưng chỉ vận chuyển hàng hóa 20 feet.
Ngoài ra là các quy định về sử dụng sơ mi rơ móc 3 trục và 2 trục của nước ngoài. Đặc biệt, Hiệp hội vận tải hàng hóa Thành phố cũng kiến nghị Bộ GTVT nên dừng việc cải tạo sơ-mi rơ-móc, đồng thời thay đổi cách tính tải trọng áp dụng cho tổ hợp xe đầu kéo sơ-mi rơ-móc để vừa bảo vệ kết cấu hạ tầng giao thông vừa tạo điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp hoạt động.
Dừng xử phạt đối với người điều khiển xe, chủ doanh nghiệp vận tải, chủ phương tiện trực tiếp điều khiển xe vận chuyển hàng hóa mà tải trọng trục xe (bao gồm cả hàng hóa xếp trên xe, người được chở trên xe) vượt quá tải trọng cho phép của cầu, đường.
Chỉ xử phạt đối với lái xe, chủ phương tiện xe đầu kéo sơ-mi rơ-móc loại 5 hoặc 6 trục khi chở hàng quá tổng trọng lượng của xe. Bỏ hình thức kiểm tra tải trọng trục đối với tổ hợp xe đầu kéo sơ-mi rơ-móc nhằm góp phần hạn chế tiêu cực.
Theo luật sư Thái Văn Chung, Phó Chủ tịch Hiệp hội vận tải thành phố, một trong những khó khăn hiện nay của ngành vận tải chính là sự không đồng bộ của tải trọng cầu và đường. Hiện nay, hầu hết các khu công nghiệp đều nằm ở vùng ven TP HCM và các tỉnh lân cận như Long An, Tây Ninh…
Tuy nhiên, nhiều cây cầu tiếp nối giữa 2 tỉnh thành, cũng là tuyến đường huyết mạch để vận tải hàng hóa lại có tải trọng quá thấp, không tương xứng với tuyến đường. Trong đó, nhiều cây cầu độc đạo dẫn vào cổng khu công nghiệp chỉ có tải trọng dưới 30 tấn trong khi đường đi thì lại cho phép tải trọng trên 30 tấn.
Nghĩa là các xe vận tải chỉ có thể đi trên đường chứ không thể qua cầu. Hoặc chấp nhận chịu phạt, hoặc sẽ không bao giờ vận chuyển, lưu thông hàng hóa được.
Ngoài ra, các thùng sơ mi rơ móc nhập khẩu đều nguyên vẹn theo nhà sản xuất, không thể tháo dỡ giữa chừng nên gây rất nhiều khó khăn cho doanh nghiệp.
Việc doanh nghiệp vận tải phải đóng phí bảo trì đường bộ song song với phí sử dụng đường bộ nhưng rất nhiều tuyến đường ở thành phố vẫn bị cấm xe tải vô tội vạ và tải trọng cầu quá thấp khiến sự lưu thông hàng hóa thêm khó khăn. Hiện nay, chi phí vận chuyển hàng hóa ở các doanh nghiệp đều rất cao, là nguyên nhân kéo giảm sự phát triển, lưu thông của nền kinh tế.
Có thể nói, vận tải hàng hóa bằng các thùng sơ mi rơ móc đang chiếm phần lớn lượng hàng hóa lưu thông trên thị trường, nhất là đối với các doanh nghiệp hoạt động xuất nhập khẩu. Vì vậy, việc áp dụng đồng bộ các quy định, có lộ trình cần thiết và phù hợp với quy chuẩn chung của các nước trên thế giới và khu vực là yếu tố quan trọng, cần thiết.
Việc thay đổi quy chuẩn chung cần có lộ trình cụ thể, được sự ủng hộ của tất cả các cơ quan chức năng cũng như chính các doanh nghiệp vận tải để tránh gây lãng phí, thiệt hại cho doanh nghiệp.