Thắt lưng buộc bụng

Thanh Giang 01/11/2016 09:00

Nhiều chuyên gia kinh tế bày tỏ quan ngại khi ngân sách trong tình trạng thâm hụt kéo dài. Giải pháp xã hội hóa nguồn vốn đầu tư, “thắt lưng buộc bụng” tiết kiệm chi tiêu, chung tay san sẻ nguồn thu giữa các địa phương đang được xem là cách giải bài toán thâm hụt ngân sách hiện nay.

Chỉ tính 6 tháng đầu năm ngân sách thu không đủ bù chi, dẫn đến khoản thâm hụt gần 83 ngàn tỷ đồng. Chủ yếu do giá dầu giảm, cắt giảm thuế theo cam kết hội nhập, đồng thời xuất hiện nhiều khoản chi đột xuất như hạn hán, xâm nhập mặn, bão lũ…

Theo Bộ Kế hoạch và Đầu tư, nhu cầu trong cân đối ngân sách nhà nước, nhu cầu chi phát triển kinh tế - xã hội, nhất là chi thường xuyên tiếp tục tăng cao từ 50% lên mức 65% tổng chi. Chi đầu tư phát triển bị giảm từ 30% xuống còn 17% tổng chi. Với tình hình hiện nay, tổng thu ngân sách sẽ không đủ để chi thương xuyên và trả nợ. Vì thế, việc thắt lưng buộc bụng trong chi tiêu dứt khoát phải được đặt ra, trong đó có cả việc hoãn chi những dự án chưa thật cần thiết, giảm ngân sách nhà nước để lại cho các địa phương. Đơn cử, TP HCM giảm từ 23% xuống còn 18%, Hà Nội giảm từ 42% như hiện nay xuống còn 28%, Đà Nẵng giảm mạnh từ 85% còn 6%, Bình Dương thay vì được giữ lại 40% nay giảm đi 4%...

Giải thích lý do giảm ngân sách nhà nước để lại cho địa phương ở 13 tỉnh thành, Chính phủ cho rằng thay vì phải bỏ thêm ngân sách Trung ương hỗ trợ các tỉnh/thành khó khăn thì Chính phủ thực hiện phương thức cắt một phần ngân sách Trung ương của các tỉnh kinh tế phát triển, san sẻ cho các tỉnh nghèo. Đây chính là cách “chia ngọt, sẻ bùi” cần thiết.

Tuy nhiên, với hình thức cắt giảm ngân sách nêu trên, nhiều đại biểu lại lo lắng, địa phương bị cắt giảm sẽ thiếu hụt nguồn tài chính để tái đầu tư, xây dựng hạ tầng. Đơn cử, nếu như TP HCM bị cắt 1% ngân sách tương đương khoảng 17.000 tỷ đồng. Nếu giảm 5%, từ mức 23% còn 18% thì thành phố sẽ bị hụt trên 80.000 tỷ đồng. Như vậy là kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội của địa phương sẽ gặp khó khăn. Trong đó, thành phố có nhiều kế hoạch đã vạch ra để giải quyết như: cống tác chống ngập, phát triển hạ tầng giảm ùn tắc giao thông,… chắc chắn khó thực hiện rốt ráo vì ngân sách không đáp ứng nhu cầu phát triển.

Trước đó, trong buổi làm việc giữa Thủ tướng Chính phủ với UBND TP HCM cuối tháng 6, nhiều bộ ngành ủng hộ kiến nghị của thành phố về việc giữ nguyên tỷ lệ điều tiết ngân sách và một số cơ chế đặc thù. “Nếu ủng hộ thành phố thì ngân sách của Trung ương bị ảnh hưởng, ảnh hưởng đến sự phát triển của các địa phương khác. Không ủng hộ thì không thật sự tạo điều kiện cho đầu tàu này phát triển đúng nghĩa và chạy nhanh hơn. Bài toán này cần xem xét nhiều chiều” - Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư nhìn nhận. Các bộ đều nhận thấy vai trò đầu tàu của cả nước như TP HCM song nếu ưu tiên cho thành phố thì các tỉnh/thành khác sẽ khó khăn.

Chia sẻ về tình trạng phải “thắt lưng buộc bụng” của các tỉnh/thành, mới đây Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đánh giá cao những đóng góp từ các địa phương thúc đẩy kinh tế cả nước phát triển. Thủ tướng cũng bày tỏ mong muốn bộ ngành, địa phương chia sẻ, đồng tâm, hiệp lực cùng cả nước để vượt qua giai đoạn khó khăn về ngân sách như hiện nay. Theo Thủ tướng, có thể ngân sách nhà nước chi cho đầu tư phát triển bị giảm nhưng các tỉnh/thành vẫn có thể tìm nguồn đầu tư thông qua hình thức xã hội hóa.

Không chỉ riêng việc cắt giảm ngân sách nhà nước để lại cho các tỉnh/ thành, để giảm bộ chi ngân sách và kiểm soát gia tăng nợ công quá mức, có nguy cơ vượt trần cho phép Chính phủ còn đưa ra những giải pháp mạnh, trong đó có việc chấm dứt thời kỳ cấp phát vốn ODA, chuyển sang vay thương mại. Chính phủ tiếp tục siết chặt ngân sách bằng Luật Ngân sách nhà nước. Bởi vì, theo Ủy ban Tài chính-Ngân sách của Quốc hội, đến năm 2015, nợ công lên đến 2,6 triệu tỷ đồng, bằng 62,2% GDP. Mặc dù vẫn còn trong giới hạn cho phép nhưng tốc độ tăng nợ công bình quân giai đoạn 2016-2020 ở mức 18,4%/năm, hơn 3 lần tốc độ tăng trưởng GDP.

Nhằm tránh tình trạng thâm hụt ngân sách, vượt trần, giảm áp lực nợ công, Chính phủ kêu gọi các bộ ngành, địa phương thực hiện kế hoạch “thắt lưng buộc bụng” trong chi tiêu, giảm tốc độ tăng chi ngân sách, giảm bớt nhu cầu vay nợ. Ngoài việc tiết kiệm chi thì việc nỗ lực tăng huy động ngân sách, sử dụng nợ công hiệu quả, giám sát chặt hoạt động đầu tư phát triển tránh tràn lan, thất thoát là rất quan trọng.

Ngay với giới chuyên gia kinh tế cũng cho rằng, với thực tế thâm hụt ngân sách, nợ công tăng cao thì việc Chính phủ cắt giảm chi ở mức cao là giải pháp cần thiết.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Thắt lưng buộc bụng