Theo Công ty Tư vấn tài chính Capital Economics (Mỹ), từ đầu năm đến nay, giá lương thực đã tăng gần 14% ở những nền kinh tế mới nổi và hơn 7% ở những nước khác. Capital Economics dự báo trong năm nay và năm tới, các hộ gia đình ở những nền kinh tế phát triển có thể phải chi thêm 7 tỷ USD mỗi tháng cho thực phẩm và đồ uống do lạm phát tăng vọt.
Trong khi đó, một báo cáo toàn cầu của Chương trình Lương thực thế giới (WFP) và 4 cơ quan khác của Liên hợp quốc cho biết, khoảng 2,3 tỷ người sẽ rơi vào tình trạng thiếu ăn. Tình hình đặc biệt nghiêm trọng đối với Sudan, nơi lạm phát dự kiến lên đến 245% trong năm nay.
Tại Anh, Thống đốc Ngân hàng trung ương nước này, ông Andrew Bailey, cảnh báo người dân sẽ hứng chịu một đợt lạm phát nghiêm trọng hơn so với các nền kinh tế lớn khác trong cuộc khủng hoảng năng lượng. Đồng quan điểm với ông Bailey, những người đứng đầu Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (FED) và Ngân hàng Trung ương châu Âu (ECB) nhận định lạm phát từng duy trì ở mức thấp và ổn định tại các nền kinh tế phát triển từ những năm 1990, thì nay khó có thể quay lại sau một loạt cú sốc kinh tế.
Theo số liệu chính thức của Cơ quan Thống kê Pháp (INSEE), lạm phát của Pháp trong tháng 7 ở mức 6,5% so với tháng trước, gây thêm áp lực cho nền kinh tế lớn thứ hai của khu vực đồng euro. Còn tại Đức, Văn phòng Thống kê liên bang (Destatis) cũng thông báo giá hàng hóa và dịch vụ trung bình tại quốc gia này tăng 7,6% trong tháng 6, và còn cao hơn trong tháng 7. Theo ông Ulrich Kater (Ngân hàng DekaBank), thì lạm phát tại Đức sẽ duy trì ở ngưỡng quanh 7% cho đến cuối năm nay.
Tới hết tháng 7/2022, lạm phát toàn cầu là 7,8%, mức cao nhất kể từ năm 2008 (khi đó là 9,2%). Tuy nhiên, nhiều định chế tài chính hy vọng từ nay tới cuối năm lạm phát sẽ giảm, cho dù vẫn đứng ở mức cao. Lý do chính được đưa ra là do tăng trưởng kinh tế toàn cầu chậm lại, các thách thức logistic trong chuỗi cung ứng toàn cầu giảm bớt và giá hàng hóa giảm. Dự báo của Consensus Economics, đến cuối năm nay lạm phát toàn cầu sẽ ở mức khoảng 6,5%. Còn theo Ngân hàng Thế giới, vào giữa năm 2023, lạm phát toàn cầu sẽ giảm xuống ở mức 3%.
Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF) đã xác định 4 động lực chính của sự gia tăng lạm phát hiện nay, đó là: Thứ nhất, tắc nghẽn trong chuỗi cung ứng do nhu cầu phục hồi nhanh chóng sau đại dịch; Thứ hai, sự dịch chuyển nhu cầu từ dịch vụ sang hàng hóa: chi tiêu cho hàng hóa đã tăng đáng kể do đại dịch, và một phần hiệu ứng này có thể kéo dài do những thay đổi trong xã hội - ví dụ, sự thay đổi hình thức làm việc theo hướng làm việc từ xa; Thứ ba, mở rộng tài khóa: khoảng 16,9 nghìn tỷ USD đã được phân bổ để chống lại đại dịch trên khắp thế giới (hầu hết trong số đó là ở các nền kinh tế phát triển); Thứ tư, thiếu hụt lao động và cuối cùng là xung đột quân sự ở Ukraine dẫn đến những cú sốc về nguồn cung năng lượng và thực phẩm.
Đáng chú ý, để chặn đà lạm phát, nhiều ngân hàng trung ương trên thế giới đã chuyển sang đợt tăng lãi suất lớn nhất trong hai thập kỷ qua. Theo Financial Times, các ngân hàng trung ương trên toàn thế giới đã công bố hơn 60 đợt tăng lãi suất chủ chốt, đây là con số cao nhất kể từ đầu năm 2000. Riêng FED đã công bố kết thúc chính sách tiền tệ siêu lỏng kéo dài thập kỷ và đã tăng lãi suất ba lần trong năm nay.
“Lạm phát tăng cao sẽ buộc các ngân hàng trung ương từ chim bồ câu trở thành diều hâu” - nhận xét trên Reuter. “Các ông chủ nhà băng phải “biến hình” như vậy để tránh các nền kinh tế rơi vào suy thoái. Nhưng đó cũng chỉ là cuộc vật lộn không nắm chắc phần thắng” - Marine Coffied, nhà phân tích tài chính Phố Wall (Mỹ) nhận xét đồng thời cho rằng kinh tế thế giới sẽ bước vào thời kỳ lạm phát đình trệ, như những năm 1970.
Tuy nhiên, theo giới quan sát, trong lúc Bắc Mỹ và châu Âu vùng vẫy với lạm phát thì châu Á có vẻ như “nhẹ nhàng” hơn. Lý do lớn nhất được cho là nhiều nước châu lục này tự giải quyết được vấn đề lương thực, thực phẩm và người dân cũng nhanh chóng thích ứng với việc không mua sắm những mặt hàng tiêu dùng đắt giá.
Khảo sát của Tập đoàn Công nghệ Cisco (Mỹ) cho thấy 86% người lao động muốn tiết kiệm tiền bằng cách làm việc tại nhà một phần. Cuộc khảo sát trên được thực hiện với hơn 6.000 người tham gia từ Singapore, Malaysia, Indonesia, Thái Lan và Philippines. Bà Bee Kheng Tay - Chủ tịch Cisco khu vực Đông Nam Á, cho biết chỉ có 5% số người được khảo sát muốn quay lại văn phòng hoàn toàn.
Lạm phát hàng năm ở 19 quốc gia của khu vực đồng euro đã tăng lên 8,9% cho đến cuối tháng 7, so với mức 8,6% trong tháng 6 - con số được Cơ quan Thống kê Liên minh châu Âu công bố hôm 31/7. Cụ thể, giá năng lượng trong tháng 7 tăng 39,7%. Giá thực phẩm, rượu và thuốc lá tăng 9,8%, nhanh hơn mức tăng được công bố vào tháng 6 do chi phí vận tải cao hơn, tình trạng thiếu hụt và nguồn cung ở Ukraine không chắc chắn. Như vậy, lạm phát ở khu vực eurozone đã gần bằng Mỹ (9,1%).