Nối tiếp những ca lấy - ghép tạng thành công tại Bệnh viện (BV) Xanh Pôn, mới đây, BV đa khoa Đức Giang (Hà Nội) đã công bố thực hiện thành công kỹ thuật ghép thận cùng huyết thống cho người bệnh suy thận mạn giai đoạn cuối.
Theo TS Nguyễn Văn Thường - Giám đốc BV đa khoa Đức Giang, BV đã thực hiện thành công ca ghép thận đầu tiên cho một bệnh nhân nữ ở Tuyên Quang vào ngày 8/9. Đến nay, BV đã thực hiện thành công 3 ca ghép thận và làm chủ được kỹ thuật ghép thận được hướng dẫn đào tạo chuyển giao từ các chuyên gia của BV Quân y 103.
Ca ghép thứ nhất là bệnh nhân N.T.B.H. (26 tuổi, ở Tuyên Quang) được phát hiện suy thận mạn giai đoạn cuối từ đầu năm 2022 và phải chạy thận chu kỳ 3 lần/tuần. Bệnh nhân này được mẹ đẻ hiến tặng thận. Ca ghép diễn ra ngày 8/9, sau ghép sức khỏe cả người cho và người nhận hoàn toàn ổn định.
Ca ghép thứ hai là bệnh nhân L.B.C. (nam, 19 tuổi, ở Thanh Hóa), bị suy thận giai đoạn cuối, phải lọc máu chu kỳ 3 lần/tuần. Người hiến thận là mẹ đẻ của bệnh nhân. Ca ghép diễn ra ngày 11/9, sau ghép sức khỏe của hai mẹ con tiến triển tốt.
Ca thứ ba là bệnh nhân P.T. H. (nam, 24 tuổi, ở Nam Định), phát hiện bị viêm cầu thận từ lớp 11. Khi dịch Covid-19 ập đến, một thời gian dài, H. không đi khám định kỳ, dẫn đến bị suy thận giai đoạn cuối. Ca ghép được tiến hành vào ngày 13/9, người cho thận cũng là mẹ của bệnh nhân. “Nhờ có sự giúp đỡ, hỗ trợ chuyên môn tận tình của lãnh đạo và các chuyên gia của BV Quân y 103 phối hợp tổ chức tư vấn hội chẩn trước ghép cho 3 cặp đầu tiên lấy, ghép thận tại BV đồng thời hỗ trợ tư vấn chuyên môn trong và sau ghép để ca phẫu thuật ghép thận của bệnh nhân diễn ra theo kế hoạch. BV đa khoa Đức Giang đã thực hiện 3 ca phẫu thuật lấy, ghép thận từ người hiến sống, bước đầu ghép thành công, sau phẫu thuật các bệnh nhân nhận thận đều tiến triển tốt, chức năng thận đã được cải thiện dần, tuy nhiên các bệnh nhân này vẫn đang được theo dõi sát và dùng thuốc chống thải ghép theo phác đồ”- TS Nguyễn Văn Thường cho hay.
Được biết, hiện khoa Nội thận tiết niệu (BV đa khoa Đức Giang) đang quản lý và theo dõi khoảng gần 180 bệnh nhân suy thận mạn giai đoạn cuối lọc máu chu kỳ tại khoa, mỗi ngày có 80 bệnh nhân chạy thận nhân tạo chia làm 3 ca. Việc chạy thận nhân tạo khiến người bệnh và người nhà người bệnh mệt mỏi, đi lại nhiều lần và chi phí tốn kém. Vì vậy, việc duy trì, phát triển và làm chủ kỹ thuật ghép thận tại BV Đức Giang sẽ góp phần cải thiện chất lượng cuộc sống cho người bệnh.
TS.BS Nguyễn Văn Thường chia sẻ: Ghép tạng là cơ hội tốt nhất đối với các bệnh nhân mắc bệnh mạn tính, hiểm nghèo do các mô, tạng bị suy giảm chức năng và không thể hồi phục. Việc hiến tặng mô, tạng cho những người bị suy tạng là một món quà vô giá, là phép màu kỳ diệu của cuộc sống giúp cho những người bệnh tưởng chừng như đã không còn hy vọng có thêm cơ hội được sống bình thường, được tiếp tục những ước mơ còn dang dở. BV sẽ tiếp tục triển khai các ca ghép tiếp theo nữa nhằm phục vụ nhu cầu chính đáng của bệnh nhân, một mặt tiếp tục cử nhân lực đi đào tạo nâng cao chuyên môn đảm bảo nguồn nhân lực chất lượng cao, phục vụ ngày càng tốt hơn nhu cầu ghép tạng của nhân dân.
TS Nguyễn Đình Hưng - Phó Giám đốc phụ trách Sở Y tế Hà Nội cho biết, trên địa bàn Hà Nội có khoảng 4.000 bệnh nhân suy thận đang phải chạy thận nhân tạo. Đối với việc điều trị suy thận, ghép thận là giải pháp tối ưu nhất. Ghép thận có thể cải thiện chất lượng cuộc sống của người suy thận. Bệnh nhân không phải phụ thuộc vào máy chạy thận nhân tạo. Sức khỏe người bệnh cũng tăng lên rất tốt, đặc biệt là những bệnh nhân trẻ. Sau ghép thận, bệnh nhân có thể trở lại cuộc sống lao động.
Để thực hiện được ca ghép thận thành công, đây không phải là thành công của riêng một người mà là sự nỗ lực, cố gắng của cả ê-kíp. Trung bình một ê-kíp ghép thận cần 50-70 người tham gia ở tất cả các khâu từ khâu sàng lọc, tuyển chọn, tạo nguồn, chuẩn bị người bệnh, xét nghiệm các chuyên ngành, chẩn đoán hình ảnh, siêu âm, chụp chiếu, các bác sĩ lâm sàng từ nội thận đến ngoại thận, bác sĩ gây mê, hồi sức và chăm sóc, ê-kíp điều dưỡng… Để có được ca ghép thận thành công, quan trọng nhất là tất cả các chuyên ngành tham gia ghép thận đều phải nâng cao. Bởi, tất cả các khâu ghép thận như một mắt xích, một khâu yếu cũng sẽ rất nguy hiểm.
“Mặc dù đây là kỹ thuật đã được nhiều BV thực hiện, tuy nhiên đây là bước phát triển của BV trực thuộc Sở Y tế Hà Nội. Những kỹ thuật này sẽ góp phần từng bước đáp ứng nhu cầu khám chữa bệnh cơ bản của người dân. Hạn chế chuyển bệnh nhân lên tuyến trên” - ông Nguyễn Đình Hưng nhấn mạnh.