Giá vàng tăng mạnh thời gian qua khiến nhiều người mua tại các trung tâm kinh tế hàng đầu ở châu Á chọn cách “án binh bất động” để quan sát. Trong khi giá dầu thô lại “chập chờn” nhưng vẫn neo ở mức cao trên 100 USD/thùng kéo theo giá của nhiều mặt hàng hóa khiến chỉ số giá tiêu dùng nhiều nước lên cao, nguy cơ dẫn đến lạm phát. Thế giới đang vào cơn bão giá, đó là một thực tế khá rõ ràng.
Nhiều mặt hàng tăng giá và khan hiếm
Giá vàng tăng đã khiến ngành tổ chức tiệc cưới Ấn Độ bỗng trở nên khó khăn. Anh Pankaj Dhariya, 35 tuổi, nhân viên kinh doanh ở bang Uttar Pradesh đã hoãn đám cưới vào tháng 4 tới vì phía nhà gái không đủ khả năng để tặng vàng cho nhà trai (theo phong tục trao hồi môn trong lễ cưới của Ấn Độ).
“Cha tôi khuyên gia đình cô dâu mua vàng trả góp. Nhưng họ nói rằng chi phí tổ chức tiệc, địa điểm, quà tặng và quần áo đã rất cao nên họ chỉ có đủ khả năng tặng tôi trang sức bằng bạc. Thế là đám cưới phải bị hoãn”- anh Pankaj nói.
Nói với hãng tin Blooberg, bà Tanya Rastogi- Giám đốc cửa hàng trang sức Lala Jugal Kishore Jewelers tại thành phố Lucknow cho biết doanh số bán hàng tại công ty đã giảm 25% trong tháng 3 do giá vàng tăng cao, khiến nhu cầu mua đồ trang sức cho lễ cưới lẫn đầu tư đều chậm lại. Bà Rastogi cũng cho biết, người mua liên tục gọi điện để kiểm tra giá vàng hằng ngày.
Trong khi đó, Hội đồng Vàng thế giới lại đưa ra dự đoán lạm phát sẽ tiếp tục kéo dài và làm tăng sức hấp dẫn của vàng. Dự đoán giá vàng tiếp tục leo thang, ông Vincent Tie- Giám đốc bán hàng tại Công ty Giao dịch vàng Silver Bullion (Singapore), nhận định: “Chi phí khai thác vàng tăng lên cùng với giá dầu cao hơn có thể đẩy giá vàng cao hơn nữa”. Còn tại Thái Lan, một trong những thị trường tiêu thụ vàng lớn nhất châu Á, Hiệp hội các nhà kinh doanh vàng dự báo giá kim loại quý này có thể còn lên nếu xung đột Nga - Ukraine tiếp diễn.
Giá vàng lên cao hay giá xăng dầu chao đảo đã khiến nhiều quốc gia phải đối mặt với “bão giá”. Tại In-donesia, riêng mặt hàng dầu ăn đã rơi vào tình trạng khan hiếm kể từ đầu tháng 3 tới nay. Nhiều người than thở rằng giá dầu ăn tăng chóng mặt đến nỗi tầng lớp thu nhập thấp, chiếm phần lớn trong tổng số 270 triệu dân, không thể mua nổi. Truyền thông Indonesia liên tục đăng tải hình ảnh người dân xếp hàng nhiều giờ để chờ mua mặt hàng này. Ở siêu thị và cửa hàng tiện lợi, kệ hàng bán dầu ăn đều trống trơn. Một số siêu thị tại thủ đô Jakarta, người mua chỉ có thể tìm thấy dầu ăn nhập khẩu chiết xuất từ hạt cải, hướng dương và bắp, có giá ít nhất 5 USD/lít. Dầu ăn là thành phần không thể thiếu khi chế biến món ăn của người Indonesia.
Chủ tịch Hiệp hội Nhà hàng và khách sạn Indonesia (PHRI) Hariyadi Sukamdani cho biết, họ rất “gay go” khi thiếu dầu ăn. “Nguồn cung cấp thường xuyên trước đây cho chúng tôi thì nay cũng như thể mất hút. Chúng tôi phải cho người đi mua tại các cửa hàng bán lẻ nhưng họ lại quy định mỗi khách hàng chỉ được mua tối đa 2 lít dầu ăn nếu còn hàng. Thật là khó khăn”- ông Sukamdani nói.
Châu Phi cũng đang rơi vào tình thế khan hiếm các mặt hàng phục vụ cho bữa ăn hàng ngày. Trong đó, lúa mì, bắp, dầu hướng dương bị ảnh hưởng nhiều hơn cả. Từ trước tới nay, Nga và Ukraine vẫn là hai nhà cung cấp lúa mì lớn nhất cho Ai Cập, chiếm tới 80% lượng lúa mì nhập khẩu của nước này. Nay do chiến sự, nguồn cung cực kỳ quan trọng này bị gián đoạn. Để bù đắp, Chính phủ Ai Cập đã phải đặt mục tiêu mua 6 triệu tấn lúa mì từ nông dân địa phương, tương đương 60% sản lượng thu hoạch dự kiến và áp đặt lệnh cấm xuất khẩu lúa mì, đậu, đậu lăng, bột mì và mì ống trong vòng 3 tháng.
Ế ẩm văn phòng cho thuê
Tới nay, khi đại dịch Covid-19 đã dần được khống chế, hầu hết các quốc gia đã mở cửa để khôi phục lại sản xuất, kinh doanh. Nhiều dự đoán cho rằng kinh tế thế giới sẽ bùng nổ. Tuy nhiên, mọi sự không hề đơn giản.
Thông tin trên tờ The Economist mới đây cho biết, rất nhiều các văn phòng trên khắp thế giới bị bỏ trống. Đại dịch đã kéo dài sang năm thứ ba nhưng “số phận” của các tòa nhà này vẫn chưa rõ ràng. Các trung tâm tài chính như Manhattan (Mỹ), London (Anh), Marunouchi (Tokyo, Nhật Bản), La Défense (Paris, Pháp)... đang “tha thiết mời gọi” người thuê nhà. Nguyên nhân đầu tiên được cho là do nhiều doanh nghiệp đã “học được cách” cho nhân viên làm việc tại nhà kể từ khi phải thực hiện giãn cách để chống Covid, nên nay cũng không mặn mà với cách làm việc truyền thống: Có nghĩa là không cần phải có trụ sở hoành tráng, rộng rãi.
Theo số liệu của Tập đoàn kiểm toán EY và Tổ chức nghiên cứu Urban Land Institute, trước đại dịch, 21 trung tâm tài chính lớn nhất trên thế giới là nơi làm việc của 4,5 triệu người. Đây cũng là nơi đặt trụ sở chính của khoảng 20% các công ty thuộc Fortune Global 500 - bảng xếp hạng hàng năm của 500 công ty, tập đoàn hàng đầu trên toàn thế giới tính theo doanh số. Nhưng nay, con số đó đã chỉ còn chưa tới 60%.
Một nguyên nhân rất quan trọng khiến cho các văn phòng trở nên ế ẩm lại đến từ nguyên nhân tài chính. Hầu hết các doanh nghiệp đang phải tìm kiếm nguồn đầu tư để hồi sức, nên không còn đủ lực để thuê văn phòng rộng rãi. Nhiều doanh nghiệp đã tăng tốc sản xuất, kinh doanh nhưng hiệu quả thu được cũng chưa thật rõ ràng, nên họ chần chừ không dám “xuống tiền” thuê nhà.
Ông Omotayo Okusanya - chuyên gia phân tích, Quỹ đầu tư bất động sản Mizuho Americas nói: “Theo tôi, vấn đề là có bao nhiêu người sử dụng văn phòng cùng lúc. Có nhiều công ty sử dụng hình thức chia sẻ văn phòng, nơi tầng một của tòa nhà được cho thuê làm cửa hàng bán lẻ. Họ phải đề phòng vì chưa cầm chắc sẽ làm ăn tốt hơn trong khi giá cả đang leo thang”.
Hành động khẩn trương để kiềm chế lạm phát
Hai năm qua là một trong những giai đoạn khó khăn nhất mà kinh tế Mỹ phải trải qua kể từ cuộc đại suy thoái gần một thế kỷ trước. Hiện nước Mỹ đang đối mặt với tỷ lệ lạm phát cao chưa từng thấy trong 40 năm và đáng tiếc là chưa biết đến bao giờ mới chấm dứt.
James Paulsen - chiến lược gia tại công ty nghiên cứu đầu tư The Leuthold Group (Mỹ) cho rằng, lạm phát chỉ có thể “tạm lắng” vào thời điểm cuối năm nay. Tuy nhiên, điều đáng mừng chính lạm phát đã thúc đẩy nhiều người đi làm trở lại. Điều đó sẽ giải quyết không chỉ vấn đề kinh tế mà còn cả mặt xã hội.
Báo cáo của Bộ Lao động Mỹ công bố mới đây cho biết lạm phát tại nước này đã đạt mức cao nhất trong 40 năm vào tháng 2/2022, với Chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tăng lên 7,9% so với cùng kỳ năm ngoái. Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) đã nâng lãi suất thêm 0,25%. Đây là lần tăng đầu tiên trong hơn 3 năm. Chủ tịch Fed Jerome Powell nhấn mạnh, cần phải hành động khẩn trương và mạnh tay hơn để kiềm chế lạm phát. Tuy nhiên, Simona M ocuta - nhà kinh tế tại Công ty quản lý tài sản State Street Global Advisors cho rằng, điều đó cũng khó chặn được lạm phát vì khan hiếm nhiều mặt hàng nên giá cả sẽ leo thang.
Tại Đông Nam Á, cơn “bão giá” cũng đã bắt đầu nổi lên. Ngân hàng Maybank (Malaysia) nhận định xuất khẩu, đầu tư trực tiếp nước ngoài và tăng trưởng kinh tế của ASEAN có thể chịu tác động nếu kinh tế châu Âu tăng trưởng chậm lại hoặc suy giảm do cuộc chiến Nga - Ukraine. Theo Maybank, EU hiện chiếm 9% tổng kim ngạch xuất khẩu và 11% đầu tư nước ngoài trực tiếp của ASEAN và đó được cho là “thiệt hại ngoài dự kiến”.
Theo trang Nikkei Asia, một nỗi lo khác là tác động đến du lịch, nhất là khi các nước ASEAN đang bắt đầu mở cửa chào đón du khách quốc tế. Trước đại dịch Covid-19, du khách châu Âu chiếm tỉ lệ 17% trong nhóm du khách quốc tế đến Thái Lan. Tại Indonesia và Singapore, tỉ lệ này lần lượt là 13% và 11%. Cụ thể hơn, với du lịch Thái Lan, du khách tới từ Nga trước đại dịch đóng góp 5,4% doanh thu cho ngành công nghiệp không khói tại nước này, chỉ sau du khách Trung Quốc (28%) và du khách Malaysia (5,6%).
Trong khi đó, sức ép từ giá năng lượng và lương thực leo thang cũng có thể tác động xấu đến quá trình phục hồi kinh tế của ASEAN. Chuyên gia Enrico Tanuwidjaja của Ngân hàng UOB (Singapore) cho biết có nhiều nghiên cứu chứng minh mối liên hệ giữa lạm phát và tăng trưởng kinh tế. Theo một nghiên cứu đối với nền kinh tế Indonesia, mỗi điểm phần trăm lạm phát gia tăng sẽ khiến tăng trưởng kinh tế giảm 0,08 điểm phần trăm.
Tập đoàn Moody’s (Mỹ) cũng nhận định áp lực lạm phát sẽ tăng nhanh hơn tại những nền kinh tế nhập khẩu số lượng lớn nhiên liệu. Theo Công ty Dịch vụ tài chính Morgan Stanley Asia, sức ép đang gia tăng tại các nền kinh tế khu vực Đông Nam Á và cơn “bão giá” cũng có thể chưa qua nhanh.