ASIAD 19 đã khép lại. Đoàn Thể thao Việt Nam (TTVN) có được 3 HCV, 5 HCB và 19 HCĐ, xếp hạng 21 chung cuộc. Dù hoàn thành chỉ tiêu huy chương trước khi đi (giành từ 2-5 HCV), tuy nhiên xét về tổng thể, TTVN đã tụt lùi ở khu vực châu Á, Đông Nam Á và bị các đối thủ bỏ rất xa.
Ông Đặng Hà Việt - Cục trưởng Cục Thể dục thể thao - Trưởng đoàn TTVN tham dự ASIAD 19 đã gửi lời xin lỗi người hâm mộ khi không đạt thành tích tốt hơn. “Điều chúng tôi hài lòng là các VĐV đã nỗ lực thi đấu hết mình vì màu cờ sắc áo của Tổ quốc trong đó có những đội tuyển đã hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ như đội tuyển Bắn súng, Cầu mây, mỗi đội đoạt 1 HCV, 1 HCB, 1 HCĐ; đội tuyển Karatedo đoạt 1 HCV, 1 HCB, 2 HCĐ. Nhiều môn thể thao tuy không đạt được huy chương vàng như: Thể dục, bắn cung, bóng chuyền... nhưng đã thể hiện sự tiến bộ vượt bậc của các VĐV trẻ. Về thông số thành tích, ngoài sự xuất sắc của các môn trên còn có một số thành tích khác, tuy chưa đạt kết quả như mong muốn nhưng cũng đáng để khích lệ như thành tích 7 phút 51 giây 44 của Nguyễn Huy Hoàng, nội dung bơi 800m tự do, đã tốt hơn 2,88 giây so với lần Hoàng giành HCĐ ở Asian Games 18. Hay như ở nội dung 4x400m tiếp sức của môn Điền kinh, dù chỉ về đích ở vị trí thứ 4 nhưng thành tích 3 phút 31 giây 61 đã vượt qua mức 3 phút 32,36 ở Giải vô địch châu Á 2023. Đặc biệt đội tuyển bóng chuyền nữ Việt Nam đạt vị trí tốt nhất tại các kỳ Asian Games. Dù thua Thái Lan 0-3 ở trận tranh HCĐ, đứng hạng tư chung cuộc nhưng đội đã có những chiến thắng làm nức lòng người hâm mộ trước Hàn Quốc, Triều Tiên” - ông Việt nói thêm.
ASIAD vẫn là đấu trường đỉnh cao, vậy TTVN cần phải làm gì để cải thiện thành tích ở các kỳ ASIAD sắp tới? Ông Việt cũng bày tỏ, quy trình để đào tạo cho một tài năng thể thao thường mất khoảng 10 năm từ đầu tư tới công tác đào tạo, tuyển chọn, hệ thống các giải đấu và có khi trong hàng ngàn VĐV tham gia tập luyện chuyên nghiệp mới tìm được một tài năng cấp châu lục và thế giới, việc này đòi hỏi nguồn kinh phí lớn và cách làm việc khoa học, bài bản.
“ASIAD và Olympic là đỉnh cao của thể thao châu lục và thế giới. Để đạt được thành tích ở những đại hội này chúng ta phải xác định được sự cạnh tranh trong thể thao cũng chính là sự cạnh tranh của những nền kinh tế lớn trên thế giới như Trung Quốc, Mỹ, Nhật Bản và Hàn Quốc. Đầu tư cho những sân chơi thể thao lớn này liên quan đến rất nhiều mặt, trước tiên là vấn đề kinh phí. TTVN rất muốn có hệ thống giải quốc gia đầy đủ để tạo nền tảng cho sự phát triển nhưng không có kinh phí tổ chức. Nếu xác định lấy nguồn xã hội hóa thì là từ đâu? Nhiều người cho rằng lấy từ các doanh nghiệp, nhưng nếu nền thể thao còn chưa mạnh, thì liệu có thu hút được doanh nghiệp? Vấn đề nữa là đào tạo, trong thể thao, phải mất tới 10 năm để đào tạo ra một VĐV đạt thành tích cao ban đầu, ở cấp độ quốc gia và trong hàng nghìn con người cũng mới có thể có một nhà VĐQG. Rồi còn quá trình đạo tạo nâng cao kéo dài, nên nhớ đào thải trong thể thao rất lớn và tiêu tốn nhiều kinh phí. Chỉ khi giải được những bài toán căn cơ này, TTVN mới đủ sức vươn lên tại các đấu trường ASIAD, Olympic” - ông Việt nói.