Với sự bùng nổ của công nghệ thông tin, sinh viên Việt Nam đã và đang có thêm nhiều nhu cầu và cơ hội đi du học. Theo số liệu của tổ chức Iducation (IIE) năm học 2012-2013, Việt Nam là nước đứng thứ 8 về số lượng du học sinh tại Mỹ… Rất nhiều học sinh, sinh viên khi được hỏi về định hướng tương lai của mình, đều trả lời mong muốn sẽ được đi du học. Các bạn tin rằng, du học sẽ là bước đầu tiên đem đến sự thành công cho mình.
Các bạn trẻ tìm hiểu về du học qua các hội thảo, triển lãm.
Muôn ngả đường, một đích đến
Vũ Thanh Trung Nam, chàng trai vừa giành huy chương vàng Olympic Vật lý quốc tế chia sẻ, ước mơ của em là được đi du học. Nam tin rằng đi du học sẽ giúp em thể hiện tốt nhất bản thân mình. Tương tự, Nguyễn Thế Hoàn, cậu học sinh quê lúa Thái Bình với cú đúp 2 lần giành huy chương vàng Toán học quốc tế cũng không ngần ngại khẳng định, dự định lớn nhất của mình là đi du học Mỹ… Mỗi cá nhân một sự lựa chọn, một đích đến cho tương lai của mình. Nhưng điều cần thiết là phải trang bị thật tốt kiến thức, kĩ năng trước khi quyết định đi du học.
Theo chia sẻ của nhiều du học sinh, thì quá trình nộp hồ sơ, chọn trường là quá trình rất quan trọng. Lưu Mai Trang, từng đạt học bổng ASSIST khóa 2013-2014, Phó Chủ tịch VietAboarder club Hanoi (tổ chức truyền lửa du học cho tuổi trẻ Việt Nam) chia sẻ: Quá trình nộp đơn là một trải nghiệm không thể quên của nhiều người, với những “khủng hoảng” khi sắp gần kề deadline mà bài luận vẫn chưa vừa ý. Những ngày đêm “mất ăn mất ngủ” chờ đợi kết quả nhập học, những giây phút hụt hẫng, thất vọng khi ngôi trường bạn mơ ước được nhận vào từ chối bạn, hay những phút giây vỡ òa trong hạnh phúc khi cầm trên tay lá thư chúc mừng bạn đã được nhập học…
Với Trần Thùy Linh thì lại khác hơn. Em đạt giải nhì học sinh giỏi Quốc gia môn tiếng Anh năm 2014, và giải nhất năm 2015. Cũng là 1 trong 6 đại diện Việt Nam tham dự Junior Achievement FedEx Express International Trade Challenge. Linh cho biết: Em vừa nhận được kết quả của trường Princeton University - khóa 2019, đang cảm thấy vô cùng vui sướng. Tuy nhiên khi tham gia diễn đàn cùng những bạn cũng đạt học bổng như mình thì lại thấy sợ. Vì bạn nào cũng đầy kinh nghiệm. Làm thế nào để một bạn học hết phổ thông có thể bắt kịp, là điều bất cứ ai có dự định đi du học sớm cần phải xem xét thật kĩ.
Đi du học cần trang bị những gì?
Lê Trường Giang vừa hoàn thành xong năm nhất tại Franklin & Marshall College, chuyên ngành Quốc tế học và tiếng Nga chia sẻ: Điều quan trọng của những du học sinh là sự hòa nhập. Rất nhiều bạn Việt Nam đi du học nước ngoài nhưng chỉ chơi theo nhóm. Năm cấp 3 có mình Giang là người Việt Nam trong lớp, khi ấy Giang bắt buộc phải hòa nhập không thì sẽ thui thủi một mình. Và tất cả những ai đang đi du học, hay nung nấu ý định đi du học cũng nên vậy. Các bạn không thể cứ khép mình lại, chỉ chơi với người Việt mà phải học cách hòa đồng, cân bằng giữa chơi với các bạn quốc tế với trong nước. Cách hòa đồng của Giang là cố gắng tham gia các CLB ở Mỹ, những CLB cùng sở thích sẽ giúp gắn kết con người lại với nhau.
Để trấn an những bạn trẻ cảm thấy lo sợ trước khi lên đường đi du học, Nguyễn Nhất Quang (đã tốt nghiệp Truman University được 2 năm), hiện đang làm tại Công ty kiểm toán PwC nói: Cuộc sống đại học không thể nào biết là sẽ có gì. Với Quang, đời sống sinh viên không mấy ngạc nhiên, mà điều ngạc nhiên lớn nhất đối với Quang là năm cấp 3. “Mình đã bị sốc… văn hoá. Khi ấy mình ở với một gia đình người Mỹ, họ theo đạo thiên chúa. Mình hay hỏi sao họ theo đạo này, thì nhận được các câu trả lời rất cởi mở. Nhưng không phải lần nào cũng vậy, đã có lần cãi nhau rất “căng” về câu chuyện “ai tin vào chúa thì sẽ lên thiên đàng, ai không tin vào chúa thì xuống địa ngục”. Mình rút ra được một điều rằng, không bao giờ nên cãi nhau về chính trị hay tôn giáo với họ. Hãy tôn trọng đức tin ấy, bởi vì ai cũng có lí do”, Quang chia sẻ.
Điều quan trọng nữa, đó là phải làm sao cân bằng được thời gian học. Lê Trường Giang cho biết, lớp đại học ở Mỹ thời gian không bó buộc. Ngày có hai ba lớp, có ngày chả có lớp nào nên có nhiều thời gian rảnh. Có người nằm nhà ngủ, có người xem phim, có người ra ngoài tham gia ngoại khoá. Sinh viên hoàn toàn phải tự quản lý thời gian đó để không lãng phí. “Với mình, 4 năm học ở đây là thời gian quí giá nên phải tận dụng hết, phải tạo ra sự vui vẻ với những hoạt động của mình”, Giang nói.
Còn với những du học sinh sắp tốt nghiệp, thì câu hỏi phân vân về tương lai nghề nghiệp lại luôn là câu hỏi lớn nhất. Nguyễn Nhất Quang nói: Lúc nào mình cũng nghĩ đến vấn đề này. 1, 2 năm đầu thấy rằng mình đang khám phá, nhưng đến khi sắp hết cuộc chơi thì lại nghĩ phải làm gì: về Việt Nam, ở lại, hay sang nước thứ ba? “Thực sự mình cũng không biết trước được điều gì. Khi ở Mỹ không ai nghĩ mình sẽ về Việt Nam, bỏ một đống tiền xong lại đi về. Nhưng cuối cùng mình lại chọn về Việt Nam! Quyết định trở về tại thời điểm đó là quyết định tốt nhất lúc bấy giờ. Và mình hài lòng cho đến hiện tại”, Quang chia sẻ.
Bố mẹ phải rất hiểu con mình
“Trước khi quyết định cho con đi du học, mỗi phụ huynh cần phải hiểu tâm lý cũng như tính cách của con mình. Không phải đứa trẻ nào cũng dễ dàng bước ra ngoài xã hội, nhất là việc đi sang một đất nước hoàn toàn khác”, chị Đào Thu Hà, phụ huynh em Trần Khánh Linh, học sinh khóa 2018 (Oberlin College) cho biết. Chị nói: Cảm giác của tôi bây giờ đang rất nhớ con. Tôi nghĩ rằng nên cho con đi càng muộn càng tốt. Tính cách của con rất quan trọng để xác định xem có nên cho con đi du học hay không. Đứa thứ hai con tôi đang học lớp 8, giờ thì chúng tôi vẫn nghĩ nên để con học ở nhà. Còn với Khánh Linh thì “như cá gặp nước”, được thỏa sức với đam mê du học của mình.
Chị phân tích: Có rất nhiều phụ huynh cứ cố phải cho con đi du học bằng được, nhưng kết quả đã có những em phải bỏ dở học giữa chừng. Điều quan trọng nhất là bố mẹ phải hiểu con!
Tương tự, chị Nguyễn Thị Ngọc Thảo, phụ huynh em Nguyễn Ngọc Thuỷ, học sinh khóa 2019, Soka University of America chia sẻ: Từ khi học lớp 10 chuyên ngữ ĐHQG Hà Nội, con gái tôi đã tìm hiểu về du học Mỹ. Trong thâm tâm tôi thì chưa muốn cho con đi du học sớm như vậy. Tôi xem hết các cuộc hội thảo, để tìm hiểu cùng con. Sau khi con học xong phổ thông tại Mỹ, tôi thấy mình đã lựa chọn đúng khi cho con đi du học…