Đây là một trong những giải pháp mà ông Nguyễn Tuấn Anh, trưởng Ban Tuyên giáo UBTƯ MTTQ Việt Nam đưa ra tại buổi làm việc với Ban Thường trực Ủy ban MTTQ tỉnh Tiền Giang về kết quả thực hiện Chương trình “Toàn dân tham gia bảo vệ Môi trường” năm 2017.
Ông Nguyễn Tuấn Anh, Trưởng ban Tuyên giáo UBTƯ MTTQ Việt Nam phát biểu tại buổi làm việc.
Ngày 23/11, tại tỉnh Tiền Giang, Đoàn công tác của UBTƯ MTTQ Việt Nam do ông Nguyễn Tuấn Anh, Trưởng ban Tuyên giáo đã có buổi làm việc với Ban Thường trực Ủy ban MTTQ tỉnh Tiền Giang và Ủy ban MTTQ huyện Cai Lậy về kết quả thực hiện Chương trình “Toàn dân tham gia bảo vệ Môi trường” năm 2017.
Tiếp và làm việc với Đoàn có ông Huỳnh Văn Hải, Phó Chủ tịch Ủy ban MTTQ tỉnh Tiền Giang. Cùng dự có các đồng chí là lãnh đạo Huyện ủy, HĐND, UBND, Ủy ban MTTQ và các tổ chức đoàn thể huyện Cai Lậy.
Theo báo cáo của Ủy ban MTTQ tỉnh Tiền Giang, công tác bảo vệ môi trường trên địa bàn tỉnh trong thời gian qua đã được Ban Thường trực Ủy ban MTTQ tỉnh triển khai thực hiện theo đúng hướng dẫn của Ban Thường trực UBTƯ MTTQ Việt Nam.
Công tác thông tin tuyên truyền đã được Mặt trận các cấp và các tổ chức thành viên phối hợp với ngành Tài nguyên và môi trường tổ chức tuyên truyền cho người dân tại khu dân cư thông qua các buổi sinh hoạt của từng chi đoàn, chi hội. Trong năm 2017, đã tổ chức tuyên truyền được 5.896 cuộc có 282.364 lượt người tham gia và tổ chức 14 cuộc phát động nhân Ngày môi trường thế giới năm 2017 với 3.791 người tham dự.
Đồng thời, phối hợp với các chức sắc tôn giáo tuyên truyền vận động các tín đồ đã mang lại hiệu quả tích cực, đồng bào có đạo đã tích cực hưởng ứng phong trào và tham gia vào công tác bảo vệ môi trường tại địa phương.
Qua công tác tuyên truyền đã nâng cao nhận thức, bỏ dần nhưng hành vi xấu gây xâm hại đến môi trường, tích cực tham gia những việc làm cụ thể ở khu dân cư phát động nhằm xây dựng đường làng ngõ xóm sạch đẹp, góp phần thực hiện tiêu chí thứ 17 trong bộ tiêu chí quốc gia về xây dựng nông thôn mới.
Công tác xây dựng mô hình điểm tại khu dân cư đến nay đã xây dựng được 94 mô hình điểm về Khu dân cư tự quản bảo vệ môi trường và Khu dân cư tự quản thu gom và xử lý rác thải sinh hoạt, ngoài ra còn xây dựng mô hình “Dọn vớt lục bình, khơi thông dòng chảy tại 8 đoạn kênh; mô hình “Tuyến đường sáng – xanh – sạch – đẹp” tại 10 tuyến đường và mô hình “Ngày thứ 6 xanh – sạch – đẹp” tại 16 xã của huyện Cai Lậy…
Qua công tác xây dựng mô hình điểm đã có tác dụng lớn cho công tác tuyên truyền vận động người dân tham gia bảo vệ môi trường, đặc biệt là phát huy được vai trò của các cá nhân tiêu biểu, tổ trưởng tổ dân phố, Ban Công tác Mặt trận và trách nhiệm của các chi, tổ, hội và vai trò của các đảng viên, đoàn viên, hội viên trên địa bàn dân cư.
Từ đó cảnh quan khu dân cư ngày càng xanh, sạch đẹp. Người dân có ý thức, kiến thức sống thân thiện với môi trường góp phần nâng cao chất lượng cuộc sống.
Ngoài ra Mặt trận các cấp đã điều tra và kiến nghị các ngành chức năng có biện pháp quản lý, xử lý đối với 129 nhà máy, cơ sở sản xuất có nguy cơ gây ô nhiễm môi trường trên địa bàn tỉnh Tiền Giang, qua kiến nghị, các ngành chức năng đã phối hợp lập biên bản cho cam kết khắc phục 74 cơ sở, xử lý 12 trường hợp và Mặt trận phối hợp với các ngành chức năng vận động 43 cơ sở tự khắc phục…
Tại buổi làm việc, thay mặt Đoàn công tác, ông Nguyễn Tuấn Anh đánh giá cao những kết quả đạt được của Ban Thường trực Ủy ban MTTQ tỉnh Tiền Giang trong công tác triển khai thực hiện Chương trình toàn dân tham gia bảo vệ môi trường trên địa bàn tỉnh Tiền Giang thời gian vừa qua.
Đồng thời, biểu dương sự phối hợp giữa Mặt trận và các tổ chức thành viên trong công tác xây dựng mô hình điểm, công tác thông tin tuyên truyền đã làm thay đổi nhận thực thức của nhân dân trong công tác bảo vệ môi trường và phát huy được vai trò của các cá nhân tiêu biểu, Ban Công tác Mặt trận các đảng viên, đoàn viên, hội viên trên địa bàn dân cư.
Ông Nguyễn Tuấn Anh đề nghị, tiếp tục thực hiên tốt 4 giải pháp gồm: đẩy mạnh công tác tham mưu với cấp ủy, phối hợp với chính quyền và các đoàn thể các cấp trong công tác bảo vệ môi trường, tăng cường công tác thông tin tuyên truyền để thay đổi hành vi trong nhân dân, tăng cường công tác quản lý nhà nước và huy động các nguồn lực cho hoạt động bảo vệ môi trường.
Ông Nguyễn Tuấn Anh cũng lưu ý với địa phương khắc phục những mặt còn hạn chế và cần nhân rộng những mô hình đạt hiệu quả để tạo sức lan tỏa trong cộng đồng dân cư, góp phần xây dựng cảnh quan môi trường ngày càng xanh – sạch – đẹp.
Đoàn công tác đã đi khảo sát thực tế mô hình “Khu dân cư tự quản bảo vệ môi trường” tại xã Hiệp Đức.
Trước đó, Đoàn công tác đã đi khảo sát thực tế mô hình “Khu dân cư tự quản bảo vệ môi trường” tại xã Hiệp Đức, huyện Cai Lậy, tỉnh Tiền Giang. Đây là xã đạt chuẩn nông thôn mới.