Ngày 4/11/2013, Nghị quyết Hội nghị lần thứ 8, Ban Chấp hành Trung ương khóa XI (Nghị quyết số 29-NQ/TW) về “Đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo, đáp ứng yêu cầu công nghiệp hóa, hiện đại hóa trong điều kiện kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa và hội nhập quốc tế” đã được ban hành. Qua 10 năm, giáo dục đào tạo đã thu được một số thành tựu, tuy nhiên thành công vẫn còn ở phía trước, đòi hỏi nhiều nỗ lực hơn nữa, quyết tâm hơn nữa.
Sau 10 năm đổi mới căn bản, toàn diện quy mô trường, lớp tăng lên ở các cấp học, bậc học, đặc biệt trong hệ thống giáo dục phổ thông, trường lớp đã phủ kín vùng sâu vùng xa, vùng điều kiện kinh tế - xã hội còn nhiều khó khăn. Cơ sở vật chất trường lớp từng bước được tăng cường theo hướng kiên cố hóa, hiện đại hóa và chuẩn hóa.
Nếu ở tầm vĩ mô, giáo dục là quốc sách thì trong mỗi gia đình giáo dục cũng thực sự trở thành “gia sách”. Toàn xã hội chăm lo cho giáo dục và cũng đặt kỳ vọng nhiều hơn vào giáo dục.
Nhiều ý kiến cho rằng, sau 10 năm thực hiện Nghị quyết 29, quy mô và cơ cấu giáo dục chuyển dịch đúng hướng, đảm bảo công bằng xã hội trong giáo dục và cơ hội học tập suốt đời cho mỗi người dân. Việc mở rộng cơ hội đi học đúng tuổi các cấp học được thể hiện rõ ở cả hai tiêu chí tỷ lệ đi học chung và tỷ lệ đi học đúng tuổi. Ngay cả những địa phương từng bị coi là “vùng trũng” giáo dục thì cũng đã có học sinh giỏi đạt giải quốc gia.
Trong quá trình đó, thể hiện rõ nét nhất của đổi mới giáo dục là triển khai Chương trình giáo dục phổ thông 2018 với định hướng phát triển phẩm chất, năng lực của người học. Điều đó giúp thay đổi tư duy, thay đổi cách làm giáo dục. Từ phương pháp dạy chủ yếu nặng về truyền thụ kiến thức chuyển sang chú trọng phát triển phẩm chất, năng lực của học sinh.
Với bậc đại học (ĐH), theo thống kê của Bộ Giáo dục và Đào tạo (GDĐT), quy mô đào tạo ĐH tăng trung bình 4,4% trong giai đoạn 2013-2022. Điều này đã góp phần tăng tỷ lệ dân số trong độ tuổi 18 đến 22 được tiếp thu giáo dục ĐH từ 25,2% (năm 2013) lên 35,4% (năm 2021). Tính bình quân trong cả giai đoạn 10 năm (2013 - 2023) tỷ lệ sinh viên học ĐH tăng 6,1%.
Đáng chú ý, giai đoạn 2013-2023, sau 10 năm thực hiện Nghị quyết 29, tự chủ ĐH đã đạt được những bước tiến quan trọng, đặc biệt là tự chủ về chuyên môn, học thuật, ra đời nhiều ngành đào tạo mới, đáp ứng nhu cầu đòi hỏi của thực tế. Theo PGS.TS Nguyễn Thu Thủy - Vụ trưởng Vụ Giáo dục đại học (Bộ GDĐT), việc đẩy mạnh quyền tự chủ và trách nhiệm giải trình của các cơ sở giáo dục ĐH là điểm nổi bật trong đổi mới cơ chế quản lý trong giáo dục ĐH trong giai đoạn vừa qua, đem lại sự thay đổi mạnh mẽ và tạo ra diện mạo mới hệ thống cơ sở giáo dục ĐH.
Đổi mới bao giờ cũng là một quá trình rất công phu, đòi hỏi quyết tâm bền bỉ và rất nhiều nỗ lực. Giáo dục cũng như vậy. Tại diễn đàn Quốc hội cũng như trong xã hội vẫn còn nhiều ý kiến âu lo về giáo dục nước nhà.
Để Nghị quyết 29 thực sự đi vào cuộc sống với tinh thần đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo, theo Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà, ngành giáo dục cần tổng kết, đánh giá không chỉ liệt kê đầy đủ những nội dung, nhiệm vụ đã triển khai, mà cần tập trung làm rõ nguyên nhân, bất cập, tình trạng thiếu phối hợp, kết nối, liên thông, đồng bộ giữa các bộ, ngành, nhiệm vụ đặt ra trong Nghị quyết dẫn đến tình trạng “văn bản có đầy đủ nhưng làm không được”, “chủ trương đúng, nhưng hiểu và vận dụng chưa thông”.
GS.TS Nguyễn Văn Minh - Hiệu trưởng Trường Đại học Sư phạm Hà Nội cho rằng, một số mục tiêu, yêu cầu đặt ra tại Nghị quyết 29 đến nay vẫn chưa đạt được. Đó là vấn đề “thực học, thực nghiệp”; sự phối hợp thực hiện giữa các bộ, ngành; vấn đề bảo đảm bình đẳng giữa khu vực giáo dục công lập và ngoài công lập; những giải pháp đột phá đầu tư cho đội ngũ giáo viên (GV). Theo GS Minh, vấn đề ở đây là thiếu “người thi công”. Khi thiết kế đã có nhưng thiếu người thi công thì cũng không thể xây được công trình.
Tình trạng thiếu GV đã làm nóng nghị trường Quốc hội tại các kỳ họp thứ 5, thứ 6 Quốc hội khóa XV. Theo thống kê của Bộ GDĐT, kết thúc năm học 2022-2023, cả nước còn thiếu 118.253 GV, số GV thiếu tăng thêm 11.308 người so với năm học 2021-2022. Trong khi đó, "làn sóng" GV nghỉ việc có vẻ chưa dừng lại khi gần 9.300 GV nghỉ việc trong năm học vừa qua.
Đáng chú ý, tình trạng thừa, thiếu cục bộ GV chưa được giải quyết hiệu quả, vẫn thiếu GV ở các cấp học, nhất là GV dạy các môn chuyên biệt. Từ đó giải pháp nâng cao chất lượng giáo dục toàn diện chưa đạt hiệu quả.
Trong khi đó, một số địa phương cấp ủy, chính quyền chưa quan tâm đúng mức đến công tác đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo; xem đổi mới giáo dục là nhiệm vụ chuyên môn của ngành giáo dục.
Với bậc ĐH, theo Thứ trưởng Bộ GDĐT Nguyễn Văn Phúc, chất lượng dù đã được nâng lên nhưng vẫn chưa đáp ứng được yêu cầu về chất lượng nguồn nhân lực, nhất là nguồn nhân lực chất lượng cao. Đầu tư kinh phí cho ĐH thấp.
PGS. TS Huỳnh Quyết Thắng - Giám đốc Đại học Bách khoa Hà Nội cho rằng, cần rà soát các văn bản pháp luật, tạo sự đồng bộ, thống nhất về chủ trương cho các cơ sở giáo dục ĐH tự chủ. Cần nghiên cứu ban hành một nghị định riêng về tự chủ tài chính cho các cơ sở giáo ĐH để tạo đột phá về “khoán 10 trong tri thức” theo hướng các cơ sở giáo dục ĐH là đơn vị sự nghiệp đặc biệt, coi đây là văn bản pháp luật, cởi trói và giải phóng sức sáng tạo, phát huy nguồn tri thức to lớn để phát triển đất nước.
Thực hiện Nghị quyết 29, theo bà Nguyễn Thị Mai Hoa - Phó Chủ nhiệm Ủy ban văn hóa Giáo dục của Quốc hội, để đạt được mục tiêu của đổi mới căn bản toàn diện giáo dục cần nhiều yếu tố. Trong đó, quan trọng nhất, là phải đảm bảo các điều kiện để đổi mới cũng như việc đầu tư trọng tâm, trọng điểm để bứt phá. Bà Hoa cho rằng, chúng ta đang chứng kiến một sự chuyển mình rất mạnh mẽ của ngành giáo dục trên phạm vi toàn quốc và ở tất cả các cấp học, các bậc học. Đây chính là tinh thần của Nghị quyết 29 của Đảng về việc là đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo.
Với câu hỏi, giai đoạn tiếp theo, để triển khai đổi mới căn bản toàn diện giáo dục thì cần thêm những đòn bẩy nào, bà Hoa cho rằng, để triển khai, đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục đào tạo theo tinh thần Nghị quyết 29, trước hết các cấp lãnh đạo và các nhà quản lý phải quán triệt điều này để có sự đồng thuận trên, dưới đồng lòng và cả xã hội ủng hộ. Chúng ta đã có Luật Giáo dục (sửa đổi), Luật Giáo dục ĐH, Luật Giáo dục nghề nghiệp và sắp tới Chính phủ sẽ trình Quốc hội phương án Luật Nhà giáo.
“Phải rất rạch ròi trách nhiệm của từng địa phương đầu tư cho giáo dục. Muốn xã hội hóa, thu hút nguồn lực ngoài xã hội đầu tư cho giáo dục, trách nhiệm của Nhà nước phải thể hiện trong việc tháo gỡ những rào cản về cơ chế, chính sách để hỗ trợ cho các doanh nghiệp. Giúp doanh nghiệp tham gia làm giáo dục mới có những mô hình giáo dục chất lượng cao. Trong điều kiện nguồn lực đầu tư cho giáo dục có hạn thì cần phải tính đến sử dụng ngân sách cho đầu tư giáo dục một cách hợp lý, hiệu quả nhất” - bà Nguyễn Thị Mai Hoa nói, đồng thời cho rằng cần nâng cao vai trò, trách nhiệm của các cơ sở giáo dục. Trao tự chủ ĐH, tự chủ cho các cơ sở giáo dục phổ thông là điều cần làm.
Chỉ ra những mặt "được" khi triển khai Nghị quyết 29 về đổi mới căn bản toàn diện giáo dục, ĐBQH Nguyễn Thị Việt Nga (Đoàn Hải Dương) cho rằng ưu điểm lớn nhất trong đổi mới lần này là sự vào cuộc quyết liệt, không chỉ của Bộ GDĐT, mà còn của cả hệ thống chính trị và được sự ủng hộ rất lớn của người dân. Quy mô của các trường học tăng lên so với 10 năm trước. Hệ thống trường tư thục/dân lập đã "chia lửa" cho các cấp học bậc học. Cả nước có 42.080 cơ sở giáo dục từ nhà trẻ, mầm non, tiểu học, trung học cơ sở, trung học phổ thông và các cơ sở giáo dục đại học. Trong đó: 4.077 cơ sở giáo dục ngoài công lập (3.326 cơ sở giáo dục mầm non, 685 cơ sở giáo dục phổ thông và 60 trường đại học tư thục/dân lập và 6 trường đại học 100% vốn nước ngoài) với gần 1,9 triệu học sinh, sinh viên ngoài công lập.
Tuy nhiên, bà Nga cũng cho rằng, dù có hệ thống trường tư thục/ngoài công lập có nhiều, nhưng mức học phí ở khu vực này quá cao, chưa thể đáp ứng được điều kiện người dân. Vì vậy, dù có trường học, nhưng con em vẫn chưa được vào học. Đây là nút thắt về cơ chế cần được tháo gỡ trong giai đoạn tới để việc xã hội hóa giáo dục thực sự có hiệu quả.